Thứ Sáu, Tháng Tư 19, 2024

Du lịch giữa mùa dịch: Miền Tây mùa nước nổi bình dị mà đẹp tới nao lòng

(SGTT) – Khách du lịch đến với miền Tây mùa nước nổi không chỉ chiêm ngưỡng cảnh sắc yên bình và mộc mạc, còn thưởng thức được nhiều món ăn mang nét đặc trưng riêng biệt của vùng đất này.
Cùng khám phá miền Tây qua những chia sẻ của chị Nguyễn Trần Ngọc Mai gửi đến chương trình Du lịch giữa mùa dịch để hiểu hơn về cuộc sống đời thường của vùng sông nước nơi đây.

Quê tôi ở vùng sông nước miền Tây, ở đây có một mùa sẽ chẳng nhầm lẫn với bất cứ nơi nào bởi nét đặc trưng vừa thú vị vừa lãng mạn, mang đến sự trù phú, hào sảng cho người dân quê tôi. Đó là mùa nước nổi.

Mùa nước nổi (hay còn gọi mùa lũ) là một hiện tượng lũ lụt tự nhiên, không phải thiên tai, không gây hại đến người dân trong vùng lũ. Ngược lại, mùa nước lũ được coi là một mùa để người dân vùng sông nước mưu sinh bằng nhiều nghề khác nhau nhờ nguồn đặc sản phong phú.

Mỗi sản vật trong mùa nước nổi đều mang đến nguồn thu nhập dồi dào cho bà con vùng châu thổ sông Cửu Long. Cá, rau củ không còn bán lẻ ba cọc ba đồng mà được tính băng bạc trăm, bạc triệu. Đây là nguồn đặc sản phong phú chỉ có trong mùa nước nổi với cá linh, cá rô, cá lóc, bông điên điển, bông súng,…

Mùa nước nổi miền Tây được mệnh danh là đặc sản có một không có hai tại Việt Nam.

Giăng lưới là nghề phổ biến nơi đây. Giăng lưới trên đồng nước nổi lại càng mê, tay lưới vừa buông xuống một dòng, quay lại thăm đã có cá. Cá mắc lưới còn tươi sống và rất khỏe. Vì vậy, số cá vẫn bán được giá bù đắp cho công lao động của người dân. Không chỉ giăng lưới, người miền Tây còn đặt lú, đặt lờ, đặt nơm, vó bè, 12 cửa ngục, quăng chài… để bắt cá.

Công việc mưu sinh trên đồng nước nổi có khi kéo dài từ sáng đến trưa. Người dân ra đồng nước lúc nào cũng mang theo cặp lồng đựng cơm canh giản dị. Trong khi làm việc trên đồng, người ta có thể tiện tay hái vài cọng bông súng là đã có bữa cơm no lòng để tiếp tục làm việc. Ở chốn phố thị, bữa cơm trông rất đạm bạc nhưng với người dân quê tôi, bữa cơm vừa ngon vừa ngọt nghĩa tình vợ chồng trong cuộc sống.

Những khi say mê với cá tôm, người dân phải ngủ lại trên đồng nước nổi để giăng lưới. Họ mang theo dụng cụ làm bếp để nấu cơm ngay trên xuồng. Người dân miền Tây có tính phóng túng. Dù quen hay lạ, cứ cùng làm việc trên đồng nước nổi gặp nhau là xem như anh em, sẵn sàng mời nhau bữa cơm, nhâm nhi vài ly rượu để ấm lòng vào /những buổi chiều lộng gió hay trong những đêm sương lạnh.

Khi ấy bữa cơm trên đồng nước lại ngọt nghĩa ân tình chòm xóm, tình người với người đùm bọc lấy nhau trong cuộc sống. Cứ như thế, người dân quê tôi vẫn nương tựa, giúp đỡ nhau vào những ngày mưu sinh theo con nước nổi, vẫn xoay dòng từ lúc mặt trời mọc đến khi chiều buông, nước rút.

Bông điên điển – một đặc sản miền Tây mùa nước nổi.

Đến khoảng cuối tháng 11, con nước sẽ đổ ngược về với thượng nguồn và đọng lại ở một nơi. Nước phù sa đặc quánh, màu mỡ giúp mầm lúa xanh tốt, vươn lên căng tràn nhựa sống, giúp người vùng quê có những vụ mùa bội thu. Họ biết ơn thiên nhiên và thiên nhiên sẽ chẳng bao giờ phụ họ.

Mỗi mùa nước nổi đi qua vẫn luôn đọng lại trong lòng người dân những ký ức đẹp, không dễ phai mờ về một vùng quê trong mùa con nước. Đó là mùa của sự trù phú, tràn ngập tình thương giữa những người dân quê lao động vất vả, trên đồng nước trống vắng, giá lạnh nhưng vẫn luôn chất chứa một trái tim nồng ấm chân chất và hiền hòa.

Nguyễn Trần Ngọc Mai

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Nhiều người quan tâm



Cùng chủ đề