Thứ Sáu, Tháng Tư 26, 2024

Du lịch miền Trung cần nhiều ‘liều vắc-xin’ để tồn tại

Ngành du lịch được cho là có ảnh hưởng sâu rộng (trực tiếp lẫn gián tiếp) đến đời sống kinh tế – xã hội tại khu vực miền Trung trong nhiều năm qua. Và ngành này đang chịu nhiều sức ép về cải tổ, thay đổi hay từ bỏ, để tiếp tục tồn tại trong gian đoạn khó khăn bởi dịch bệnh.
Ngành du lịch Đà Nẵng nói riêng và miền Trung nói chung đang trong ngóng có thể khai thác du lịch hè tốt hơn từ năm sau khi đã nhân lực trong ngành và khách du lịch được tiêm chủng vaccine. Ảnh chụp tại biển Đà Nẵng trước đợt bùng phát dịch lần thứ 4. Ảnh: Huân Nguyễn

Một mùa hè yên bình không mong muốn

Vào thời gian này năm ngoái, ngành du lịch Đà Nẵng “bận rộn” với chuỗi sự kiện cũng như chương trình kích cầu du lịch kéo dài suốt mùa hè, trong đó Lễ hội Tuyệt vời Đà Nẵng 2020 diễn ra từ ngày 30-7 đến ngày 5-8-2020 là chủ đạo.

Đà Nẵng xác định đây là cơ hội để kích cầu, khôi phục hoạt động du lịch thành phố đồng thời lan tỏa kích thích phát triển các ngành khác như giao thông, thương mại, xây dựng, ngân hàng… trong bối cảnh bình thường mới sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tại Việt Nam.

Với những chương trình này, trong tháng 6-2020, Đà Nẵng đón hơn 450.000 lượt khách và kỳ vọng con số này cao hơn nhiều trong thời gian tháng 7 và 8 – cao điểm du lịch hè. Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng (DATA), thời gian đó cũng tự tin khách sẽ theo đà tăng cao đến cuối năm một phần vì được “thỏa mãn sau nhiều ngày giãn cách”.

Ngành du lịch các địa phương miền Trung khác như Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Bình Định… cũng “mừng ra mặt” vì ai cũng biết rằng Đà Nẵng là cửa ngõ, đón các chuyến bay chở khách từ các nơi đến vùng này. Nhiều công ty du lịch tại Đà Nẵng đã mạnh dạn đầu tư thêm xe và sản phẩm để phục vụ khách du lịch các tuyến miền Trung từ Quảng Bình đến Bình Định.

Tuy nhiên, mọi thứ xoay chuyển 180 độ vì đợt bùng phát dịch mới từ tối ngày 24-7 với tâm dịch là Đà Nẵng và lan sang các địa phương khác. Đà Nẵng sau đó đóng cửa hơn 30 ngày để phòng chống dịch.

Ngành du lịch Đà Nẵng lúc này “bận rộn” theo cách không mong muốn khi phải thực hiện các chuyến bay giải cứu đưa khách du lịch bị “mắc kẹt” trở về địa phương.

“Chúng ta đã mất mùa cao điểm hè, chỉ còn có thể trông chờ phục hồi vào cuối năm và trở lại vào năm sau”, ông Đoàn Hải Đăng, thời gian đó là Chủ tịch Hội Lữ hành Đà Nẵng, dự báo.

Tuy nhiên, thực tế sau đó hoàn toàn ngược lại khi ngành du lịch tiếp tục “trùm mềm” vào thời điểm Tết và cầm chừng sau đó. Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2021, lữ hành và dịch vụ hỗ trợ du lịch chỉ đạt 322 tỉ đồng, giảm hơn 33% so với cùng kỳ năm 2020.

Và bây giờ, các doanh nghiệp bước vào mùa cao điểm du lịch hè “yên bình” thứ hai liên tiếp khi không thể đón khách.

“Tôi rất trông chờ đón khách nội địa mùa hè này, nhưng người tính không bằng trời tính,” ông Nguyễn Ngọc Anh, Giám đốc Omega Tours – công ty chuyên khách quốc tế, nói. “Dịch bệnh xảy ra, các khách hàng hai đầu hủy, hoãn tour. Tất cả xe nằm bãi, không chạy được, dẫn đến hỏng hóc nhiều. Không có nguồn thu nhưng hằng ngày chúng tôi phải trả nhiều chi phí từ lãi ngân hàng đến thuế và hoạt động bảo trì”. Ông chia sẻ thêm hầu như các công ty du lịch có kinh doanh du lịch có kinh doanh lữ hành và vận chuyển đều có chung tình cảnh như mình.

Không chỉ các công ty lữ hành, các cơ sở lưu trú cũng đang trong tình cảnh “bi đát” không kém. Hầu như các resort 4-5 sao dọc biển đều cắt giảm nhân sự, chỉ giữ lại cán bộ quản lý chủ chốt và bộ phận kế toán, bảo trì. Trong khi đó, nhiều khách sạn 1-3 sao đóng cửa nhiều tháng qua và đang rao bán.

Theo thống kê từ Sở Du lịch Đà Nẵng, hết năm 2020, tổng số lao động nghỉ việc/thất nghiệp từ khi dịch bệnh bùng phát là khoảng 38.717 trong tổng số 50.963 lao động. Qua năm 2021, đến thời điểm này, con số này là 11.802 người trong tổng số 24.248 người.

Và những gì ngành du lịch Đà Nẵng làm hiện nay để phục hồi chỉ xoay quanh hai chữ “chuẩn bị” vì chưa thể đón khách bằng đường hàng không và đường bộ.

“Với mục đích từng bước làm ấm hoạt động du lịch thành phố Đà Nẵng, giúp doanh nghiệp du lịch bắt đầu quay trở lại hoạt động sau khi tình hình dịch được kiểm soát, góp phần hình thành xu hướng du lịch tại chỗ, dự kiến trong thời gian đến Sở Du lịch sẽ phối hợp Hiệp hội Du lịch nghiên cứu triển khai các giải pháp khôi phục hoạt động du lịch sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát”, ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, cho biết.

Cụ thể, song song với việc triển khai nghiêm túc công tác phòng, chống dịch Covid-19, Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng phối hợp với UBND các quận, huyện trên địa bàn thành phố nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng; tổ chức khảo sát hình thành sản phẩm du lịch cộng đồng tại Hòa Bắc; khảo sát các điểm du lịch dọc tuyến sông Cu Đê, CT15 – Hòn Sụp, Bãi Nam – Bãi Đa…

Du lịch tại chỗ: Có phải là cứu tinh?

Du lịch tại chỗ, hay người địa phương đi du lịch địa phương cũng đang là phương án của một số địa phương du lịch khác tại miền Trung.

Khu du lịch sinh thái YesHue Eco tại huyện miền núi Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế đang cung cấp dịch vụ dã ngoại, tắm suối, ẩm thực cho khách du lịch là người nội tỉnh, học sinh-sinh viên và trẻ em.

Khai thác khách Huế tìm hiểu lịch sử, văn hóa và trải nghiệm điểm đến du lịch tại Thừa Thiên Huế là cách làm tạm thời của ngành du lịch Thừa Thiên Huế hiện nay. Ảnh chụp tại Đại Nội Huế vào thời điểm trước khi dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4. Ảnh: Nhân Tâm

Thời điểm này thu hút khách ngay tại tỉnh Thừa Thiên Huế là thích hợp, một phần vì dịch bệnh tại các địa phương khác vẫn còn nguy hiểm và một phần vì đây là dịp hè”, chị Lê Thị Kim Hằng, Giám đốc Công ty Cổ phẩn Đầu Tư và Dịch Vụ YesHue Eco, cho biết.

Cũng theo chị Hằng, để đảm bảo an toàn sức khỏe của khách và cộng đồng, khu du lịch giới hạn số lượng khách đến mỗi ngày để đảm bảo chế độ giãn cách, áp dụng khai báo y tế và quét mã QR code hành trình qua app Hue-S, đeo khẩu trang, sát khuẩn tay trước khi vào khu du lịch và thực hiện đầy đủ và chính xác các biện pháp an toàn đối với khách hàng. Đặc biệt, đội ngũ nhân viên đã được tiêm vắc-xin phòng dịch.

Theo tìm hiểu, Khu du lịch sinh thái YesHue Eco là một trong số ít doanh nghiệp du lịch tại Huế đang thực hiện chương trình “người Huế đi du lịch Huế” mà tỉnh miền Trung này đang khuyến khích thực hiện.

Để du lịch phục hồi, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh trong tỉnh đang kiểm soát tốt, Hiệp hội Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, cần có chính sách và sản phẩm phù hợp, quảng bá đúng trọng tâm. Trong đó, với khách du lịch nội tỉnh sẽ thực hiện các biện pháp kích cầu bằng giảm giá, liên kết dịch vụ, giới thiệu những sản phẩm du lịch mới phù hợp với nhu cầu.

Theo bà Nguyễn Hoàng Thụy Vy, Phó Chủ tịch hiệp hội, tổ chức này đang xây dựng gói sản phẩm cho du khách Huế trải nghiệm lưu trú, thưởng thức các món ăn được chế biến tinh tế, học chế biến các món ăn, bơi và chăm sóc sức khỏe tại các khách sạn 4 – 5 sao trong thành phố vào những ngày trong tuần.

Hiệp hội cũng khuyến khích các resort ở những khu vực xa trung tâm liên kết, tạo ra gói sản phẩm như tắm biển, nghĩ dưỡng, ngâm tắm nước khoáng, tắm suối và lưu trú, thưởng thức ẩm thực tại các resort vào ngày cuối tuần.

Các doanh nghiệp cũng cho rằng, Huế cần sớm có những chính sách mới về miễn, giảm phí tham quan di sản, hỗ trợ cho các công ty lữ hành khai thác đối tượng khách học sinh, sinh viên muốn tìm hiểu lịch sử, khám phá thành phố, trải nghiệm cắm trại… trong dịp hè.

Về xu hướng thu hút khách nội tỉnh, trao đổi với KTSG Online, đại diện Ban Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế cho biết tình hình kiểm soát dịch bệnh hiện tại vẫn còn diễn biến khó lường nên trong dịp hè này, và có thể đến cuối năm 2021, ngành du lịch Thừa Thiên Huế chỉ có thể hướng tới là đối tượng khách nội tỉnh và mở rộng dần đến thị trường khách các vùng chưa có dịch bệnh, đang được kiểm soát tốt, nhất là ở khu vực miền Trung.

Để kích thích du lịch nội tỉnh trong bối cảnh địa phương đang tương đối an toàn với các biện pháp kiểm soát, phòng chống dịch chặt chẽ trong dịp hè, ngành du lịch khuyến khích các doanh nghiệp, điểm đến, các địa phương trong tỉnh có những chương trình, sản phẩm riêng theo chủ đề “Người Huế đi du lịch Huế”, “Người Huế khám phá và trải nghiệm Huế” dựa vào tiềm năng, hạ tầng sẵn có gắn với cảnh quan thiên nhiên, môi trường xanh – sạch, các di sản, di tích, ẩm thực đặc sắc, sản phẩm nông nghiệp, thủ công nghiệp… của mỗi vùng miền.

Đồng thời, các doanh nghiệp nên có những gói dịch vụ hay chuỗi dịch vụ liên kết với nhau thu hút dòng khách từ các cơ quan, đoàn thể đi du lịch nội tỉnh trong các kỳ nghỉ, nhất là khối trường học nhằm khuyến khích người Huế sử dụng các dịch vụ của địa phương như một giải pháp thay thế khi không thể đi ra ngoại tỉnh, đồng thời góp phần hỗ trợ đồng hành với các doanh nghiệp dịch vụ địa phương.

Tuy nhiên, theo một vài ý kiến khác, chính sách “người Huế đi du lịch Huế” hay “người địa phương đi du lịch địa phương” nói chung chỉ là giải pháp tạm thời, không phải là cứu cánh lâu dài.

Đầu tiên, người địa phương đi du lịch chỉ trong thời gian nhất định (cuối tuần, hè, lễ, Tết…). Thứ hai, số lượng người địa phương đi du lịch có hạn và đặc thù riêng nên không phải công ty du lịch nào cũng có thể phục vụ được, chưa kể bản thân họ đi tự túc được. Và, không nhiều các công ty du lịch (kể cả lưu trú, lữ hành và điểm du lịch) mở cửa trở lại trong thời điểm này vì gánh nặng chi phí vận hành, bao gồm nhân lực.

Thành phố Hội An thuộc tỉnh Quảng Nam là một ví dụ khác. Theo thông tin từ Hiệp hội Du lịch Quảng Nam (QTA), khoảng 90% nguồn thu của thành phố này từ du lịch (trực tiếp và gián tiếp), hơn phân nửa là khách quốc tế và hầu hết là khách ngoại tỉnh, rất ít khách là người địa phương người Hội An và Quảng Nam. Vì vậy, ngành du lịch tại đây gần như kiệt quệ.

Trước tình hình này, một trong những giải pháp mà Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam đưa ra là khuyến khích người Quảng Nam đi du lịch Quảng Nam và phần nào đó là người miền Trung. “Một nhóm khách đi xe cá nhân, cuối tuần nghỉ dưỡng ở resort”, ông Lê Ngọc Tường, Phó Giám đốc Sở, gợi ý.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho rằng khó có khả năng thực hiện việc này vì bài toán chi phí, chưa kể chính quyền địa phương có thể “đóng cửa” bất cứ lúc nào khi xuất hiện ca mắc Covid-19. Họ không thể thấp thỏm với điệp khúc đóng, mở liên tục được.

Theo quan sát hiện nay, tại Quảng Nam, có một vài doanh nghiệp nằm trong hệ thống quản lý của các tập đoàn quốc tế đang khuyến khích người Quảng Nam đến Hội An du lịch, nghỉ dưỡng, nhưng chỉ là cuối tuần và số lượng không nhiều. Họ cũng thừa nhận, đây chỉ là giải pháp tạm thời.

Vắc-xin và hệ sinh thái du lịch mới

“Cần phải tiêm vắc-xin sớm và có cách làm mới trong việc mở cửa du lịch”, ông Phan Xuân Thanh, Chủ tịch QTA và cũng là chủ doanh nghiệp, cho biết và giải thích nên có sự phân nhóm địa phương, ngành nào tiếp xúc trực tiếp con người nhiều để được ưu tiên chích vắc-xin. Và việc ưu tiên này nên dành cho các địa phương đang lấy ngành du lịch làm mũi nhọn vì theo ông Thanh,  ngành du lịch mang lại kinh tế cho cộng đồng nhiều hơn nhiều ngành khác.

Một nhà hàng tại thành phố Hội An “cải tạo” lại để phục vụ khách địa phương, chờ ngày khách du lịch quay trở lại. Ảnh: Nhân Tâm

“Và chỉ cần một hoặc vài địa phương được đón khách trong nước và quốc tế đồng nghĩa thương hiệu du lịch Việt Nam vẫn còn sức cạnh tranh”, ông Thanh nói và cho biết thêm nhà nước có chính sách F1 (tiếp xúc gần nhất với bệnh nhân Covid-19) sẽ cách ly tại nhà, cũng nên nghĩ đến phương án F1 được cách ly tại khách sạn để ngành du lịch có cơ hội sống sót.

Ông Thanh cũng đồng ý rằng một hệ sinh thái du lịch mới sẽ ra đời sống chung với Covid-19 trong tương lại. Lấy ví dụ tại doanh nghiệp của mình (có kinh doanh mảng lữ hành lẫn nhà hàng), ông Thanh, Chủ tịch Emic Hospitality, cho biết thời gian qua ông chấp nhận kinh doanh cầm chừng theo tình hình dịch bệnh và ở tâm thế chờ đợi bình ổn dịch.

Đây cũng là thời gian để ông suy nghĩ, chuẩn bị tư thế sẳn sàng khi khách quay lại. Theo ông Thanh, vận hành trong tương lai sẽ tinh gọn bộ máy, xây dựng lại những giá trị cốt lõi trong doanh nghiệp, chia sẽ đào tạo những nhân sự còn lại mà doanh nghiệp đang hỗ trợ lương và tập trung làm lại sản phẩm có giá trị chiều sâu nhiều hơn.

Ông cũng khuyến khích các doanh nghiệp thành viên trong QTA tạo nhóm đồng giá trị để chia sẻ nhau cách khai thác các thị trường khách du lịch, chia sẻ nhận sự hỗ trợ khi cần để cùng bắt tay nhau đi, giảm chi phí vận hành bên cạnh kết nối chính quyền địa phương tìm mọi nguồn lực của chính quyền về hỗ trợ chính sách điểm đến, làm sự kiện (nếu cần) và tác động để có thế có vaccine sớm cho ngành du lịch.

Về quan điểm làm du lịch trong thời kỳ mới, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết phải có giải pháp đồng bộ gồm ba bước. Trước hết là tăng cường tuyên truyền điểm đến an toàn, được thực hiện nhất quán từ chính quyền, đến từng doanh nghiệp, người phục vụ du lịch và cộng đồng.

Bước thứ hai là xác định đối tượng khách, phạm vi khai thác. Trước mắt có những hoạt động thu hút khách nội tỉnh, tiếp đến khách liên vùng. Bước ba có giải pháp dài hơi, có tính chiến lược cho trạng thái bình thường mới.

Được biết, ngành du lịch Huế cũng đã có những khảo sát của các  chuyên gia du lịch và đánh giá của ngành du lịch địa phương.

Theo đó, xu thế du lịch trong bối cảnh hiện nay là du khách muốn chọn điểm đến gần, an toàn, không quá đông khách, ít phải di chuyển và giá cả phù hợp nên sẽ ưu tiên chọn các chuyến đi ngắn ngày hơn, vào dịp cuối tuần, di chuyển bằng phương tiện cá nhân, đi theo nhóm nhỏ gia đình hoặc bạn bè để đảm bảo các yếu tổ an toàn sức khỏe, giảm thiểu các rủi ro và chủ động hơn trong các tình huống bất ngờ.

Ngoài ra, xu thế du lịch chăm sóc sức khỏe (wellness tourism) gắn với môi trường thiên nhiên và các hoạt động thể dục, thể thao, chế độ ẩm thực lành mạnh cũng giành được nhiều sự chú ý hơn từ các du khách, góp phần tạo đưa hoạt động du lịch sôi động trở lại và là giải pháp hiệu quả vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế.

Theo ghi nhận từ những người trong cuộc, một hệ sinh thái du lịch mới sẽ sớm hình thành, gắn liền với vaccine và du lịch trong trạng thái bình thường mới (ít người, sinh thái). Và miền Trung sẽ có cao điểm du lịch hè vào năm 2020 với hình thức mới mà theo ông Phan Xuân Thanh, muốn làm như vậy các doanh nghiệp phải khởi động lại và phải đầu tư lại và cần có “bà đỡ” là vắc-xin và các chính sách mở cửa sống chung với lũ.

Nhân Tâm

Theo KTSG Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Khi rau xanh không chỉ để ăn

0
(SGTT) - Không chỉ cung cấp thực phẩm hữu cơ, an toàn, những vườn rau xanh mướt tại các khu nghỉ dưỡng đang dần...

Các tour du lịch định hướng ‘xanh’ ngày càng được ưa...

0
(SGTT) - Những năm gần đây, du lịch xanh tại TPHCM đang phát triển mạnh và được nhiều du khách ủng hộ, đặc biệt...

Sáng kiến Điểm đến An toàn: Đồng hành cùng doanh nghiệp...

0
(SGTT) - Ngày 5-4, tại TP Châu Đốc, An Giang, chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn của Tạp chí Kinh tế Sài...

Nhà hàng tại Quảng Nam nỗ lực làm du lịch xanh

0
(SGTT) - Tại Quảng Nam, một số doanh nghiệp đang hướng đến việc đầu tư cho du lịch xanh, bền vững, trong đó có...

Trao ‘hộ chiếu xanh’ khi du lịch xứ dừa

0
(SGTT) - Đã có 15 du khách được trao "hộ chiếu xanh" (passport Net Zero) khi tham gia tour “Net Zero tours Bến Tre”...

Người dân Nhà Bè thức đêm làm du lịch

0
(SGTT) - Không huyên náo như tại trung tâm TPHCM, về huyện Nhà Bè ban đêm rất êm ắng, thanh bình, tưởng chẳng có...

Kết nối