Thứ Sáu, Tháng Tư 19, 2024

Du lịch Thái Lan đau đầu giải bài toán nhân lực khi khách nước ngoài tăng mạnh

Gần 4 triệu nhân lực đã rời bỏ ngành du lịch Thái Lan trong cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19. Nhiều người trong số họ đang làm việc trong các ngành khác có mức thu nhập cao hơn, ít áp lực hơn và sẽ không quay trở lại công việc trước đây. Bối cảnh đó đang cản trở tốc độ phục hồi của ngành du lịch Thái Lan giữa lúc khách nước ngoài đổ xô trở lại xứ sở chùa Vàng.
Du khách khám phá vịnh Maya – một phần của cụm đảo Phi Phi Leh, thuộc tỉnh Krabi, Thái Lan. Ảnh: Lê Dân Nam

Nỗi lo thiếu nhân lực khi du lịch tăng tốc phục hồi

Cú sụp đổ nhu cầu du lịch trong thời kỳ đại dịch Covid-19 ở Thái Lan khiến gần hàng triệu nhân lực trong ngành này từ hướng dẫn viên, lễ tân khách sạn cho đến tài xế xe buýt rời bỏ ngành này để chuyển sang làm các công việc khác hoặc trở về quê làm nông nghiệp. Giờ đây, với tình trạng thiếu nhân lực trầm trọng, các khách sạn, sân bay cho đến nhà hàng ở Thái Lan lo không thể bắt kịp nhu cầu khi khách nước ngoài quay trở lại nhanh chóng.

Nhờ quyết định tái mở cửa biên giới vào tháng 7-2022, ngành du lịch Thái Lan bật dậy mạnh mẽ với hơn 11 triệu du khách nước ngoài đến nước này hồi năm ngoái, vượt mục tiêu 10 triệu mà Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) đặt ra.

Chỉ trong chưa đầy nửa tháng đầu năm, Thái Lan đã đón 854.485 lượt khách nước ngoài. Tuy nhiên, với tình trạng khan hiếm nhân lực du lịch hiện nay, vẫn chưa rõ liệu lượng khách nước ngoài tăng đột biến có thể tạo ra sự thay đổi nhanh chóng trong ngành công nghiệp không khói từng chiếm khoảng 18% GDP của Thái Lan hay không.

Dữ liệu của Bộ Lao động Thái Lan cho thấy thị trấn bãi biển Phuket, điểm đến hàng đầu của Thái Lan, đang đối mặt với cuộc khủng hoảng lao động nghiêm trọng nhất. Ngành du lịch ở đó cần tuyển hơn 17.000 vị trí. Trong khi đó, thành phố Chiangmai ở miền bắc thiếu khoảng 9.000 nhân lực du lịch. Tỉnh Chonburi, nằm ngay phía nam thủ đô Bangkok, vẫn đang tìm kiếm thêm 3.000 vị trí trong ngành du lịch.

Krisda Tansakul, cố vấn của Hiệp hội Khách sạn Thái Lan (THA), nói “Tình hình trở nên tồi tệ hơn khi ngày càng có nhiều du khách nước ngoài đến. Chúng tôi không có lực lượng lao động đủ lớn để phục vụ họ. Chúng tôi rất cần thêm nhân lực, từ nhân viên phục vụ bàn, nhân viên thu ngân cho đến quản lý khách sạn”.

TAT dự báo lượng khách nước ngoài đến Thái Lan sẽ đạt 25 triệu trong năm 2023.

Hội đồng Du lịch Thái Lan (TCT), tổ chức đại diện các nhà điều hành khách sạn và các doanh nghiệp du lịch liên quan khác, lạc quan hơn với dự báo Thái Lan sẽ đón 30 triệu khách nước ngoài trong năm nay, đưa tổng doanh thu du lịch lên mức 3 nghìn tỉ baht (91 tỉ đô la Mỹ).

Chủ tịch TCT Chamnan Srisawat cảnh báo “Nếu vấn đề thiếu nhân lực kéo dài, chúng ta có thể không đáp ứng được nhu cầu của 25 -30 triệu du khách đến Thái Lan. Điều này có nghĩa là chúng tôi sẽ bỏ lỡ các mục tiêu doanh thu du lịch”.

Nhưng ngay cả khi tìm được đủ nhân lực, ngành du lịch Thái Lan có thể không đạt lợi nhuận như kỳ vọng do chi phí tăng.

“Các khách sạn cần phải trả hóa đơn tiền điện cao hơn và cạnh tranh tuyển dụng, dẫn đến chi phí lao động cao hơn. Ngay cả tài xế xe buýt của chúng tôi cũng tốn kém nhiều hơn cho nhiên liệu”, Ekkasit Ngamphichet, Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh và du lịch Pattaya, nói với Nikkei Asia.

3,9 triệu lao động đã rời bỏ ngành du lịch

Du lịch Thái Lan đạt đỉnh vào năm 2019, khi nước này đón gần 40 triệu khách nước ngoài. Sau đó, đại dịch Covid-19 ập đến, khiến lượng khách nước ngoài đến Thái Lan lao dốc về con số 6,7 triệu vào năm 2020, và thậm chí, chỉ còn 427.869 vào năm 2021.

Dữ liệu từ Bộ Lao động Thái Lan cho thấy có khoảng 7,7 triệu lao động làm việc trong ngành du lịch trước đại dịch. Theo một nghiên cứu của Viện Quản lý phát triển quốc gia Thái Lan, sự sụt giảm mạnh nhu cầu của ngành du lịch trong thời kỳ dịch bệnh đã ảnh hưởng đến khoảng 3,9 triệu lao động khi họ bị sa thải hoặc buộc phải từ bỏ ngành này. 60% trong số đó đã trở về quê, làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp. 20% khác tìm kiếm công việc mới trong các ngành khác, trong khi 20% còn lại bắt đầu kinh doanh riêng.

Du lịch Thái Lan đạt đỉnh vào năm 2019, khi nước này đón gần 40 triệu khách nước ngoài. Trong ảnh, du khách khám phá cố đô Ayutthaya. Ảnh: OntheMars

Gia đình của nhiều nhân viên ngành du lịch có đất nông nghiệp, bao gồm đồn điền cao su. Khi mất việc, họ trở về quê làm việc và thấy cuộc sống thoái mái hơn nhờ thoát ra được áp lực công việc trước đây. Một số họ trở thành doanh nhân, mở các doanh nghiệp nhỏ như quán cà phê hoặc nhà hàng tại nhà.

“Những người tìm được công việc mới với thu nhập cao hơn, và đặc biệt là những người bắt đầu kinh doanh riêng, cảm thấy an toàn hơn nhiều sau khi rời bỏ ngành du lịch. Rất có thể họ sẽ không quay lại các công việc liên quan đến du lịch trước đây”, Vacharee Prashyanusorn, Chủ tịch văn phòng chi nhánh của TCT ở tỉnh Nakhonratchasima, nói.

Prashyanusorn, người điều hành một khách sạn ở Khao Yai, cách Bangkok 130km về phía Đông Bắc, cho biết các nhà điều hành khách sạn đang chịu áp lực nhiều nhất vì họ cần nhanh chóng tuyển dụng nhân viên để đáp ứng nhu cầu dự kiến từ hàng triệu du khách Trung Quốc sau khi Bắc Kinh tái mở cửa biên giới.

Wasuchet Sophonsatien, Chủ tịch Hiệp hội xe buýt du lịch Thái Lan, nói “Với việc Trung Quốc tái mở cửa biên giới, các công ty điều hành xe buýt du lịch đã sẵn sàng phục vụ họ. Chúng tôi đang chuẩn bị phương tiện. Nhưng hiện tại, tình trạng thiếu lao động là một vấn đề lớn đối với các doanh nghiệp du lịch. Chúng tôi không có đủ tài xe buýt”.

Theo Chủ tịch TCT Chamnan Srisawat, các chuỗi khách sạn lớn đang cạnh tranh tuyển dụng bằng cách đưa ra mức lương cao hơn, nhưng các khách sạn vừa và nhỏ vẫn gặp vấn đề về thanh khoản, khiến họ khó chi tiêu nhiều hơn để thu hút nhân viên mới.

Srisawat cho biết TCT đang làm việc với các tổ chức giáo dục trên toàn quốc để tìm kiếm những người lao động sẵn sàng lấp đầy các vị trí còn trống trong ngành du lịch. TCT đang hỗ trợ các khách sạn tuyển dụng thực tập sinh từ các trường đào tạo về quản trị du lịch và khách sạn của một số trường đại học.

Srisawat cho rằng đó là một biện pháp đôi bên cùng có lợi vì các thực tập sinh sẽ có được công việc mà họ đang học, trong khi các nhà điều hành du lịch cuối cùng có thể tìm được nguồn lao động cần thiết vào đúng thời điểm.

Ngoài ra, TCT cũng đã nhận được sự hỗ trợ từ Ngân hàng Tiết kiệm chính phủ Thái Lan. Ngân hàng này đã cung cấp khoản vay trị giá 5 tỉ baht cho các khách sạn vừa và nhỏ để giúp giải quyết các vấn đề về thanh khoản.

“Với sự hỗ trợ này, chúng tôi hy vọng ngành du lịch sẽ phục hồi trở lại mức trước đại dịch Covid-19 vào cuối năm nay”, Srisawat nói.

Chánh Tài

Theo KTSG Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Du lịch toàn cầu có thể phục hồi hoàn toàn vào...

0
Theo dự đoán của Tổ chức Du lịch Liên hợp quốc (UN Tourism), du lịch toàn cầu có thể sẽ phục hồi hoàn toàn...

‘Lỗ hổng’ chất lượng nhân lực ngành du lịch ngày càng...

0
(SGTT) - Không chỉ thiếu về số lượng, nhân lực ngành du lịch còn bị đánh giá yếu về chuyên môn. Cùng với tác...

Ngành du lịch thủ đô thu về 69.300 tỉ đồng trong...

0
Theo Sở Du lịch Hà Nội, trong 9 tháng của năm 2023, tổng khách du lịch đến thành phố ước đạt 18,9 triệu lượt...

Việt Nam đón 8,9 triệu lượt khách quốc tế trong 9...

0
Tính chung 9 tháng của năm 2023, khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt 8,9 triệu lượt người, gấp 4,7 lần cùng kỳ...

2 năm sau đại dịch, các công ty du lịch vẫn...

0
(SGTT) - Sau đại dịch Covid-19, các đơn vị lữ hành đang rơi vào tình trạng “khát” nhân lực chất lượng bởi nguồn nhân...

Myanmar sẽ cấp thị thực khi đến cho du khách Trung...

0
Myanmar sẽ cấp thị thực khi đến cho khách du lịch Trung Quốc và Ấn Độ, trong bối cảnh chính quyền đang tìm cách...

Kết nối