(SGTT) - Một năm có một mùa Hè, mấy ngày nghỉ Tết và vài dịp lễ là mùa làm ăn của ngành du lịch. Trong khi du khách có 52 dịp cuối tuần, 365 ngày để du lịch và làm việc. Làm gì để tăng sức hút các mùa du lịch, vượt qua mùa vụ để lên chuyên nghiệp? Câu hỏi cũ vẫn chờ lời đáp mới.
- Mỗi địa phương cần có ‘đặc sản’ du lịch nông nghiệp riêng
- Du lịch có trách nhiệm gắn với bảo tồn động vật hoang dã
Theo ghi nhận của nhóm báo KTSG, kỳ nghỉ lễ 2-9 vừa qua, thiên đường du lịch Phú Quốc lặp lại “kịch bản” vắng khách như dịp lễ 30-4 và 1-5 trước đó. Lượng khách đến đảo ngọc giảm hơn 26% so với cùng kỳ năm trước. Tình trạng tương tự cũng xảy ra đối với nhiều trọng điểm du lịch khác.
Lý giải tình trạng này, chính quyền các địa phương, cơ quan quản lý nhà nước cho rằng, do thời tiết không thuận lợi, đi lại khó khăn, chi phí di chuyển cao, do hết mùa hè, sắp vào mùa tựu trường.
Cùng dịp lễ Quốc khánh, các thành phố không phải là trọng điểm du lịch, như TPHCM, Hà Nội, Quảng Ninh, Khánh Hòa, Bà Rịa – Vũng Tàu lại “bội thu” khi thu hút hơn 3 triệu lượt du khách, doanh thu du lịch đạt hơn 6.638 tỉ đồng.
Nếu chỉ dựa vào mùa vụ
Du lịch là các hoạt động có liên quan đến chuyến đi của con người ngoài nơi cư trú thường xuyên, nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng, giải trí, tìm hiểu, khám phá, trải nghiệm tài nguyên du lịch hoặc kết hợp với mục đích hợp pháp khác. Chính vì vậy mà yếu tố theo mùa, sự khác biệt giữa những không gian, sự thay đổi khí hậu, thời tiết, cảnh quan thiên nhiên, văn hóa, ẩm thực độc đáo giữa các điểm đến tạo nên sức hút du khách. Nhiều nơi còn tạo ra các lễ hội văn hóa, ẩm thực hay các sự kiện đông người, thi đấu thể thao để thu hút du khách và thành công hoặc phát triển du lịch tâm linh, thu hút khách hành hương, chiêm bái, tạo ra mùa du lịch.
Nhưng khai thác yếu tố mùa vụ, sự kiện, lễ hội để tạo ra không gian du lịch hấp dẫn, sản phẩm du lịch đặc thù khác hẳn với phụ thuộc vào mùa vụ. Nếu du lịch chỉ dựa vào mùa vụ, thì thời gian bị cắt khúc, không gian bị bó hẹp, phụ thuộc thời tiết và dễ nhàm chán.
Các nước có ngành du lịch phát triển, bên cạnh khai thác tính mùa vụ của du lịch, họ luôn chủ động tạo ra các sản phẩm du lịch không phụ thuộc mùa vụ mà ngày nào trong năm du khách đều có thể hưởng thụ, có những điểm nhấn cuối tuần, chứ không phụ thuộc vào các ngày lễ. Các sản phẩm du lịch hấp dẫn được đầu tư không phụ thuộc mùa vụ du lịch sẽ góp phần tăng thời gian du lịch trong năm, co giãn các áp lực tập trung đông người.
Du lịch cũng không hẳn là đi chơi mà còn là công việc của du khách. Vì vậy mà nhiều nơi đã đầu tư phát triển sản phẩm du lịch MICE (Meeting-Incentive-Conference-Exhibition) kết hợp hội thảo, hội nghị, khen thưởng và sự kiện. Trong khi loại hình du lịch này còn rất yếu kém ở hầu hết các địa phương. Nhiều hãng du lịch than phiền, khó tổ chức những tour dịch lịch quy mô lớn dù thiếu cơ sở vật chất hay không gian ngoài trời, phụ thuộc yếu tố mùa vụ du lịch.
Nghệ thuật tích hợp du lịch
Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, các bên liên quan (stakeholders) theo không gian, thời gian. Nên hoạch định chính sách phát triển du lịch, kinh doanh du lịch là một nghệ thuật tích hợp. Làm gì để du lịch thoát khỏi ăn xổi, ở thì, sức ì dựa vào mùa vụ? Làm gì để du lịch thực sự là ngành kinh tế tổng hợp, trở thành gói du lịch tích hợp đa giá trị kinh tế, văn hóa, môi trường? Bài toán cũ vẫn chưa có lời giải mới.
Chuỗi giá trị du lịch không thể “gói” trong không gian hành chính của một tỉnh do tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao của nó. Việc liên kết vùng phát triển du lịch cho phép khai thác những lợi thế tương đối, lợi thế so sánh và bổ khuyết cho nhau giữa các địa phương về tài nguyên du lịch, hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật và các nguồn lực khác cho phát triển du lịch; tăng cường năng lực cạnh tranh không chỉ đối với du lịch toàn vùng mà còn đối với các bên liên quan nhằm thu hút đầu tư, thu hút khách du lịch đến địa bàn liên kết nói chung với tư cách là một điểm đến thống nhất và đến lãnh thổ của từng chủ thể liên kết nói riêng.
Cần đẩy mạnh các hoạt động liên kết không gian du lịch, sản phẩm du lịch an toàn cần sự hợp tác, chia sẻ, khai thác hiệu quả hơn tài nguyên du lịch của từng địa phương mang lại hiệu quả tốt hơn, an toàn hơn. Thay đổi cách làm để du lịch hấp dẫn hơn bằng làm mới sản phẩm du lịch, các tour, tuyến, điểm đến hấp dẫn, nhưng lâu dài là tập trung tháo điểm nghẽn hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch, chứ không chỉ dựa vào tính mùa vụ, hay khai thác tài nguyên du lịch tự nhiên mà thiếu sự đầu tư, tôn tạo và phát huy tương xứng.
Trở lại câu chuyện của Phú Quốc và các địa phương thất thu “mùa du lịch” lễ Quốc khánh vừa qua. Thay vì đổ lỗi cho ông trời, thời tiết, giá vé máy bao cao, thì chính quyền, cơ quan quản lý và người làm du lịch phải thật sự cầu thị, lắng nghe để làm mới mình, tạo sự khác biệt. Cần thay chiếc áo mới và gương mặt mới, tấm lòng hiếu khách hơn là tự xưng đẳng cấp. Cần dọn rác du lịch chặt chém, ăn xổi ở thì bằng các sản phẩm du lịch có chất lượng. Thoát du lịch mùa vụ, xây dựng ngành du lịch mưu cầu văn hóa tận tâm, thân thiện. Khách không bỏ Phú Quốc vì giá cao hơn nơi khác, mà vì chưa xứng đồng tiền, bát gạo. Phú Quốc hãy nhìn lợi thế so sánh để cạnh tranh với Pattaya, Phuket, Bali, Kualar Lumpur, Singapore… để lập trình lại “hệ điều hành mới”. Cần một chiến dịch quảng bá ra quốc tế một cách bài bản, giúp ngành du lịch của hòn đảo này hồi phục thực sự.
Nhìn rộng ra, ngành du lịch cần sớm ứng dụng công nghệ, phân tích dữ liệu để tìm hiểu sâu về thị hiếu, tâm lý, sở thích du khách. Hiểu khách, nắm được thị hiếu của khách là cơ sở quan trọng để chủ động tung ra các sản phẩm mới, phù hợp mà không cần chờ mùa vụ, phục vụ tốt nhất trải nghiệm của du khách, tăng tỷ lệ khách trở lại vùng này trên những cung đường giao thông rộng mở.
Trần Hữu Hiệp
(*) Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL