Thứ Bảy, Tháng Tư 20, 2024

Đừng mơ xe nhập khẩu sẽ rẻ

Quốc Hùng

Ô tô nhập khẩu nguyên chiếc sắp tới đây có khả năng sẽ bị đẩy giá lên thêm 5-10% do đổi cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt vào ngày 1-1-2016

Người tiêu dùng trong nước mong đợi mua được chiếc ô tô nguyên chiếc nhập khẩu (CBU) giá thấp nhờ thuế nhập khẩu sẽ giảm hàng năm, có thể sẽ bị thất vọng nhiều vì sắp tới đây thuế tiêu thụ đặc biệt (SCT) áp cho xe CBU sẽ bị tính khác, dẫn đến giá xe bị đẩy lên cao.

Bộ Tài chính vừa công bố dự thảo thay đổi cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô nhập khẩu, trong đó mặt hàng ô tô dưới 24 chỗ ngồi là tâm điểm lớn nhất của việc sửa đổi lần này. Đây được xem là một động thái nhằm san bằng chênh lệch về cách tính số thuế SCT phải đóng hiện nay giữa các doanh nghiệp nhập khẩu và doanh nghiệp lắp ráp ô tô trong nước. Theo đó, giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt cho các loại ô tô nhập khẩu dưới 24 chỗ ngồi sẽ tăng lên do được tính thêm cả phần chi phí, dịch vụ bán hàng tại thị trường nội địa.

Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô nhập khẩu nguyên chiếc có thể sẽ thay đổi trong thời gian tới.    Ảnh: Q.H.
Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô nhập khẩu nguyên chiếc có thể sẽ thay đổi trong thời gian tới. Ảnh: Q.H.

Theo cách tính hiện nay, giá tính thuế cho ô tô nhập khẩu là tổng mức giá nhập CIF cộng với thuế nhập khẩu, là khoản tiền được thu tại cửa nhập khẩu thì theo đề xuất mới của Bộ Tài chính, giá tính thuế SCT cho ô tô sẽ phải là giá bán ra tới người tiêu dùng chưa tính thuế giá trị gia tăng (VAT) tại các cơ sở kinh doanh thương mại, các đại lý.

Cụ thể hơn, đó là mức giá tại thị trường nội địa, đã bao gồm cả giá nhập khẩu, phần chi phí bán hàng, quảng cáo, xúc tiến thương mại, hoa hồng cho đại lý bán lẻ và lợi nhuận của nhà nhập khẩu.

Bộ Tài chính cho rằng, việc sửa đổi như vậy sẽ tạo sự công bằng trong cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt giữa nhà nhập khẩu với nhà sản xuất trong nước và phù hợp hơn với bối cảnh cắt giảm thuế nhập khẩu về 0% đối với mặt hàng ô tô theo các cam kết quốc tế (theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN).

Trong những năm qua các nhà sản xuất ô tô trong nước và Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) đã nhiều lần lên tiếng về việc cách tính thuế SCT giữa xe lắp ráp trong nước và xe CBU không công bằng dẫn đến xe lắp ráp trong nước kém cạnh tranh hơn.

“Hiện nay, cơ sở để tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe lắp ráp trong nước là dựa trên giá bán buôn, trong khi đó đối với xe CBU thì chỉ dựa trên giá CIF nhập khẩu. Điều này là không công bằng và thực sự khiến thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe lắp ráp trong nước cao hơn xe CBU, bởi vì cơ sở tính thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe lắp ráp trong nước (giá bán buôn) còn bao gồm cả chi phí hành chính, vận chuyển, chi phí bán hàng và lợi nhuận của nhà sản xuất”, ông Yoshihisa Maruta, Tổng giảm đốc Toyota Việt Nam, kiêm Chủ tịch VAMA nói.

Chính vì vậy, để đảm bảo sự công bằng giữa xe lắp ráp trong nước và xe CBU, VAMA đề xuất điều chỉnh và áp chung một cơ sở tính thuế tiêu thụ đặc biệt cho cả xe lắp ráp trong nước và xe CBU. “Điều này hoàn toàn phù hợp với định hướng trong Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô đã được Thủ tướng phê duyệt. Hiện một số nước trong khu vực ASEAN cũng đang áp dụng giá xuất xưởng làm cơ sở để tính thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe sản xuất trong nước”, ông Maruta nói.

Với phương án này, số thuế SCT mà ô tô nhập khẩu phải đóng thêm sẽ bị đẩy lên cao. Theo tính toán của một doanh nghiệp hoạt động kinh doanh vừa lắp ráp xe trong nước vừa nhập khẩu xe ô tô nguyên chiếc, thì với dự thảo về cách tính thuế SCT nói trên thì giá xe CBU chắc chắn sẽ bị đẩy giá lên thêm ở mức 5-10% so với giá bán hiện nay. Ngoài ra, một số dòng xe bị đánh thuế nhập khẩu cao thì với cách tính thuế SCT mới sẽ dẫn đến giá xe bán đến tay người tiêu dùng còn cao hơn 10% so với giá bán hiện nay.

Dự thảo về phương án tính thuế SCT này chắc chắn sẽ gây khó cho không ít nhà nhập khẩu ô tô nguyên chiếc hiện nay gồm Audi, BMW, Porsche, Renault, Subaru, Volkswagen, Lexus…

Không ít ý kiến cho rằng với cách tính mới này, nhà nhập khẩu cũng sẽ có cách lách để giá xe bán ra không bị đẩy lên theo thuế SCT.

Tuy nhiên, theo dự thảo của Bộ Tài chính, để hạn chế chuyển giá thông qua kê khai giảm giá tính thuế của nhà nhập khẩu dẫn đến số thuế SCT phải nộp âm thì dự thảo sẽ bổ sung quy định trường hợp số thuế SCT phải nộp ở khâu bán ra trong nước nhỏ hơn số thuế SCT đã nộp ở khâu nhập khẩu (số thuế SCT âm) thì nhà nhập khẩu chỉ được khấu trừ tương ứng với số thuế SCT tính được khi bán ra trong nước.

Tuy nhiên, ngoài việc bổ sung thêm phần thu thuế tiêu thụ đặc biệt ở khâu nội địa cho ô tô nhập khẩu, dự thảo của Bộ Tài chính cũng có ảnh hưởng đến các nhà sản xuất lắp ráp ô tô trong nước.

Cụ thể như, giá tính thuế cho ô tô sản xuất trong nước sẽ phải là giá bán ở các cơ sở hạch toán phụ thuộc trực tiếp bán ra sản phẩm. Nếu ô tô bán qua hệ thống đại lý theo giá do nhà máy giao, trong đó đã bao gồm chi phí hoa hồng cho đại lý thì giá tính thuế sẽ là mức giá này, chưa trừ hoa hồng.

Nếu ô tô sản xuất trong nước bán qua các cơ sở thương mại thông thường, thì giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ là giá của nhà máy sản xuất, nhưng không được thấp hơn 5% mức giá bán cao nhất của các cơ sở thương mại (chưa có VAT).

Vừa qua, khi ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi được Quốc hội thông qua tháng 11-2014, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các mặt hàng ô tô không có sự thay đổi. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng việc sửa giá tính thuế là nằm trong quyền hạn của Chính phủ.

Luật này đã có điều khoản giao Chính phủ quy định chi tiết về giá tính thuế và cũng quy định nguyên tắc xác định giá tính thuế là giá bán ra chưa có thuế bảo vệ môi trường và thuế giá trị gia tăng.

Theo đề xuất của Bộ Tài chính, cách tính thuế SCT mới sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2016. Ngoài bảo hộ sản xuất ô ô tô trong nước, cách tính thuế này còn giúp bù khoản giảm thu ngân sách.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Sức mua yếu, đại lý ô tô chấp nhận bán lỗ...

0
(SGTT) - Trong những tháng đầu năm 2024, sức mua ô tô không khả quan nên các đại lý kinh doanh ô tô đã...

Các hãng công nghệ Trung Quốc ‘đốt nóng’ cuộc cạnh tranh...

0
(SGTT) - Phân khúc xe điện cao cấp ở Trung Quốc đang diễn ra sự cạnh tranh khốc liệt khi các hãng công nghệ...

Cấp biển số theo mã định danh của chủ xe từ...

0
Bộ Công an vừa ban hành thông tư quy định về cấp, thu hồi đăng ký biển số xe cơ giới, theo đó từ...

Bộ Tài chính trình Chính phủ nghị định giảm 50% lệ...

0
Bộ Tài chính đề xuất giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, áp...

Gara, đại lý ô tô có thể cung cấp dịch vụ...

0
Nghị định 30/2023/NĐ-CP đã bỏ quy định “tổ chức kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới phải độc lập về pháp lý...

Xe ô tô không kinh doanh được giãn chu kỳ kiểm...

0
(SGTT) - Xe ô tô chở người đến 9 chỗ không kinh doanh vận tải vẫn còn hạn kiểm định tính đến ngày 3-6-2023...

Kết nối