Thứ Bảy, Tháng Tư 20, 2024

Doanh nghiệp xã hội: Quy định ưu đãi đã có, vẫn phải chờ

CHÍNH PHONG – 

Nhiều doanh nghiệp xã hội hiện xoay xở tìm lợi nhuận trong kinh doanh nhằm phục vụ các mục tiêu xã hội. Đến nay, hành lang pháp lý cùng các chính sách hỗ trợ dành cho các doanh nghiệp này gần như có đủ, tuy nhiên theo các doanh nghiệp, chưa doanh nghiệp nào được hưởng ưu đãi, chưa được tạo điều kiện để mở rộng quy mô, góp phần giải quyết các vấn đề xã hội.

Kinh doanh không chỉ vì lợi nhuận

koto-1Anh Nguyễn Minh Hiếu bên bức tường treo huy hiệu ghi tên những nhà hảo tâm gắn ở tiền sảnh nhà hàng KOTO TPHCM.

Nhẹ nhàng xoay cổ tay theo ngược chiều kim đồng hồ, anh Nguyễn Minh Hiếu kết thúc động tác rót rượu vang vào ly cho các thực khách trên bàn. Các công đoạn phục vụ của Hiếu đều rất thuần thục và chuyên nghiệp. Đó là một trong những công việc thường ngày của Hiếu tại nhà hàng trên tầng mái khu thương mại Kumho Link Plaza ở quận 1, TP.HCM.

Một lần, vào năm 2011, tình cờ xem chương trình truyền hình giới thiệu về trung tâm dạy nghề KOTO, cuộc sống của Hiếu sang trang từ đó.

KOTO tức là “Know One, Teach One”, biết một dạy một, được anh Jimmy Phạm, việt kiều Úc thành lập năm 1999 với niềm tin rằng “nếu bạn ở một vị trí có thể giúp được ai đó ít may mắn hơn, bạn nên giúp người đó và cách bạn được cảm ơn tốt nhất là đến một ngày, người đó sẽ làm điều tương tự với một người khác nữa”. KOTO hoạt động dưới mô hình nhà hàng kinh doanh và trung tâm dạy nghề với phương châm làm thay đổi cuộc sống của những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, lấy lợi nhuận từ nhà hàng, một ở Hà Nội và một ở TPHCM để phục vụ công tác đào tạo.

Sau 17 năm, KOTO đã tuyển sinh 42 khóa đào tạo, 30 ở Hà Nội và 12 ở TPHCM, đào tạo được gần 1.000 người như Hiếu.

Giống như KOTO, nhiều đơn vị khác như Trung tâm Sao Mai, Công ty CP Tò He, Công ty Mekong Plus, Trung tâm nghiên cứu giáo dục người khiếm thính (CED)… đã xuất hiện và họ đều hoạt động theo mô hình doanh nghiệp xã hội (DNXH). Các DNXH này “lai” giữa các tổ chức từ thiện, tổ chức phi chính phủ với các doanh nghiệp thuần túy. Nó khác với các tổ chức từ thiện ở chỗ tự tạo ra kinh phí qua hoạt động kinh doanh, khác với các doanh nghiệp thuần túy ở chỗ lấy việc giải quyết các vấn đề xã hội, chứ không phải lợi nhuận, làm mục đích hàng đầu.

Với mô hình DNXH, Công ty Mekong Plus tạo việc làm cho khoảng 250 phụ nữ nông thôn nghèo ở Nam bộ qua hai trung tâm hỗ trợ và phát triển cộng đồng Thiện Chí (tỉnh Bình Thuận) và Ánh Dương (tỉnh Hậu Giang). Công ty tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, cung cấp nguyên vật liệu, mẫu mã cho các phụ nữ gia công hàng mỹ nghệ thủ công theo các đơn hàng của công ty, và giao lại sản phẩm cho công ty khi hoàn thành.

Các sản phẩm từ mây, tre, vải vụn, giấy báo cũ, mạt cưa… được bán tại các cửa hàng ở TPHCM, Hà Nội, Hội An, Siem Riep, Phnom Penh, bán qua khách sỉ ở châu Âu. “Công ty luôn cố gắng phân chia công việc để đảm bảo các chị có thu nhập đều và ổn định mỗi tháng từ 1,5 đến 2 triệu đồng, ngoài thu nhập từ chăn nuôi, đồng áng của các chị. Còn lợi nhuận qua kinh doanh chuyển về hai trung tâm Thiện Chí và Ánh Dương để trao học bổng cho học sinh nghèo, hỗ trợ các chương trình giáo dục, y tế, hướng dẫn trồng trọt, chăn nuôi, quyền phụ nữ…”, bà Trần Diễm Phượng, lãnh đạo của Mekong Plus cho biết.

[box] Luật Doanh nghiệp 2014 có hiệu lực từ ngày 1-7-2015 tại Điều 10 có quy định về doanh nghiệp xã hội. Theo đó, để trở thành một doanh nghiệp xã hội cần đáp ứng các tiêu chí: là doanh nghiệp được đăng ký thành lập theo quy định pháp luật; sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận hàng năm của doanh nghiệp để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường như đã đăng ký.

Doanh nghiệp xã hội theo luật này được nhận nhiều ưu đãi, cụ thể như được tạo thuận lợi trong việc cấp giấy phép, chứng chỉ và giấy chứng nhận có liên quan, được tiếp nhận viện trợ phi chính phủ nước ngoài, được ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp tùy theo loại hình doanh nghiệp, và thời gian miễn giảm thuế có thể lên đến 15 năm.[/box]

Chờ nhận được chính sách ưu đãi

Những DNXH như vậy xuất hiện từ trước đổi mới thông qua hình thức là các hợp tác xã nhưng DHXH chỉ được công nhận chính thức về mặt pháp luật tại Luật Doanh nghiệp sửa đổi năm 2014. Hơn một năm sau, ngày 19-10-2015, Chính phủ ban hành Nghị định 96/2015/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết các quy định liên quan đến DNXH.

Sau khi có văn bản quy định, Trung tâm hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng (CSIP) là tổ chức tích cực nhất trong việc xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ DNXH trong nhiều năm qua đã làm hồ sơ thí điểm xin cho 5 DNXH được công nhận, nhưng đến nay mới chỉ KOTO được công nhận, trở thành DNXH hợp pháp đầu tiên tại Việt Nam, vào tháng 5-2016.

“Chúng tôi rất vui vì trở thành DNXH đầu tiên, nhưng đến nay chúng tôi vẫn chưa được hưởng những ưu đãi về chính sách, thuế, pháp luật. Thuế vẫn đóng như doanh nghiệp bình thường, thuê mặt bằng kinh doanh cũng không được ưu đãi giảm giá gì”, bà Trần Thị Ngọc Nữ, quản lý KOTO Kumho cho biết.

Hoạt động từ kinh doanh của KOTO hiện tại vẫn chưa bù đắp được chi phí cho trung tâm huấn luyện. Họ vẫn phải dựa vào một số nguồn tài trợ, trong đó có nguồn tài trợ từ chính các cá nhân thực khách đến nhà hàng. Mỗi người đến ăn tại nhà hàng KOTO, ủng hộ 150 đô la Mỹ sẽ được một huy hiệu tròn ghi tên gắn ở tiền sảnh nhà hàng.

Theo bà Phạm Kiều Oanh, người sáng lập CSIP, khái niệm DNXH vẫn còn quá mới, một số địa phương còn để treo hồ sơ xin xác nhận DNXH vì những hướng dẫn còn chưa đến nơi. “CSIP sẽ tổ chức một số lớp tập huấn ở các địa phương trong thời gian tới cho các doanh nghiệp và đại diện sở ngành, chúng tôi cũng sẽ kiến nghị lên Chính phủ để có những ưu đãi cho các DNXH”, bà Oanh cho biết.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

EU thất thu lớn vì giá tín chỉ carbon giảm sâu

0
(SGTT) - Giá carbon ở Liên minh châu Âu (EU) giảm mạnh trong năm nay khiến doanh thu bán tín chỉ carbon của EU...

Tăng cường 2.000 chuyến bay đêm, giá vé ‘hạ nhiệt’ dịp...

0
(SGTT) - Hãng hàng không Vietnam Airlines cho biết đang mở bán tăng cường 2.000 chuyến bay đêm (từ sau 21:00 giờ) trên các...

Thơm lừng góc chợ Phạm Văn Hai với tô bánh đa...

0
(SGTT) - Bánh đa là sợi bánh thân quen trong một số món ăn của người dân Hải Phòng. Theo dòng chảy văn hóa...

Thảo Cầm Viên tổ chức lễ hội ẩm thực ba miền...

0
Với quy mô hơn 50 gian hàng, cùng 149 món bánh truyền thống, lễ hội ẩm thực "Non sông thống nhất" diễn ra từ...

Loạt sự kiện du lịch tại các địa phương dịp lễ...

0
(SGTT) - Lễ hội Diều khổng lồ tại huyện Đất Đỏ (Bà Rịa – Vũng Tàu), lễ hội Tháp Bà Ponagar (Khánh Hoà) hay...

Nghĩ về cuộc đấu giá 3 mỏ cát với mức trúng...

0
(SGTT) – Vụ đấu giá ba mỏ cát ở Hà Nội với giá trúng cao gấp hàng trăm lần giá khởi điểm đã trôi...

Kết nối