(SGTT) – Đoàn ngựa thồ ở xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên, hằng ngày lên rẫy thồ keo khai thác. Núi Trà Ô nhiều dốc đứng, nơi nào xe đến không được thì ngựa sẵn sàng chinh phục.
Ở vùng cao, ngựa làm ra tiền, nhiều người đầu tư nuôi ngựa thồ. Sáng, trưa, chiều đoàn ngựa thồ đều có mặt trên núi cao thồ keo, khai thác rừng trồng.
- Phú Yên: Đập Đồng Cam đón nhận bằng Di tích cấp quốc gia
- Đến Phú Yên, trekking nhẹ nhàng khám phá Mũi Điện – Bãi Môn
Ngựa thồ trên núi Trà Ô
Trên núi Trà Ô ở xã Xuân Lãnh, đoàn ngựa kẹp hai bên hông bó gỗ keo, thồ xuống dốc. Ông Nguyễn Thanh Sơn, nài ngựa điều khiển thồ cây, cho hay “Thợ cưa dùng máy cưa cây keo rồi mình chất cây lên yên ngựa thồ. Yên ngựa là hai rọ sắt đeo hai bên lưng ngựa. Mỗi lần thồ sức nặng 2 tạ, một ngày đi 10 chuyến, sức ngựa thồ 2 tấn. Thồ 1 tấn là 1 triệu đồng, mỗi ngày bỏ túi 2 triệu đồng. Núi Trà Ô nhiều dốc đứng, chỉ có sức ngựa thồ, còn sức người mỗi lần vác một cây xuống rẫy là mệt lắm rồi”.
Ông Đỗ Trí cũng một nài ngựa, đang lái ngựa… bằng cây. Hai tay nắm hai đầu cây kẹp hai bên hông ngựa, người đi phía sau, đường xuống rẫy có nhiều lối mòn, ông Trí nắm hai cây nghiêng qua trái, bẻ qua phải, để ngựa đi theo đúng đường mòn xuống rẫy. “Ngựa kéo xe thì điều khiển bằng dây cương, còn ngựa thồ keo thì mình đi theo sau lái ngựa bằng… cây”, ông Trí nói.
Đoàn ngựa thồ xã Xuân Lãnh vài chục con, đều là giống ngựa ô, những ngày qua, sáng, trưa, chiều đều có mặt trên núi Trà Ô thồ keo. Ngựa thồ lên núi làm ăn quanh năm suốt tháng vì ở đây nông dân thu nhập chính từ keo, mùa nắng trồng keo, mùa mưa trồng rừng.
Ông Trí cho rằng ngựa biết “làm ăn” nằm giá 35-40 triệu đồng/con. “Từ ngày sắm ngựa đến nay tôi cùng ngựa đi ngàn cây số lên rừng, xuống rẫy. Ngựa thồ làm ra tiền, tuy nhiên không phải con ngựa nào cũng thồ được”, ông nói.
Ông Trí khen ngựa cái hiền, chịu khổ lên rừng xuống rẫy. Còn ngựa đực hung dữ khó dạy nên ở đây dùng ngựa cái thồ cây. “Đặc tính ngựa đực ngoài hung dữ, nếu “ép” thì nó trở chứng. Vì vậy ở đây ít người nuôi được ngựa đực thồ cây. Con ngựa cái tội nghiệp thồ cây còn cõng người, vì khi lên dốc sức người leo không nổi 1 ngày 10 chuyến đi”, ông Trí phân trần.
Ngựa thồ liên tỉnh
Nông dân trồng rừng kinh tế, sau khi thu hoạch keo tiếp tục trồng rừng để giữ màu xanh cho rừng. Xã Xuân Lãnh giáp ranh với xã Canh Hòa, huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định. Vùng núi rừng xã Canh Hòa, nhiều đồi dốc, vì vậy khi trồng cây giống không có đường xe vận chuyển, phải nhờ sức ngựa thồ.
Ông Bùi Văn Long, chủ ngựa thồ xã Xuân Lãnh cho hay “Ở ngoài xã Canh Hòa họ có nhu cầu trồng rừng, gọi ngựa thồ a lô qua điện thoại thồ cây giống. Ngựa thồ… liên tỉnh. Gà gáy mình dậy bỏ cỏ cho ngựa ăn no bụng có sức thồ leo qua gộp đá, ngựa và người hì hục, đưa cấy giống đến nơi “chằn ăn trăn quấn”, xe tải chịu thua, chỉ có ngựa thồ dò đường lên được. Nhờ có ngựa thồ cây giống trồng, vừa rồi có người thu hoạch keo bán tiền tỉ”.
Bà Trần Thị Diệu, ở xã Xuân Lãnh, có đất xâm canh ngoài huyện Vân Canh, cho hay “Con gái tôi lấy chồng ở Canh Hòa, để rẻ cho tôi rẫy keo, vừa rồi thu hoạch xong gọi người dắt ngựa thồ ra chở cây giống trồng rừng. Nhờ có sức ngựa làm nên chuyện trồng rừng trên rẫy.
Đoàn ngựa thồ ở xã Xuân Lãnh nổi tiếng bởi nhiều người ở đây đưa đoàn ngựa ra huyện Vân Canh thồ, vì ngoài đó người ta nuôi trâu, bò chứ ngựa thì hiếm. Ông Trần Văn Thành, hơn một tuần nay “phi” ra huyện Vân Canh thồ cây giống. Ông Thành cho hay “Mỗi chuyến thồ họ trả 200.000-300.000 đồng tùy xa gần. Xong chủ này đến chủ khác “rước” ngựa thồ cây giống trồng rừng kinh tế. Nhờ sức ngựa rừng mới xanh được”.
Dịp Tết này đi dọc quốc lộ 19C, đoạn từ huyện Đồng Xuân (Phú Yên) đến huyện Vân Canh (Bình Định) hai bên đường bạt ngàn rừng keo. Màu xanh rừng kinh tế phả vào tầm mắt một màu xanh mướt.
Theo ông Huỳnh Tuấn Ân, Trưởng Phòng Nông nghiệp – Phát triển Nông thôn huyện Đồng Xuân, phong trào trồng rừng kinh tế ở xã Xuân Lãnh phát triển mạnh. Tuy nhiên, khu vực trồng rừng kinh tế có địa hình hiểm trở, nhiều đèo dốc, nông dân nuôi ngựa để phục vụ việc trồng rừng, khai thác rừng trồng.
Mạnh Hoài Nam