Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Đầu năm trâu nói chuyện nuôi trâu, nhập khẩu thịt trâu

(SGTT) – Hơn chục năm về trước, muốn ăn trâu nướng ở quán Trâu Đồng Quê trên đường Nguyễn Đức Thuận, phường 13, quận Tân Bình, TPHCM thì thức khách phải đặt bàn trước hoặc có mặt ở quán trước 5:00 chiều, vì sau đó, thường do quán quá đông khách, khó tìm một chỗ ngồi để thưởng thức món trâu nướng sa tế, trâu nướng nước mắm của quán.

Cũng hơn chục năm về trước, đàn trâu trong nước, dù có suy giảm chút ít trước đà phát triển máy móc cơ giới của nhà nông nhưng đàn trâu cả nước vẫn xấp xỉ 3 triệu con thì vài năm gần đây, đàn trâu giảm dần và nay chừng 2,4 triệu con và để đáp ứng nhu cầu thịt trâu, hàng năm các doanh nghiệp nhập khẩu thịt trâu tăng dần mà mấy năm qua, có năm nhập hơn 50.000 tấn thịt trâu.

Nuôi trâu thời không kéo cày

Chăn thả trâu. Ảnh: Hồng Văn

Hình ảnh con trâu đi trước, cái cày theo sau đang vắng bóng dần trong nền nông nghiệp, ở nông thôn, may ra một số vùng còn dùng trâu kéo…xe chở lúa, nông sản. Con trâu không những là một loài vật nuôi hữu ích mà còn có ý nghĩa tinh thần to lớn trong văn hóa của người Việt từ ngàn đời nay. Ngày xưa, trâu nuôi là để kéo cày, trâu cày kéo rất khỏe, là nguồn sức kéo rẻ tiền và tự tái sản xuất khi sinh ra các thế hệ kế tiếp. Trâu cung cấp thực phẩm cho con người, nhất là thịt và sữa. Ngoài ra, phân trâu cung cấp nguồn phân bón và chất đốt hữu cơ; sừng, da, lông trâu cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và thủ công mỹ nghệ…

Giá trị kinh tế của trâu được đánh giá từ việc nó không “cạnh tranh” thức ăn, lương thực với con người và các con vật khác bởi thức ăn của nó chỉ có cỏ, rơm và các phụ phẩm nông nghiệp. Con trâu đi vào ca dao, tục ngữ quá nhiều và quá đủ để nói lên lợi ích của nuôi trâu

Có nhà quản lý còn nói đùa là các nhà nhiếp ảnh nghệ thuật hay sáng tác ảnh chăn trâu trên đồng thì hãy mau mau mà sáng tác bởi rất có thể một ngày nào đó không còn trâu. Nhưng PGS, TS Mai Văn Sánh, nguyên Trưởng Bộ môn Nghiên cứu trâu, Viện Chăn nuôi, người nhiều năm nghiên cứu về trâu lại cho rằng đàn trâu có giảm, nhưng không nhiều.

Những năm gần đây trâu giảm rất ít, cơ bản là giữ được đàn trâu. Một số địa phương giảm nhiều là ở ĐBSCL, còn ở trung du miền núi phía bắc và Bắc Trung Bộ vẫn giữ được đàn trâu, với 56-57% số trâu tập trung ở vùng trung du miền núi phía bắc và hơn 30% ở Bắc Trung Bộ. Có sự không đồng đều đó là do điều kiện địa hình ở miền núi, trung du có nhiều đồng cỏ để chăn thả trâu, còn ở đồng bằng điều kiện không cho phép, đồng thời cơ giới hóa thay thế cho sức trâu trong sản xuất nông nghiệp.

Ông cũng cho rằng trước nhu cầu của thị trường, người nông dân đã phát triển đàn trâu thịt theo hướng chăn nuôi hàng hóa, lấy thịt và phụ phẩm. Bởi vậy số lượng trâu bị giết để lấy thịt nhiều hơn trước trong khi đặc tính sinh sản của trâu chậm, 36 tháng mới sinh sản và thời gian chửa là 10,5 tháng. Số trâu sinh mới không kịp bù cho số trâu đã bị giết thịt khiến lượng đàn trâu bị giảm sụt hơn so với các đàn gia súc khác.

Một đặc tính nữa là khác với heo bò, việc thụ tinh bằng gieo tinh nhân tạo dễ dàng, dễ tăng đàn hay cải tạo giống thì trâu lại khác. Đặc điểm sinh sản của con trâu có động dục thầm lặng, biểu hiện không rõ ràng, rất khó phát hiện trâu động dục để phối, do đó, các cơ quan khuyến nông rất khó khăn để nâng cao tỷ lệ đẻ, tăng đàn trâu.

Trâu dùng để kéo cày, kéo xe gần như hiếm thấy ở nông thôn. Ảnh: Tư liệu

Sẽ không có gì ngạc nhiên khi khá nhiều cửa hàng, quán ăn bán thịt trâu mọc lên ở TPHCM và thực khách khi tới quán Trâu Đồng Quê cũng không cần phải đặt bàn trước do quán đã mở rộng và gần đó cũng có không ít quán bán thịt trâu. Còn trên quốc lộ 1 A, lâu lâu khách đi đường sẽ thấy những chiếc xe tải chở đầy trâu sống chạy theo hướng từ Bắc vào Nam, bởi trâu hiện nay nuôi ở miền Trung trở ra mà thị trường tiêu thụ thịt chính là ở các tỉnh phía Nam.

Theo các tài liệu của Viện Chăn nuôi, trâu Việt Nam có hạn chế là tầm vóc bé, sinh sản và sinh trưởng chậm, khả năng cho thịt thấp, cho sữa thì rất thấp, nhưng lại chịu đựng tốt điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, điều kiện sống kham khổ. Hiện nay, đàn trâu của Việt Nam có giống trâu đầm lầy (hay còn gọi là trâu bản địa) và trong các năm qua, các cơ quan chức năng đã nhập trâu Murrah từ Ấn Độ để lai tạo, cải tạo tầm vóc trâu trong nước.

Các nhà chuyên môn cho rằng trâu lai từ trâu nội địa và trâu Murrah có trọng lượng lớn, tăng trọng nhanh, thích nghi tốt với điều kiện môi trường chăn nuôi theo kiểu của nông dân. Tuy nhiên, nếu như gia súc như heo, bò thì trong nước đã hình thành quy mô nuôi tập trung trang trại, nuôi công nghiệp nhưng trâu thì hiện nay rất hiếm, may ra ở các vùng trung du miền núi có nhiều gia đình nuôi nhiều trâu nhưng vẫn là dạng nuôi chăn thả truyền thống. Nuôi nhốt theo dạng thâm canh, đầu tư cho ăn thức ăn công nghiệp thì quy mô thường nhỏ lẻ.

Trong nhiều tài liệu của các cơ quan khuyến nông, hiện nay nhiều địa phương đang phát triển đàn trâu lai theo hướng cho thịt bán ra thị trường bằng cách giúp nông dân nuôi trâu gieo tinh nhân tạo, có năm lượng tinh gieo tăng lên gần 15.000 liều nhưng đều đó cho thấy, sản lượng trâu lai vẫn chưa nhiều, chỉ quy mô vài ngàn, vài chục ngàn con trâu lai trong tổng số 2,4 triệu con trâu cả nước.

Một hộ nuôi trâu thu nhập cao ở xã Hòa Quang Nam (huyện Phú Hòa) – Ảnh: TBKTSG Online

Xứ nuôi trâu kéo cày nay phải nhập thịt trâu

Đàn trâu trên 60 con của ông Ba Nhu (ngụ xã Phước An, Nhơn Trạch, Đồng Nai) vẫn béo tốt vì được chăm sóc, theo dõi kỹ lưỡng và trâu nuôi không phải để kéo cày, mà bán thịt. Ảnh: Báo Đồng Nai

Hiện nay ngoài các cơ quan chuyên môn nhập khẩu trâu ngoại cho mục đích lai tạo cải thiện tầm vóc cho trâu trong nước, còn doanh nghiệp thì nhập thịt trâu cho nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Vài năm gần đây, số liệu kiểm dịch thịt trâu nhập khẩu của cơ quan thú y cho thấy, lượng thịt trâu nhập đang tăng dần, ước tính trung bình hàng năm chừng 45.000-50.000 tấn mà nguồn cung cấp chủ yếu từ Ấn Độ.

Ấn Độ là quốc gia chăn nuôi trâu phát triển mạnh, nhờ nuôi quy mô lớn nên giá thành thấp, công nghệ mổ xẻ lấy thịt cũng tương tự như mổ heo, mổ bò ở Việt Nam.

Như vậy “đất” cho nuôi trâu lấy thịt của nông dân trong nước vẫn còn rất rộng, bằng chứng ngay tại huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai, dù nhà máy mọc lên, đất bãi chăn thả trâu không còn nhưng ở huyện này có hơn chục đàn trâu mà có mỗi đàn 50-100 con.

Theo bạn Việt Nam có nên phát triển nuôi trâu lấy thịt hay để dành đất cho các ngành nghề khác?

Xem kết quả

Hồng Văn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Nhiều người quan tâm



Cùng chủ đề