Thứ Năm, Tháng Tư 25, 2024

Để có hạnh phúc nơi công sở

Marty Linsky, nhà quản lý của trường Harvard Kennedy nói rằng, phải chi cuốn sách này đến với mình cách đây 40 năm thì đỡ biết mấy!

Cuốn sách có tựa là Sứ mệnh người làm sếp(1), nhưng thực chất, đó là câu chuyện về sứ mệnh quản trị của mỗi người, từ sếp đến từng nhân viên trong việc xây dựng một môi trường văn hóa công sở sáng tạo, hiệu quả và đáng sống.

Một môi trường làm việc lý tưởng được xây dựng từ đâu?

Nhiều cuốn sách quản trị đã giải quyết vấn đề này trên phương diện lý thuyết. Cái hay của Jill Geisler qua Sứ mệnh người làm sếp là đi ra từ thực tế, từ đó cung cấp các kỹ năng kích hoạt và cổ vũ cho những giá trị nhân văn trong quan hệ công việc ở công sở.

Để vận dụng những bí quyết mà Jill Geisler đưa ra, điều tiên quyết, gần như nền tảng, đó là người làm sếp phải xây dựng cho được một không gian công sở dân chủ.

Jill Geisler là giảng viên kỳ cựu của Viện Poynter; là chuyên gia đứng đầu trong chương trình quản lý và lãnh đạo của viện này. Trước đó, bà lấy bằng cử nhân báo chí Winsconsin và thạc sĩ nghiên cứu lãnh đạo tại trường Đại học Duquesne. Bà điều hành chương trình phát triển quản lý cho nhiều tổ chức truyền thông lớn như The Washington Post, NPR, NBC, Associated Press…
Jill Geisler là giảng viên kỳ cựu của Viện Poynter; là chuyên gia đứng đầu trong chương trình quản lý và lãnh đạo của viện này. Trước đó, bà lấy bằng cử nhân báo chí Winsconsin và thạc sĩ nghiên cứu lãnh đạo tại trường Đại học Duquesne. Bà điều hành chương trình phát triển quản lý cho nhiều tổ chức truyền thông lớn như The Washington Post, NPR, NBC, Associated Press…

Mẫu hình về người làm sếp lý tưởng mà cuốn sách đề xuất, trước hết, đó phải là người biết tôn trọng sự khác biệt trong một môi trường làm việc. Khi biết tôn trọng sự khác biệt, thì sẽ không có chuyện đối xử với nhân viên của mình theo cùng một cách, không coi nhân viên là quân số, mà là tập hợp những cá tính sáng tạo vì mục tiêu chung. Đó là người lấy kiến thức, sự thông thái chứ không phải vị trí quyền lực làm sức mạnh. Jill Geisler nói rằng, quyền lực là cây gậy tạo nên sự căng thẳng không cần thiết, thế nên phải thận trọng khi dùng đến nó; cần đúng nơi đúng lúc và đúng “liều lượng”; càng không nên tự biến mình thành “những bản báo cáo di động” đầy buồn tẻ và đơn điệu.

Nghệ thuật quản trị được tác giả cuốn sách này nhấn mạnh chính là sự thấu hiểu tâm lý, hoàn cảnh của nhân viên – một dạng thức đắc nhân tâm trong môi trường công sở. Khi sếp “tâm lý”, sẽ thiết lập được sự đối thoại, khuyến khích văn hóa trao đổi, tranh luận; khi sếp có kỹ năng ứng xử hài hòa, sẽ giảm thiểu sự cưỡng bức, thay vào đó là sự tự nguyện chia sẻ, huy động được trí tuệ tập thể trong công việc chung, văn hóa nơi làm việc sẽ kỷ luật trong thân thiện… Mục tiêu cuối cùng không chỉ là để đạt hiệu quả công việc tốt, điều quan trọng hơn, đó chính là mọi người được làm việc trong hạnh phúc.

Chương 8 của cuốn sách này bàn rất sâu vào một khía cạnh của làm việc hạnh phúc, đó chính là mỗi người có động cơ thúc đẩy, động lực trong công việc. Trong thể thao và chính trị, một động cơ lớn, hay động lực lớn được gọi là Big Mo. Những nhân viên có Big Mo sẽ là những người có khả năng tự khởi động, háo hức thực hiện công việc chất lượng, quan tâm đến việc giải quyết vấn đề, hạnh phúc và đam mê với công việc chứ không bị đốc thúc bởi kỷ luật hay tiền lương.

“Các sếp giỏi không thúc đẩy nhân viên – họ giúp nhân viên tự thúc đẩy mình” (trang 191). Có hai dạng động cơ thúc đẩy: từ khách quan và từ nội tại. Tác giả viết thêm: “Các sếp giỏi hiểu nhân viên của họ đủ nhiều để nhận định họ làm giỏi việc gì và họ tự hào về cái gì. Những nhà quản lý này nói cho nhân viên biết điểm mạnh của họ và tại sao sự đóng góp của các nhân viên này là quý báu cho cả đội ngũ”.

Khi một nhân viên có Big Mo, anh ta sẽ nói với người khác rằng: “Ở cơ quan, hàng ngày tôi có cơ hội làm việc gì mà tôi làm giỏi nhất”.

Nhiều vấn đề khác của đời sống công sở: làm sao để xả căng thẳng an toàn, làm sao để một nhân viên quản lý sếp, làm sao để những nhân viên trở thành “con người thật” của họ ở nơi làm việc… tất cả được nêu ra kèm theo những lập luận thông minh và thấu đáo, những chỉ dẫn đầy thiết thực – để những người có ý muốn hoàn thiện mình trong công việc quản trị, có khát vọng thay đổi công sở theo hướng năng động, sáng tạo, hiệu quả và hạnh phúc – thì có thể tham khảo và học hỏi.

Ngày nay, thời gian những nhân viên cổ cồn trắng sống với đồng nghiệp, quan hệ công việc ở công sở của mình nhiều hơn với gia đình mình, nên điều kiện ở chỗ làm ảnh hưởng quan trọng lên đời sống tinh thần của họ. Điều quan trọng, cuốn sách giúp cho người đọc hiểu rằng, văn hóa công ty, bản sắc công sở không phải là những khái niệm đóng kín và ổn định, mà luôn cần sự sáng tạo hướng đến tính nhân văn trong phương thức quản trị.

 Nguyễn Huệ Nghi

 (1) Tác giả Jill Geisler, do Nguyễn Ngân Hà dịch, Nguyễn Thị Mộng Xuân hiệu đính, NXB Trẻ, 2014, giá 130.000 đồng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Năm 2023, nửa triệu người phải tiêm vaccine phòng dại, chi...

0
(SGTT) - Thời gian gần đây, số người tử vong do bệnh dại liên tục tăng. Trong 3 tháng đầu năm 2024, cả nước...

Cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo sẵn sàng thông xe...

0
(SGTT) - Cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo dài gần 79km, đi qua 3 tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận đã...

Nhà hàng, quán ăn tự tin sẽ ‘hốt bạc’ dịp 30-4...

0
(SGTT) - Kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 năm nay kéo dài 5 ngày là cơ hội “hốt bạc” cho các chuỗi kinh doanh...

Đầu tư để xử lý nước ở ĐBSCL cần gấp hơn

0
(SGTT) - Mỗi khi mùa hạn mặn bắt đầu xuất hiện, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bước vào quá trình chuyển đổi quản...

Show giải trí truyền hình tăng nhiệt nhờ nền tảng số

0
(SGTT) - Nhờ hoạt động truyền thông, quảng bá trên các nền tảng số, giờ đây các chương trình truyền hình giải trí, gameshow...

TPHCM tăng chuyến xe, chuyến tàu phục vụ người dân dịp...

0
(SGTT) - Dự báo nhu cầu đi lại của người dân trong dịp lễ 30-4 và 1-5 tới đây sẽ tăng cao, Sở Giao...

Kết nối