Thứ Sáu, Tháng Tư 19, 2024

Đón xu hướng “mua sắm di động”

Chí Thịnh

Số lượng người tiêu dùng chọn cách thức mua sắm trên mạng ở Việt Nam ngày càng gia tăng. Việc các doanh nghiệp thương mại điện tử trang bị công cụ thanh toán cũng như mở rộng cách thức mua sắm trên thiết bị di động sẽ tạo điều kiện cho người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận với hàng hóa trên mạng.

Sự dịch chuyển nhanh

Trong buổi sinh hoạt thường kỳ của Câu lạc bộ Thị trường (thuộc Saigon Times Club) sáng qua (23-4) tại TPHCM, các thành viên câu lạc bộ, là lãnh đạo các doanh nghiệp đã cùng chia sẻ về “xu hướng phát triển thương mại và giao dịch thanh toán điện tử tại Việt Nam” trong một tọa đàm.

Là giám đốc khối ngân hàng điện tử thuộc Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), ông Trần Thái Bình đã cung cấp cho các doanh nhân những xu hướng mới nhất về thương mại điện tử trên nền tảng di động trên thế giới và Việt Nam. Ở đó, một số giải pháp thanh toán mang tính bảo mật cao, thanh toán di động đã được giới thiệu.

Mua sắm qua thiết bị di động được thống kê rằng ngày càng tăng.
Mua sắm qua thiết bị di động được thống kê rằng ngày càng tăng.

Theo ông Bình, doanh nghiệp khi tham gia vào hoạt động thương mại điện tử cần lưu ý đến một số yếu tố như hoạt động truyền thông/quảng cáo, giao nhận hàng hóa, phương thức thanh toán trực tuyến. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần tạo niềm tin với khách hàng mua sắm trực tuyến với số điện thoại “đường dây nóng” ghi nhận ý kiến khách hàng, đưa ra các chính sách bảo vệ quyền lợi khách hàng. “Việc đăng ký trang web chính thức với Bộ Công Thương cũng sẽ giúp tạo niềm tin cho khách hàng”, ông Bình nói.

Tại tọa đàm, nhiều ý kiến đồng tình với nhận định của vị đại diện Sacombank là hiện thời, thương mại điện tử đang chuyển dần từ nền tảng web sang di động. Đó là lý do yêu cầu doanh nghiệp phải xây dựng trang web có giao diện tương thích với nền tảng di động (mobile). Qua đó, giúp người dùng dễ dàng mua hàng hóa thông qua smartphone/máy tính bảng.

Trong một thống kê mà Sacombank dẫn lại của cơ quan chức năng, tại Việt Nam, hiện có khoảng 15-22 triệu người thường xuyên sử dụng smartphone và trong đó có hơn một nửa số người sử dụng thiết bị di động để mua sắm trực tuyến. Số lượng người dùng smartphone, máy tính bảng đang tăng nhanh theo từng năm và đây là cơ hội kinh doanh trên mạng của các doanh nghiệp.

Theo thông tin từ Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, số lượng người sử dụng thiết bị di động để truy cập Internet tìm kiếm thông tin đã tăng lên 65% vào năm 2014 tại Việt Nam. Đồng thời, qua khảo sát, tỷ lệ người mua sắm trực tuyến trên các trang web là 71%; tăng 10% so với năm 2013. Các dịch vụ ngân hàng-thanh toán, nội dung số, ứng dụng, game, mua sắm qua thiết bị di động… đang trở thành một trào lưu, một xu hướng phổ biến bởi tính thuận tiện, linh hoạt, kết nối dễ dàng của nó.

Các thành viên Câu lạc bộ Thị trường tại buổi sinh hoạt.        Ảnh: Thành Hoa
Các thành viên Câu lạc bộ Thị trường tại buổi sinh hoạt. Ảnh: Thành Hoa

[box type=”download”]Ra mắt trang web, kết nạp thêm thành viên

Trong khuôn khổ buổi họp mặt và tọa đàm của Câu lạc bộ Thị trường, tám thành viên mới là lãnh đạo các doanh nghiệp trong và ngoài TPHCM đã được kết nạp. Bà Phạm Thị Ngọc Hà, Phó chủ nhiệm câu lạc bộ, cho biết đến thời điểm này, câu lạc bộ đã có 59 thành viên là các lãnh đạo, quản lý và chủ doanh nghiệp. Trong số này, nhiều thành viên là lãnh đạo các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường của thành phố.

Theo đại diện của câu lạc bộ, sắp tới sẽ đẩy mạnh hơn các hoạt động truyền thông, tổ chức các buổi tọa đàm chuyên đề về truyền thông, quảng bá thương hiệu cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ. Câu lạc bộ cũng dự kiến sẽ tổ chức một phiên chợ tại TPHCM hoặc các tỉnh, thành lân cận theo lịch hoạt động của Sở Công Thương thành phố. Ông Nguyễn Nguyên Phương, Trưởng phòng Quản lý thương mại Sở Công Thương TPHCM, cho biết sở sẽ tạo điều kiện để các doanh nghiệp thành viên câu lạc bộ có những chương trình bán hàng thiết thực đến người tiêu dùng.

Dịp này, Câu lạc bộ Thị trường cũng hoàn thiện việc xây dựng trang web ở địa chỉ www.clbthitruong.vn.[/box]

Bán hàng trên… “mây”

Không chỉ dừng lại ở việc bán hàng trên trang web, một số doanh nghiệp đã bắt đầu bán hàng qua mạng thông qua các ứng dụng di động. Những bà nội trợ đã có thể dạo chợ trên “đám mây” với những chiếc điện thoại Android, iPhone/iPad, Windows Phone…

Sắp tới, trong tháng 5-2015, Sacombank sẽ chính thức tung ra thị trường dòng sản phẩm Sacombank eShop. Đây là một mô hình “chợ trên mây”, giúp người tiêu dùng sử dụng ứng dụng di động để mua sắm trực tuyến với nhiều chương trình ưu đãi.

Nói về sản phẩm mới này, ông Nguyễn Hữu Phúc, Giám đốc Trung tâm thẻ Sacombank, cho biết hiện tại, người dùng smartphone, máy tính bảng đã có thể ghé qua các kho ứng dụng Windows Phone, iOS (iPhone/iPad), Google Play (điện thoại Android) để tải ứng dụng Sacombank eShop. Ứng dụng này hỗ trợ khách hàng sử dụng các loại thẻ thanh toán mua sắm, tìm kiếm các chương trình khuyến mãi, ưu đãi mua sắm… từ mạng lưới đối tác của Sacombank.

Các doanh nghiệp tham gia mạng lưới đối tác eShop sẽ thực hiện việc bán hàng thông qua giải pháp thanh toán di động Sacombank mPOS. Khách hàng có thể chọn lựa các sản phẩm, dịch vụ được đăng bán trên eShop và thanh toán tại chỗ thông qua công cụ mPOS của ngân hàng này.

Tại buổi tọa đàm này, một số thành viên của Câu lạc bộ Thị trường cũng mong muốn tham gia mạng lưới bán hàng trên ứng dụng eShop. Ông Nguyễn Minh Tâm, Phó tổng giám đốc Sacombank (đồng thời là Phó chủ nhiệm câu lạc bộ) nói rằng, sẽ có chính sách hỗ trợ đặc biệt cho thành viên câu lạc bộ.

Mua sắm, dạo chợ trực tuyến bằng các thiết bị di động sẽ nhanh chóng trở thành xu hướng trong tương lai. Các doanh nghiệp sẽ có thêm cơ hội bán hàng trên nhiều kênh bán lẻ khác nhau; từ cửa hàng, trang web bán hàng trực tuyến, ứng dụng di động…

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Rủi ro sản phẩm thải độc xách tay

0
NHẬT LINH -  Lo lắng đồ ăn thức uống không an toàn dẫn đến tích tụ chất độc trong người, đặc biết là những bệnh...

Kết nối