Thứ năm, Tháng mười hai 12, 2024

Dịch Covid-19 kéo dài, khó khăn bủa vây giới đầu bếp kinh doanh dịch vụ ăn uống

(SGTT) - Với những đợt dịch Covid-19 diễn ra liên tục từ hơn một năm qua, các đầu bếp có mở quán ăn, nhà hàng để kinh doanh thêm đều đối mặt với nhiều khó khăn. Có người phải tạm dừng việc về quê phụ giúp gia đình, có người trả mặt bằng chuyển qua hình thức bán trực tuyến (online), và cũng có người dù lao đao vẫn chia sẻ những hộp cơm từ thiện cho người cần.

Trong tình trạng chung bị cắt giờ làm tại nhà hàng hay giảm giờ dạy tại các trường học dẫn đến giảm thu nhập vì các đợt dịch liên tiếp ập đến, nhiều đầu bếp tưởng chừng con đường kinh doanh thêm sẽ cứu vãn thu nhập của họ trong mùa dịch. Tuy nhiên, việc tìm ra lời giải cho bài toán kinh tế mùa dịch vẫn là điều khó khăn đối với họ.

Đóng quán ăn, trả mặt bằng, chuyển qua bán online

Bên trái là quán Thái chuyển sang bán online của đầu bếp Tuấn Anh, bên phải là quán ăn nhỏ của đầu bếp Ngọc Nhi đã đóng cửa do dịch. Ảnh: NVCC

Đầu bếp Nguyễn Tuấn Anh, với 17 năm kinh nghiệm chuyên tư vấn set up nhà hàng, anh hiện đang sở hữu hai nhà hàng Thái Lan và một cửa hàng bán online chuyên ship về lẩu và nướng tại Hà Nội. Anh tâm sự giai đoạn các nhà hàng vẫn còn được cho khách ngồi lại nhưng thực hiện giãn cách, doanh thu các nhà hàng chỉ giảm khoảng 1/3. Tuy nhiên, từ khi có quy định chỉ bán mang về, doanh thu của các nhà hàng của anh sụt giảm nghiêm trọng, hiện tại đã giảm đến 2/3 so với lúc chưa có dịch. Vì vậy, anh đã phải đóng cửa một nhà hàng Thái để bảo toàn kinh phí.

“Tôi cũng tích cực đẩy mạnh việc phát triển các món cơm hộp để bán online cho nhân viên văn phòng, hy vọng sẽ cứu vớt lại doanh thu trong thời điểm dịch bệnh khó khăn này”, anh Tuấn Anh nói.

Cũng là một trong những người kinh doanh, đầu bếp Ngọc Nhi, bếp trưởng nhà hàng Vịt quay Jacky (quận 3), dù chỉ sở hữu cho mình một quán ăn nhỏ, nhưng chị Nhi cũng không thoát khỏi tình trạng khó khăn. Dịch bệnh kéo dài, kinh doanh của quán không thuận lợi, trong khi hằng tháng chị vẫn phải gánh chi phí mặt bằng, tiền công nhân viên. Do vậy, dù mới mở ra kinh doanh chưa được nửa năm, chị Nhi đã phải quyết định đóng cửa quán ăn nhỏ của mình. Hiện tại, chị đã thuê một nơi khác để bán đồ ăn trực tuyến. Tuy nhiên, doanh thu bán online cũng chỉ bằng một nửa so với lúc trước dịch.

Về quê tránh dịch

Với kinh nghiệm làm bếp lâu năm, đầu bếp Phạm Đông đã đứng giảng dạy nhiều lớp cắt tỉa rau củ, trang trí món ăn. Khi dịch mới bùng phát, trường học tạm đóng cửa, anh đã xoay qua mở lớp dạy nấu ăn tại nhà với số lượng ít. Khi tình hình dịch trở nên căng thẳng hơn tại TPHCM, chính quyền không cho phép tụ tập quá 5 người, anh Đông đã chủ động đóng cửa các lớp học tại gia của mình và về Bà Rịa để phụ giúp gia đình.

“Tôi chưa có kế hoạch gì khi tình hình dịch còn quá căng thẳng như hiện nay. Từ lúc lớp học bị ngưng đến giờ, tôi chỉ kịp về quê tránh dịch và phụ giúp gia đình”, anh Đông tâm sự. Cũng theo lời anh Đông, thời điểm này, có nhiều anh em làm nghề bếp giống anh còn phải đi phụ hồ để trang trải thu nhập.

Tấm lòng trong mùa dịch

Thiệt hại là vậy, khó khăn là vậy, nhưng vẫn có một số đầu bếp duy trì mở cửa quán ăn, nhà hàng của mình để lan tỏa tình thần nhân ái đến với mọi người xung quanh trong mùa dịch này.

Để cứu vãn thu nhập trong mùa dịch, năm tháng trước, đầu bếp Nguyễn Anh Hào đã mở quán cơm Ngoại nằm ở khu vực Làng Đại học Quốc gia TPHCM. Thời gian đầu, tình hình kinh doanh cũng tạm ổn với khoảng 250 suất bán mỗi ngày. Nhưng từ khi đợt dịch lần thứ 4 ập tới, khu ký túc xá được trưng dụng thành khu cách ly, lượng khách ghé tới quán giảm rõ rệt, mỗi ngày anh chỉ bán được chừng 30-40 suất.

Tình hình buôn bán giảm sút, nhưng thấy sinh viên còn kẹt lại vì dịch, không về quê được phải ăn mì gói sống qua ngày, anh Hào quyết định sẽ phát cơm từ thiện cho các bạn sinh viên, đồng thời, tận dụng không gian quán của mình để làm chỗ gửi đồ miễn phí cho sinh viên về quê.

Đồ vật sinh viên về quê gửi lại quán của anh Hào. Ảnh: NVCC
Nhân viên quán anh Hào đang chuẩn bị các phần cơm miễn phí cho sinh viên. Ảnh: NVCC

Cụ thể, trong một tuần anh sẽ dành ra 2-3 buổi để nấu cơm và mỗi buổi phát khoảng 150 phần cơm cho sinh viên trong khung giờ 9:00 đến 11:00. Ngoài ra, những phần cơm chưa phát hết thì anh gửi cho các bạn tình nguyện viên ở khu vực cách ly tập trung trong làng đại học.

“Mình cũng từng là sinh viên xa nhà, hơn ai hết, mình hiểu được nỗi khổ của các bạn sinh viên, đặc biệt trong thời điểm dịch bệnh này. Bản thân mình cũng muốn giúp đỡ càng nhiều càng tốt, nhưng kinh phí lại hạn hẹp. Vì vậy, mình mong rằng thông qua hoạt động phát cơm sinh viên, nhiều người cũng sẽ có những hành động đẹp để hỗ trợ những người đang gặp khó khăn trong mùa dịch”, Anh Hào chia sẻ.

Nhà hàng mỳ cay của đầu bếp Thông Nguyễn tại Bình Dương cũng không tránh khỏi tình trạng kinh doanh xuống dốc thời điểm này.

Anh Thông cho biết, vào khoảng giữa tháng Năm, khi dịch bắt đầu quay trở lại TPHCM, nhiều người ở Bình Dương giáp ranh TPHCM cũng lo sợ nên kinh doanh của quán anh đã bị ảnh hưởng nhiều, doanh thu giảm gần 50%. Khoảng hai tuần gần đây, từ khi Bình Dương liên tục phát hiện thêm nhiều ca nhiễm Covid-19 mới, doanh thu của nhà hàng anh Thông lại giảm đáng kể, chỉ còn khoảng 15% so với ngày thường.

“Mình cũng có suy nghĩ đến việc sẽ đóng cửa, nhưng nghĩ tới các bạn nhân viên bị kẹt vì dịch, không về quê được, nếu không có thu nhập sẽ rất khó khăn, nên mình vẫn duy trì hoạt động của quán”, đầu bếp Thông Nguyễn cho biết.

Để hỗ trợ lực lượng tuyến đầu chống dịch và người dân gặp khó khăn trong các vùng dịch tại TPHCM cũng như các tỉnh thành khác trên cả nước, các tổ chức, cá nhân có thể đồng hành cùng Chương trình "Saigon Times - Nối vòng tay lớn" với chủ đề "Đồng hành chống dịch" do Kinh tế Sài Gòn phát động. Chi tiết vui lòng xem tại đây.

Phùng My

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối