TRUNG CHÁNH -
Theo số liệu của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) vừa công bố, sản lượng lúa đông xuân 2015-2016 bị thiệt hại do hạn và xâm nhập mặn nhỏ hơn nhiều so với những thông tin lo ngại trước đó. Nhiều người trong ngành dự báo xuất khẩu gạo nửa cuối năm nay sẽ tiếp tục sôi động.
Thiệt hại không đáng kể
Lúa đông xuân thiệt hại do hạn, xâm nhập mặn thấp và dự báo xuất khẩu gạo tiếp tục sôi động. Trong ảnh là nông dân ĐBSCL đang thu hoạch lúa.
Trong khoảng một tháng trở lại đây, thông tin hạn và xâm nhập mặn gây thiệt hại nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất lúa liên tục được các tờ báo lẫn truyền hình cập nhật, trong đó có không ít thông tin cho biết con số thiệt hại ước lên đến xấp xỉ một triệu tấn lúa. Tuy nhiên, thông tin được Cục Trồng trọt công bố tại hội nghị “Sơ kết sản xuất vụ đông xuân 2015-2016 và triển khai kế hoạch sản xuất vụ hè thu, thu đông, mùa năm 2016 tại Nam bộ” được tổ chức cuối tuần qua ở Tiền Giang, cho thấy sản lượng lúa bị thiệt hại là không đáng kể.
Ông Lê Thanh Tùng, Phó phòng Cây lương thực-thực phẩm của Cục Trồng trọt, cho biết trên thực tế tổng sản lượng lúa đông xuân 2015-2016 ở Nam bộ bị thiệt hại vì hạn, xâm nhập mặn và do giảm năng suất ước khoảng 378.000 tấn. Trong đó, hạn hán và xâm nhập mặn đã gây thiệt hại 58.250 ha lúa đông xuân 2015-2016, làm sụt giảm 250.000 tấn lúa. Diện tích lúa đông xuân 2015-2016 xuống giống sớm từ tháng 10 Dương lịch là 265.746 ha, nhưng do nhiệt độ cao làm ảnh hưởng tới thời gian sinh trưởng của cây lúa, dẫn đến năng suất giảm với tổng sản lượng khoảng 53.000 tấn. Hạn và xâm nhập mặn làm 11.000 ha lúa không xuống giống được với sản lượng bị sụt giảm khoảng 75.000 tấn.
Tuy nhiên, theo ông Tùng, do tỉnh Cà Màu đã chuyển đổi khoảng 36.500 ha lúa thu đông 2015 sang vụ đông xuân 2015-2016, nên sản lượng lúa đông xuân tăng khoảng 188.000 tấn. Như vậy, sau khi cân đối giữa phần thiệt hại thực tế và phần tăng sản lượng do tỉnh Cà Mau chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, tổng sản lượng lúa đông xuân 2015-2016 ở Nam bộ sụt giảm so với vụ đông xuân 2014-2015 chỉ khoảng 190.000 tấn.
Trao đổi về con số sụt giảm sản lượng nêu trên, ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2), cho rằng thiệt hại ít là một tín hiệu phấn khởi, không lo khan hiếm nguồn gạo phục vụ cho xuất khẩu, “nhưng thực tế có đúng hay chưa, nó cũng làm tôi phải suy nghĩ”, ông nói.
Theo ông Năng, số liệu cập nhật năng suất lúa của tỉnh An Giang trong vụ đông xuân 2015-2016 là 6,8 tấn/ha, nhưng báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy năng suất trung bình của vùng ĐBSCL đạt hơn 6,8 tấn/ha. “An Giang là nơi có năng suất lúa cao nhất của Việt Nam, nhưng năng suất trung bình ở đây cũng là 6,8 tấn/ha thì tôi hơi nghi ngờ, có thể chưa được chính xác”, ông Năng phân vân.
Như vậy, nếu báo cáo của Cục Trồng trọt là chưa chính xác và năng suất lúa trung bình trong vụ đông xuân 2015-2016 của ĐBSCL không đạt ở mức hơn 6,8 tấn/ha, thì tổng sản lượng lúa của ĐBSCL sẽ thấp hơn con số 10,9 triệu tấn như báo cáo của đơn vị này. Nghĩa là tổng sản lượng bị sụt giảm có thể lớn hơn con số 190.000 tấn như đã nêu ở trên.
Lạc quan xuất khẩu
Trong khi đó, đối với xuất khẩu gạo, dù hai đối tác nhập khẩu truyền thống của Việt Nam là Philippines và Indonesia đã hủy bỏ kế hoạch cũng như có văn bản chính thức cho biết không nhập khẩu gạo như thông tin được đưa ra hồi đầu năm 2016, nhưng dự báo của người đứng đầu VFA cho biết tình hình xuất khẩu gạo từ giữa đến cuối năm 2016 sẽ tiếp tục sôi động.
Ông Huỳnh Thế Năng của VFA cho biết lý do đầu tiên để đưa ra nhận định như vậy là lượng hợp đồng xuất khẩu còn lại được thực hiện từ tháng 3-2016 trở đi là rất lớn, xấp xỉ 1,4 triệu tấn. “Một lý do nữa, đó là thị trường Trung Quốc dường như rất trầm lắng, nhưng họ vẫn tiếp tục mua số lượng lớn”, ông cho biết.
Theo ông Năng, số lượng gạo bán sang thị trường Trung Quốc trong năm 2016 dự kiến cũng sẽ đạt xấp xỉ như năm 2015, tức khoảng 4 triệu tấn gạo, chiếm khoảng 50% tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam (bao gồm cả chính ngạch và tiểu ngạch). Ngoài ra, dù Philippines đã hủy bỏ kế hoạch mua gạo hồi đầu năm như đã nêu ở trên, nhưng theo ông Năng, quốc gia này đang chuẩn bị nhập khẩu đến 1,5 triệu tấn, trong đó có 500.000 tấn được giao cho khu vực tư nhân. Trong khi đó, Indonesia, dù đang nỗ lực tự túc lương thực, nhưng có khả năng từ cuối tháng 6-2016 và trong quí 3 quốc gia này sẽ nhập với số lượng vài triệu tấn.
Tuy nhiên, theo dự báo của ông Năng, giá xuất khẩu gạo thế giới năm 2016 sẽ không tăng. Bởi lẽ, trong năm 2016, mặc dù dự kiến xuất khẩu của Ấn Độ chỉ đạt 8 triệu tấn, giảm 2 triệu tấn so với năm ngoái, nhưng quốc gia này chịu sự tác động của El Nino rất nhẹ nên nguồn cung vẫn dồi dào. Còn Thái Lan, sản lượng gạo năm nay có thể giảm đến 3 triệu tấn do khô hạn, nhưng tồn kho từ chương trình trợ giá trước đây còn lớn, nên kéo giá gạo của quốc gia này xuống. “Trong số năm nước xuất khẩu lớn (Việt Nam, Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan và Mỹ), hai quốc gia Thái Lan và Ấn Độ có sản lượng gạo dồi dào, nên giá sẽ không tăng”, ông Năng dự báo.