Thứ tư, Tháng mười hai 4, 2024

Du lịch giữa mùa dịch: Lang thang nơi miền sơn cước Na Hang

(SGTT) - Ở nhà lâu ngày khiến tôi chợt nhớ đến những lần tôi được đi “lang thang”. Trong số đó có một chuyến đi khiến tôi nhớ mãi, đó là vào khoảng đầu năm 2020, tôi đã quyết định “xách balo lên và đi” một cách đầy ngẫu hứng và thử thách cho bản thân. Đó là lang thang lên miền núi cao Na Hang, Tuyên Quang.
Na Hang hay còn gọi là Nà Hang, trong tiếng Tày bản địa có nghĩa là ruộng cuối. Đây là lần đầu tiên tôi đến một địa danh xa lạ, cũng là lần đầu tiên tôi tự trải nghiệm du lịch tự túc.
Trước khi đặt chân đến đất Tuyên Quang, tôi đã tự đặt một chuyến bay từ TPHCM về Nghệ An để thăm quê, rồi đi tàu lửa từ Nghệ An ra Hà Nội chơi. Gần 4 năm rồi mới trở lại, tôi nhận ra Hà Nội vẫn thân thương như ngày nào. Hà Nội – trái tim của Việt Nam, vẫn luôn tấp nập, đông vui nhưng vẫn giữ được những nét cổ kính, trầm mặc, nhuốm màu của thời gian.
Thăm Hà Nội rồi tôi chợt nảy ra một quyết định rất táo bạo. Tôi muốn lên Na Hang – nơi mà mỗi cảnh sắc thiên nhiên đều gắn liền với những truyền thuyết, một trong những tiềm năng du lịch to lớn của mảnh đất Tuyên Quang.
Thế là tôi ra Bến xe Mỹ Đình đón xe đi Na Hang, từ Hà Nội lên Na Hang mất hơn 6 tiếng. Khi tôi lên đến Na Hang đã muộn, cảm giác nhức mỏi vừa vơi đi phần nào thì tôi chợt bàng hoàng nhận ra mình quên mất Na Hang là một thị trấn vùng cao. Tôi không thể tìm thấy xe ôm công nghệ hay taxi ở đây. Tôi cảm thấy bơ vơ tại bến xe. Điện thoại thì mất sóng, khách sạn thì chẳng thấy đâu. Xung quanh trời tối mờ mịt và đường phố lại vắng vẻ.
Tôi đã đi bộ một đoạn đường mới may mắn tìm ra được khách sạn mà tôi đã tìm hiểu từ trước. Thật hạnh phúc làm sao vì chỉ vừa mới đó thôi, tôi đã ước Na Hang có sân bay để tôi có thể bay về Hà Nội ngay lập tức. Tôi vào khách sạn làm thủ tục thuê phòng, tìm mua một ly trà sữa rồi ngủ một đêm thật ngon giấc ở vùng đất miền núi cao.
Sáng hôm sau ngủ dậy, tôi cảm thấy thật thoải mái với không khí mát lành của nơi này. Nhờ sự giúp đỡ của bác chủ khách sạn, tôi có hẹn cùng một anh người địa phương đi khám phá Na Hang. Anh đã đưa tôi đến tham quan bên ngoài Nhà máy Thuỷ điện Tuyên Quang, tôi đã không khỏi trầm trồ trước khung cảnh hùng vĩ của những con đập nhân tạo giữa dòng sông Gâm và đại ngàn bao quanh.
Tiếp đó, tôi đến Bến Thủy để ngắm nhìn hồ Na Hang – nơi được mệnh danh là “Hạ Long cạn giữa đại ngàn”. Tôi không khỏi choáng ngợp trước khung cảnh của thiên nhiên và mây trời nơi này. Tại đây tôi phóng tầm mắt ra xa để ngắm cọc Vài Phạ hay núi Pác Tạ - ngọn núi cao nhất trong 99 ngọn núi quần tụ đã đi vào bài hát Tâm tình cô gái Na Hang của nhạc sĩ Lê Việt Hòa “Ai lên Tuyên Quang vượt vòng cung Lô - Gâm tới Na Hang quê em, ai bay trên không tới miền Thượng Lâm thấy chín mươi chín ngọn núi đó chính là Na Hang quê em…”.
Chỉ tiếc là tôi chưa thử chèo thuyền Kayak để ngắm nhìn trọn vẹn vẻ đẹp của hồ Na Hang. Nếu có dịp trở lại đây, tôi nhất định sẽ thử hoạt động này. Sau đó, tôi còn được đến với miền đất của những huyền thoại Phiêng Bung để nghe kể về vị thần Tài Ngào – vị thần cai quản xứ Na Hang xưa. Còn gì tuyệt vời hơn khi vừa được chiêm ngưỡng những vẻ đẹp hùng vĩ vừa được nghe chính người con của mảnh đất này kể về những truyền thuyết gắn liền với mỗi con sông, dòng suối, cánh rừng hay ngọn núi…
Na Hang thật sự rất đẹp, đẹp từ cảnh vật, con người đến những nét văn hóa. Tuy chưa được lắng nghe những làn điệu dân ca của đồng bào nơi đây nhưng tôi đã may mắn được thưởng thức món thịt lợn chua Na Hang, nhấm nháp một ít rượu ngô đồng. Đó là một trong những nét độc đáo, đặc sắc văn hóa rất riêng của đồng bào vùng cao Na Hang này.
Cuộc vui nào rồi cũng sẽ tàn, thật nhanh đã đến lúc phải nói lời tạm biệt “ruộng cuối” Na Hang, tạm biệt những cảnh đẹp hùng vĩ nơi vùng đất cổ xinh đẹp, tạm biệt chuyến đi đến vùng đất Tuyên Quang xa xôi. Chuyến “lang thang” một mình đến với Na Hang đã diễn ra như thế, để lại cho tôi những kỉ niệm và những trải nghiệm khó quên.
Nếu có dịp, bạn hãy một lần đi đâu đó thật xa, vì cuộc đời là những chuyến đi!
Nga Võ

Chương trình “Du lịch giữa mùa dịch” là nơi đăng tải câu chuyện của những người làm trong lĩnh vực du lịch, những người đam mê du lịch. Những thông tin chia sẻ có thể là cách mà nhân viên du lịch đang thực hiện để kiếm sống và nuôi dưỡng tiếp đam mê xê dịch cho đến khi dịch bệnh đi qua; có thể là cách những người mê du lịch đang làm để vừa có cảm giác vi vu đó đây vừa tuân thủ quy tắc “không cần thiết thì ở yên tại chỗ”; hay cũng có thể là những ký ức về các chuyến du lịch độc đáo ngày xưa, cùng chia sẻ để giữ lửa trong lòng người đam mê di chuyển.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối