(SGTT) – Chùa Thiên Mụ, Huế đã được vua Thiệu Trị (1807-1847, vị hoàng đế thứ ba của triều Nguyễn) liệt vào danh sách 20 cảnh đẹp của đất Thần Kinh hồi ấy mà đến ngày nay vẫn còn nguyên vẹn.

Câu ca dao quen thuộc: “Gió đưa cành trúc la đà/Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương” đã được truyền tụng ở Huế như thách thức với tạo hóa về vẻ đẹp và sự trường tồn của ngôi cổ tự.

Chắc cũng chính vì lẽ đó mà vua Thiệu Trị đã liệt chùa Thiên Mụ vào danh sách 20 cảnh đẹp của đất Thần Kinh hồi ấy mà đến ngày nay vẫn còn nguyên vẹn.

Tháp Phước Duyên chùa Thiên Mụ.

Chùa Thiên Mụ còn có tên khác là chùa Linh Mụ nằm trên đồi Hà Khê, tả ngạn sông Hương, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 5km về phía Tây. Trước mặt chùa là dòng Hương Giang nước trong xanh uốn lượn, xa xa ẩn hiện dãy Trường Sơn. Sau lưng chùa có hồ nước và dãy đồi thấp che chắn, địa thế ngôi cổ tự đúng là “sơn trường thủy tự” thanh tịnh mà nên thơ.

Chùa Thiên Mụ.

Đứng nhìn từ xa, khuôn viên chùa có hình dáng như một con rùa khổng lồ cõng trên lưng ngôi chùa cổ kính đang uống nước sông Hương. Với địa thế và dáng hình đó, chùa Thiên Mụ được chia làm hai khu vực: khu vực phía trước tượng trưng cho đầu rùa, được sắp xếp các kiến trúc mang tính kỷ niệm như bia đá, chuông đồng… còn ở phía sau mang dáng hình thân rùa là các kiến trúc điện thờ, nhà tăng… Hai khu vực này được ngăn cách nhau bởi cánh cửa tam quan.

Một biểu tượng gắn liền với chùa không thể không nhắc đến chính là tháp Phước Duyên, tháp cao 21 mét, gồm 7 tầng, mỗi tầng đều có thờ tượng Phật, bên trong có cầu thang hình xoắn ốc dẫn lên tầng trên cùng, nơi trước đây có thờ tượng Phật bằng vàng.

Bên cạnh đó, ở mỗi tầng tháp đều có cửa sổ trang trí bằng các thanh đồng uốn dẹp giúp ánh sáng lan tỏa trong lòng tháp. Đứng trên tầng cao của tháp có thể nhìn hướng tầm mắt bao quát một khúc sông Hương và dãy Trường Sơn ẩn hiện xa xa.

Hai bên tháp còn có nhà bia và lầu chuông, trong lầu chuông có treo quả đại hồng chuông với nhiều đường nét độc đáo. Chính vì vậy đã tạo nên những nét riêng vừa hấp dẫn vừa bí ẩn cho chùa Thiên Mụ.

Cổng Tam quan chùa Thiên Mụ.

Ngoài tháp Phước Duyên, chùa Thiên Mụ còn có những công trình kiến trúc như điện Đại Hùng, điện Địa Tạng, điện Quan Âm… Chùa còn là nơi lưu giữ nhiều cổ vật quý giá về mặt lịch sử và nghệ thuật.

Những bức tượng Hộ Pháp, tượng Thập Vương, tượng Phật Di Lặc, tượng Tam Thế Phật… hay những hoành phi, câu đối ở đây đều ghi dấu những thời kỳ lịch sử vàng son của chùa Thiên Mụ.

Du khách chụp ảnh lưu niệm khi viếng chùa.

Hẳn chùa Thiên Mụ từ lâu đã trở thành một trong những biểu tượng của xứ Huế mộng mơ với danh xưng “đệ nhất cổ tự”. Nơi này không chỉ yên tĩnh, là điểm đến lý tưởng cho phật tử thập phương mà còn lưu truyền một lời nguyền tình yêu.

Bởi vậy, đối với nhiều người, chùa Thiên Mụ là chốn linh thiêng và đầy bí ẩn góp phần điểm tô cho bức tranh thiên nhiên nơi đây càng thêm duyên dáng và trang nghiêm.

Nguyễn Trần Ngọc Mai


Chương trình “Du lịch giữa mùa dịch” là nơi đăng tải câu chuyện của những người làm trong lĩnh vực du lịch, những người đam mê du lịch. Những thông tin chia sẻ có thể là cách mà nhân viên du lịch đang thực hiện để kiếm sống và nuôi dưỡng tiếp đam mê xê dịch cho đến khi dịch bệnh đi qua; có thể là cách những người mê du lịch đang làm để vừa có cảm giác vi vu đó đây vừa tuân thủ quy tắc “không cần thiết thì ở yên tại chỗ”; hay cũng có thể là những ký ức về các chuyến du lịch độc đáo ngày xưa, cùng chia sẻ để giữ lửa trong lòng người đam mê di chuyển.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây