Thứ ba, Tháng mười hai 10, 2024

Để không bị lừa tiền bởi các website bán vé máy bay giả

Lợi dụng nhu cầu mua vé máy bay trong dịp cao điểm Tết Nguyên đán, một số website bán vé giả mạo với giao diện giống hệt website các hãng hàng không đã xuất hiện. Để không bị lừa mất tiền với các website giả mạo này, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã có hướng dẫn người dùng cách phân biệt các website giả mạo để phòng tránh.

Mới đây hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines cảnh báo đã phát hiện một số website không phải kênh bán vé chính thức của Vietnam Airlines, nhưng được thiết kế giống hệt website chính thức của hãng.

Webiste giả mạo (chèn chữ s vào sau chữ r) trang web của hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines. Ảnh: Chánh Trung

Các website này được đặt tên địa chỉ gần giống, chỉ khác một số chữ cái như www.vietnamairslines.com; www.vietnamaairlines.com... Giao diện, màu sắc, logo những trang web này cũng được thiết kế tương tự website chính thức của Vietnam Airlines. So với website chính thức www.vietnamairlines.com của Vietnam Airlines, tên miền của website này có thêm chữ  “s”, được chèn vào giữa từ “Airlines” khiến khách hàng khó phân biệt. Hơn nữa, website này còn có giao diện, màu sắc và các thao tác đặt vé tương tự với website chính thức Vietnam Airlines.

Trước đó, Vietnam Airlines cũng ghi nhận trường hợp một hành khách được bạn nhờ đặt vé, nên đã tìm kiếm trang web của Vietnam Airlines và vào nhầm website www.vietnamairilines.com. Tên miền website này có chữ “i” được chèn vào giữa từ “airlines” khiến khách hàng khó phân biệt so với trang web chính thức của Vietnam Airlines. Trang web này vẫn cho đặt vé và thanh toán bình thường. Sau khi có thư điện tử xác nhận và tài khoản báo trừ tiền, nam hành khách này chờ mãi không thấy thư báo thông tin chuyến bay. Lúc này, hành khách mới xem lại và phát hiện mình đã vào nhầm trang web giả mạo.

Ghi nhận của TBKTSG Online trong ngày 17-12 cho thấy website giả mạo www.vietnamairslines.com vẫn còn xuất hiện trên Google khi người dùng tim kiếm với từ khóa “vietnamairline”. Sau khi Vietnam Airlines cảnh báo thì trên mạng xã hội cũng “tố cáo” website www.vietjetvn.com cũng là website giả mạo hãng hàng không Vietjet để lừa người dùng (trang web chính thức của hãng hàng không Vietjet Air là https://www.vietjetair.com).

Kiểm tra địa chỉ của một trang web giả mạo. Ảnh Chánh Trung

Hiện tại các trang web giả mạo này đã bị hacker đánh sập tuy nhiên tìm kiếm trên Google vẫn ra các kết quả có liên quan đến 2 trang web lừa đảo này. Các chuyên gia an ninh mạng cho rằng các hãng hàng không, cơ quan chức năng nên có giải pháp xử lý các website giả mạo này. Nếu chúng còn tồn tại thì vẫn có thể tiếp tục lừa người dùng.

Nhận biết các website bán vé máy bay giả

Theo các chuyên gia an ninh mạng để tránh bị các website này lừa đảo, người dùng cần phải thận trọng khi truy cập vào các website và phải phân biệt được website thật với website giả. Để phân biệt website thật với website giả đại diện Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết: “Website Phishing (website giả mạo) là website mà kẻ tấn công tạo ra, giả mạo các trang web mạng xã hội, ngân hàng, hãng hàng không, giao dịch trực tuyến, ví điện tử... Mục đích là để lừa người dùng chia sẻ các thông tin cá nhân nhạy cảm trong đó có các thông tin về thanh toán ngân hàng khiến người dùng có nguy cơ bị mất tiền nếu nhập các thông tin vào các website này".

Để nhận biết một trang web giả mạo, điều đầu tiên là người dùng cần chú ý các đường dẫn (địa chỉ trang web) đầy đủ trước khi nhấp vào truy cập. Kiểm tra đường dẫn trước khi điền thông tin đăng nhập, thông tin cá nhân, đường dẫn giả mạo thường chứa nhiều ký tự vô nghĩa và các chuỗi văn bản bổ sung.

Bên cạnh đó, cần kiểm tra SSL (SSL là viết tắt của từ Secure Sockets Layer. Đây là một tiêu chuẩn an ninh công nghệ toàn cầu tạo ra một liên kết giữa máy chủ web và trình duyệt. Liên kết này đảm bảo tất cả dữ liệu trao đổi giữa máy chủ web và trình duyệt luôn được bảo mật và an toàn) và chứng thư số của website. Và kiểm tra kỹ thanh địa chỉ để biết thông tin chi tiết của tổ chức.

Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia cũng cho biết nếu phát hiện có web giả mạo, hãy báo ngay cho lãnh đạo và quản trị hệ thống để có phương án thông báo đến người dùng sử dụng dịch vụ của tổ chức. Đồng thời thông báo cho cơ quan có thẩm quyền yêu cầu được hỗ trợ giải quyết vấn đề này. Có thể thông báo trang web giả mạo về Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia qua các kênh liên lạc.

Hiện, rất khó để ngăn chặn việc hacker dựng ra trang web để giả mạo các trang web khác. Tuy nhiên mục đích của giả mạo là lừa đảo người dùng, vì vậy người dùng hãy chung tay ngăn chặn người dùng truy cập trang web giả mạo bằng cách phát hiện sớm nhất các trang giả mạo và loại bỏ nó; sử dụng nhãn tín nhiệm do Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia cung cấp để giúp người dùng phân biệt trang web giả mạo và trang web chính thống của doanhoanh nghiệp; công bố địa chỉ tên miền website, địa chỉ email, blog, fanpage và các trang thông tin điện tử khác mà doanh nghiệp chính thức sử dụng để khách hàng dễ nhận biết tránh không bị lừa đảo.

Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia cũng cung cấp công cụ kiểm tra website giả mạo tại địa chỉ như sau để người dùng kiểm tra: https://khonggianmang.vn/check-phishing

Vietnam Airlines hiện cũng khuyến cáo khách mua vé máy bay trên website cần lưu ý truy cập đúng địa chỉ chính thức của Vietnam Airlines là www.vietnamairlines.com. Hành khách cũng có thể mua vé qua ứng dụng di động Vietnam Airlines bằng việc tải ứng dụng này về thiết bị di động cá nhân thông qua App Store (với người dùng hệ điều hành iOS) hoặc Google Play (với người dùng hệ điều hành Android).

Chánh Trung

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối