Thứ bảy, Tháng mười hai 14, 2024

Du lịch Nhật Bản nhắm đến khách phương Tây giàu có 

Ngành du lịch Nhật Bản đang tập trung vào các nỗ lực thu hút khách phương Tây giàu có để bù đắp cho lượng khách bị mất từ Trung Quốc, vốn đóng góp 40% tổng chi tiêu của khách nước ngoài trong năm 2019.
Nhật Bản đang phát triển các sản phẩm du lịch chú trọng trải nghiệm và hoạt động ngoài trời để thu hút du khách giàu có từ các nước phương Tây. Ảnh: Nikkei Asia

Hiroyuki Takahashi, Chủ tịch Hiệp hội lữ hành Nhật Bản (JATA), cảnh báo sức bật của ngành du lịch đất nước ở thời kỳ hậu đại dịch Covid-19 sẽ phụ thuộc vào việc Nhật Bản có thể định hình lại để phục vụ các thói quen chi tiêu của du khách giàu có phương Tây hay không, trong bối cảnh khách Trung Quốc tiếp tục vắng bóng do các hạn chế biên giới để kiểm soát dịch bệnh.

Trao đổi với Financial Times hôm 19-11, Hiroyuki Takahashi nói rằng với việc đồng yen giảm giá mạnh so với đồng đô la Mỹ, ngành du lịch Nhật Bản cần phải tận dụng lợi thế này để tinh chỉnh các sản phẩm du lịch sang trọng và bán chúng cho những du khách giàu có, đặc biệt là du khách từ các nước phương Tây. Đồng yen giảm giá giúp chi phí du lịch ở Nhật trở nên rẻ hơn đối với du khách sử dụng đô la Mỹ và những ngoại tệ mạnh khác. Trong tháng 10, đồng yen chạm mức thấp nhất trong 32 năm so với đô la Mỹ.

Dữ liệu được công bố trong tuần này cho thấy Nhật Bản đã đón 498.600 du khách nước ngoài vào tháng trước, nhiều hơn gấp đôi so con số 206.500 trong tháng tháng 9 sau khi Tokyo dỡ bỏ tất cả các hạn chế đi lại liên quan đến Covid-19. Dù vậy, con số này vẫn giảm 80% so với tháng 10-2019, năm mà Nhật Bản đón số lượng du khách nước ngoài cao kỷ lục, 31,8 triệu người.

Theo Tổ chức Du lịch quốc gia Nhật Bản (JNTO), cứ 4 du khách nước ngoài đến Nhật Bản trong tháng 10, có 1 khách đến từ Hàn Quốc. Trong số các du khách nước ngoài này, có 11% đến từ Mỹ và 2% đến từ Úc, Pháp và Anh.

Tuy nhiên, ngành du lịch Nhật Bản vẫn đang chật vật phục hồi khi Trung Quốc, nước chiếm 30% lượng du khách nước ngoài đến thăm Nhật Bản hàng năm hồi trước đại dịch, vẫn duy trì các hạn chế biên giới chặt chẽ. Các doanh nghiệp và chính quyền địa phương ở Nhật Bản đã đầu tư rất nhiều để phục vụ họ như thuê nhân viên thông thạo tiếng Quan thoại và thành lập các cửa hàng bách hóa và chuỗi hiệu thuốc chuyên phục vụ khách Trung Quốc.

Để bù đắp cho sự thiếu vắng của họ, một số địa phương ở Nhật Bản đang thiết lập những điểm tham quan mới, tập trung nhiều hơn vào các hoạt động ngoài trời để thu hút du khách từ Mỹ, châu Âu và Úc. Chẳng hạn, hòn đảo Kyushu phía nam của Nhật Bản sẽ ra mắt Tour de Kyushu, một cuộc đua xe đạp giống như Tour de France nổi tiếng ở Pháp, vào tháng 10-2023.

Hồi tháng 6, Cơ quan Du lịch Nhật Bản cho biết sẽ chọn 10 điểm đến mẫu để hỗ trợ phát triển các nguồn lực du lịch và thu hút du khách giàu có. Các điểm đến này phải có các tài nguyên du lịch (cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử, kiến trúc, lễ hội…) được ghi nhận trên khắp thế giới và họ sẵn sàng cải thiện để đáp ứng nhu cầu của du khách giàu có.

Takahashi cho biết có hai loại du khách giàu có: những người muốn mua sắm, ăn uống sang trọng và những người thích những kỳ nghỉ với trải nghiệm cao cấp. Ông dự đoán các sản phẩm như du lịch mạo hiểm ở các vùng núi của Nhật Bản sẽ tăng lên trong thời gian tới.

Ông thừa nhận sẽ rất khó khăn để đạt được mục tiêu chi tiêu du lịch của khách nước ngoài hàng năm 5.000 tỉ yen (34 tỉ đô la Mỹ) mà Thủ tướng Fumio Kishida đã công bố vào tháng trước nếu không có khách Trung Quốc, vốn chiếm gần 40% trong tổng chi tiêu của khách nước ngoài 4.800 tỉ yen trong năm 2019.

Trong khi đó, ngân hàng đầu tư Goldman Sachs dự báo chi tiêu của du khách nước ngoài tại Nhật có thể đạt 6.600 tỉ yen (47 đô la Mỹ) một năm sau khi Nhật Bản tái mở cửa biên giới hoàn toàn nhờ du khách tăng chi tiêu khi đồng yen suy yếu.

Một thách thức khác mà ngành du lịch Nhật Bản đang phải đối mặt là tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng sau khi nhiều hãng lữ hành, dịch vụ vận chuyển, khách sạn, nhà hàng cắt giảm nhân sự trong mùa dịch.

“Các khách sạn và công ty xe buýt không thể đạt công suất đặt chỗ tối đa ngay cả khi họ còn phòng và xe buýt trống vì không có đủ nhân viên phục vụ và tài xế ”, Takahashi nói.

Ngay cả trước Covid-19, ngành du lịch đã chịu tiếng xấu vì mức lương thấp và tỷ lệ nghỉ việc cao. Theo Bộ kinh tế Nhật Bản, mức lương trung bình hàng tháng trong ngành khách sạn vào năm 2019 là 266.300 yen (1.896 đô la Mỹ), thấp hơn 21% so với mức trung bình của tất cả các ngành.

Ngoài ra, ngành du lịch Nhật Bản còn có một lực lượng lao động già, với 30% nhân viên trong ngành trên 60 tuổi, theo Bộ Nội vụ Nhật Bản. Điều này cho thấy tình trạng thiếu lao động thậm chí còn nghiêm trọng hơn sau khi nhóm nhân viên lớn tuổi này nghỉ hưu trong một vài năm tới.

Ngành công nghiệp du lịch Nhật Bản cũng phải xoay xở để ứng phó với chi phí thực phẩm và điện đang tăng nhanh trong thời gian gần đây, trong khi khách hàng của họ phản đối tăng giá. “Đó là lý do tại sao chúng tôi cần phục vụ du khách cao cấp để nâng cao lợi nhuận”, Takahashi nói.

Chánh Tài

Theo KTSG Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối