Chủ Nhật, Tháng Chín 8, 2024

Du lịch giữa mùa dịch: Nhớ chuyến đi qua đèo Khau Phạ

(SGTT) – Đèo Khau Phạ được điểm tô bởi những thửa ruộng bậc thang giữa những trùng điệp đồi núi nối tiếp nhau. Có nhiều điểm để khách dừng chân, và ở đó có thể ngắm cả huyện Văn Chấn nằm bên dưới đẹp như một bức tranh thêu. Bức tranh ấy là những cánh đồng lúa nhiều sắc màu, xen lẫn những ngôi nhà nhỏ cùng khói bếp tỏa lên hòa với núi bao quanh.
Con đường đèo Khau Phạ.

Tôi đã đi qua những ngọn đèo khác nhau. Nếu đi qua đèo Hải Vân sẽ gặp mây vờn và bên dưới núi là những eo biển, biển cứ miên man vỗ sóng. Nếu muốn gặp sương mù thì qua đèo Khánh Lê, để có cảm giác như đang chìm trong màu trắng đục đó. Còn chông chênh cứ thoắt cái lại ôm một vòng cua là qua đèo Ngoạn Mục, hoặc vô số ngọn đèo ở khu vực phía Bắc như Mã Phục, Cao Bắc, Khâu Liêu, Khẩu Chỉa, Mẻ Pia… thường điểm xuyến là những hàng lau trắng, những bông hoa trắng và những ngôi nhà nhỏ dưới lũng ẩn hiện.

Những căn nhà ở lưng chừng đèo.

Với đèo Khau Phạ, con đường đèo nằm trên quốc lộ 32 dài hơn 30 km, là con đèo giáp ranh giữa huyện Văn Chấn và Mù Cang Chải (Yên Bái) được gọi là Sừng Trời. Dân gian vốn dĩ đặt tên một địa danh liên quan đến cảnh vật, rồi như thế mà thành quen tên.

Cái khác của Khau Phạ là chẳng có sương mù, không có những ghềnh đá biển vỗ, nhưng đổi lại là ngắm nhìn những ngôi làng giữa lưng chừng núi và cứ đắm chìm trong không gian của những thửa ruộng bậc thang vào mùa chín vàng hoặc mùa đổ nước, tạo nên cảm giác rất mênh mông như mây đang vờn cùng lữ khách.

Những thửa ruộng bậc thang làm xuyến xao lòng bao du khách.

Lần đầu tiên tôi qua đèo Khau Phạ thì đón nhận một cơn mưa, xe phải dừng chân ở quán nước gần đó, đợi mưa ngưng mới tiếp tục cuộc hành trình. Trước khi qua đèo là đến một làng có tên Tú Lệ, thuộc huyện Văn Chấn.

Cái làng nhỏ giáp đèo với con lộ lòng chảo ấy làm đắm say du khách bởi con suối nước nóng chảy xuyên qua là tặng phẩm trời cho. Loại đặc sản thường bắt đầu từ tháng 10, cũng là mùa lúa chín là nếp Tú Lệ. Con suối nước nóng này giống như đặc sản cho người dân Tú Lệ, cứ chiều chiều là người dân rủ nhau đi tắm.

Đây cũng là một trong những điểm chơi dù lượn.

Tôi cũng đã ở lại Tú Lệ một ngày, và ăn xôi nấu bằng nếp Tú Lệ với cách chế biến đơn giãn, là xôi được xới ra để trong chiếc đĩa, khách lấy tay vò chấm muối mè.

Đèo Khau Phạ được điểm tô bởi những thửa ruộng bậc thang giữa những trùng điệp đồi núi nối tiếp nhau. Có nhiều điểm để khách dừng chân, và ở đó có thể ngắm cả huyện Văn Chấn nằm bên dưới đẹp như một bức tranh thêu. Bức tranh ấy là những cánh đồng lúa nhiều sắc màu, những ngôi nhà nhỏ chen cùng, khói bếp tỏa lên cùng với núi bao quanh xanh màu lá.

Điểm dừng chân cách nơi nhảy dù lượn chừng 100m có thể nhìn thấy cả con đường đèo ngoằn ngoèo bám vào núi mà mình vừa đi qua, và vẫn là những cánh đồng lúa. Rồi lên trên đỉnh, nơi đây là điểm bay dù lượn vô cùng hấp dẫn.

Những hôm đẹp trời, mây trắng vờn núi “ôm” lấy nhau.

Tại nơi này có những “vọng gác” để khách leo lên nhìn những người chơi dù lượn bay trong mùa vàng. Và nếu thích, vẫn có thể cùng thử bay lượn. Những chiếc dù hình trăng khuyết bay bỗng và cuối cùng đáp xuống dưới thung lũng, nơi đó có một bãi đáp.

Dọc đường đi, có vài quán ăn bán “đặc sản” là cá hồi và cá tầm. Thường thì vào mùa du lịch quán rất đông khách, phải đợi. Còn nếu đã có chỗ ngồi, cứ ra hồ cá mà chọn, sau đó chế biến hai món chính là sushi và lẩu.

Biển báo hiện lên đèo Khau Phạ.

Con đường đèo Khau Phạ có nhiều lau trắng, thỉnh thoảng lại gặp những ngôi nhà với những đống củi khô chất bên cạnh, những cây hoa đào hoặc cây mận làm duyên đợi đến mùa xuân bung hoa nở. Cho đến khi gần đến La Pán Tẩn, sẽ thấy những đồi lúa cạnh con đường, và cả những ngôi nhà đẹp như tranh, treo dọc hiên nhà những trái bắp khô.

Những cơn mưa bất chợt đôi khi làm cho con đường chợt loang loáng vết nước. Khau Phạ cứ ngoằn ngoèo che dấu vẻ đẹp phía trước, những bánh xe lăn cứ đi qua trong vẻ đẹp của một cung đường. Cung đường ấy đôi khi chỉ có mây trôi, và xe đi trong mây đó.

Khuê Việt Trường


Chương trình “Du lịch giữa mùa dịch” là nơi đăng tải câu chuyện của những người làm trong lĩnh vực du lịch, những người đam mê du lịch. Những thông tin chia sẻ có thể là cách mà nhân viên du lịch đang thực hiện để kiếm sống và nuôi dưỡng tiếp đam mê xê dịch cho đến khi dịch bệnh đi qua; có thể là cách những người mê du lịch đang làm để vừa có cảm giác vi vu đó đây vừa tuân thủ quy tắc “không cần thiết thì ở yên tại chỗ”; hay cũng có thể là những ký ức về các chuyến du lịch độc đáo ngày xưa, cùng chia sẻ để giữ lửa trong lòng người đam mê di chuyển.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Nét yên bình cuối Thu tại làng Lô Lô Chải

1
(SGTT) - Trong hành trình khám phá Hà Giang, làng Lô Lô Chải là điểm dừng chân được nhiều du khách lựa chọn. Cuối...

Chinh phục thác Háng Tề Chơ, một trong ‘tứ đại tử...

0
(SGTT) - Thác Háng Tề Chơ có thể là điểm du lịch còn khá xa lạ đối với đại đa số du khách, tuy...

Ghé thăm Ngải Thầu, nơi có ‘ngôi làng trên mây’ cao...

0
(SGTT) - Ngải Thầu là xã vùng cao ở phía Bắc huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Nơi đây quanh năm mây mù giăng...

Thác Bản Giốc – vẻ đẹp kỳ vĩ miền biên ải

0
(SGTT) - Nằm tại miền biên ải tổ quốc, thác Bản Giốc luôn mang đến cho du khách  cảm xúc khó quên bởi vẻ...

Hà Giang ngày trở lại

0
(SGTT) - Trở lại Hà Giang sau 2 năm dịch bệnh, tôi mang trong mình sự háo hức nhìn lại cảnh sắc hùng vĩ,...

Đến đại ngàn Tây Nguyên ngẩn ngơ mùa hoa cà phê...

0
(SGTT) - Khi dịch Covid-19 chưa xảy ra, lễ hội cà phê định kỳ hai năm một lần cũng có lý do của những...

Kết nối