Thứ Bảy, Tháng Tư 20, 2024

Dạo chợ… nuôi chim cá cảnh

Gọi là chợ vì ở đây cảnh người mua kẻ bán tấp nập suốt ngày nhưng kỳ thực chẳng phải là chợ hẳn hoi, vì chẳng bảng hiệu, chẳng được công nhận trên giấy tờ… Ấy vậy mà “chợ côn trùng” hay “chợ sâu bọ” này đã tồn tại suốt 15 năm qua, nằm lọt thỏm giữa phố xá đông người ở khu Thuận Kiều, quận 5, TPHCM.

Ngay giữa vòng xoay bao quanh bởi các con đường Thuận Kiều, Tân Hưng và Hồng Bàng, chợ sâu bọ bán đủ thứ thức ăn từ tươi đến khô cho chim cá cảnh, nào dế, cào cào, sâu bé, sâu lớn, rắn liu điu, các loại “lương khô” đóng gói sẵn… Ngay cả vài người bán lẻ những chuồng chim sâu, chích chòe, chào mào… cất tiếng hót ríu rít nghe vui tai.

Chợ bán thứ cho người chơi kiểng

Chợ mở cửa từ 6 giờ sáng đến tận 6 giờ chiều, là địa điểm quen thuộc của những người chơi chim cá cảnh và những khách hàng lấy mối sỉ ở các tỉnh miền Tây và miền Trung.

Chợ sâu bọ bán đủ thứ thức ăn từ tươi đến khô cho chim cá cảnh. Ảnh: Tường Vi
Chợ sâu bọ bán đủ thứ thức ăn từ tươi đến khô cho chim cá cảnh. Ảnh: Tường Vi

Sáng sớm cuối tuần, tôi lân la đến khu chợ này, làm quen chị Mai “Dế”, người bán kỳ cựu đã 15 năm nay ở đây. Chị nói: “Người ta quen gọi tôi là Mai Dế vì tôi chuyên cung cấp sỉ và lẻ dế cho các tỉnh miền Tây, miền Trung và ngay trên địa bàn Sài Gòn này”. Bên cạnh dế, chị Mai còn bán các loại rắn liu điu, cào cào, sâu lớn, sâu nhỏ.

Chị Mai kể, vì chị bỏ sỉ nên không phải ngồi bán từ sáng đến chiều như những bạn hàng xung quanh. Ngay từ buổi chiều hôm trước chị và những người làm thuê của mình đã phải đi bắt các loại côn trùng ở miệt Củ Chi. “Hồi trước tôi cũng bán chim nhưng từ hồi dịch cúm bùng lên, tôi không còn kinh doanh mặt hàng này nữa”, chị Mai nói. Vì bỏ sỉ và cần đến 10 người phụ việc nên vốn chị bỏ ra lúc đầu là 15 triệu đồng, mỗi ngày kiếm lời khoảng vài triệu. Tay chỉ mấy cái thùng giấy đóng gói sẵn, chị Mai nói: “Đây là thùng dế tôi sắp chuyển về cho mối quen ở Châu Đốc nè!”.

Một người khách – mối lẻ của chị Mai vừa chọn mấy bao đựng cào cào, rắn liu điu vừa nói: “Từ 4-5 năm nay, sáng nào tôi cũng tốn ít nhất 15.000 đồng đồ ăn cho mấy con chích chòe, chào mào nhà tôi. Thú chơi cũng hơi tốn một tí”.

Không như chị Mai, chị Oanh, từ Tiền Giang lặn lội lên Sài Gòn kiếm sống bằng cái nghề này hơn một năm nay. Chị Oanh mua lại côn trùng từ bạn hàng rồi bán cho khách lẻ, khách qua đường từ sáng sớm cho đến chiều muộn. Vốn chị bỏ ra 2-3 triệu đồng, mỗi ngày thu lời khoảng hơn 200.000 đồng. Chị Oanh nói: “Tôi bán lẻ nên không cần người phụ. Cũng nhờ bán giá phải chăng nên cũng có nhiều khách quen. Khách của tôi đa phần là trong thành phố, ngày nào cũng ghé mua”.

Chao ôi, để kiếm 
đồng tiền “sạch”!

Để có “sản phẩm” cung cấp cho người nuôi chim cá cảnh, những người đi đánh bắt cũng gặp không ít hiểm nguy. Trong lúc chị Oanh ngồi nói chuyện với tôi, chị Mai “Dế” chạy sang sững sờ: “Chiều tối qua, cái thằng làm thuê cho tao lội qua suối bắt cào cào bị trượt chân té, nước cuốn mất, chết ngắt! Hổm rày, trời mưa quá mà. Tội nghiệp thằng nhỏ nhà nghèo, chết không có tiền, tao với mấy người trong xóm góp tiền làm đám tang cho nó”.

Chị Mai chia sẻ, kiếm được đồng tiền khó lắm vậy mà dạo gần đây, đội trật tự khu vực bắt đầu “nhòm ngó”, họ đến bắt, rồi rượt đuổi mấy người bán ở đây. “Dẫu biết rằng, việc lấn chiếm lề đường là sai luật, nhưng nếu không cho bán mấy thứ này, biết làm nghề gì để kiếm sống đàng hoàng bây giờ!”, chị Mai thổ lộ.

Lời chị nói làm tôi nhớ lần sang Thái Lan, đến thành phố Pattaya nhộn nhịp về đêm, dân Thái buôn bán tràn xuống lòng đường, xe cộ và người đi lại đông nghịt như mắc cửi; song không thấy các đội trật tự đi tuần tra bắt bớ, rượt đuổi mấy người buôn bán trên đường. Hỏi anh Lee, hướng dẫn viên địa phương của đoàn chúng tôi, mới hay rằng, chính quyền Thái Lan luôn tạo điều kiện làm ăn cho những người nghèo. “Họ không đuổi bắt những người bán lấn lề đường như ở Việt Nam các bạn, bởi họ quan niệm rằng, nếu không cho họ bán, biết đâu những người này sẽ làm những việc phạm pháp, cướp của giết người… thì có phải là xấu không”, Lee nói.

Chuyện buôn bán lấn chiếm lề đường tại Việt Nam là câu chuyện dài và mãi chưa tìm được lối thoát. Nói về chuyện này, nhiều người cho rằng cơ quan chức năng cần có một giải pháp nào đó để giải quyết công ăn việc làm cho người nghèo và để họ không phải lấn chiếm lòng lề đường – hành vi vi phạm pháp luật.

[box type=”bio”] Giá cả các loại côn trùng:

Một bao dế 5.000 đồng, một bao rắn liu điu nhỏ 4 con giá 12.000 đồng, một bao rắn lớn 4 con giá 10.000 đồng. Một ki lô gam sâu lớn 150.000- 160.000 đồng, một lon sữa sâu nhỏ 10.000 đồng.[/box]

Minh Nhật

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Muốn bảo vệ chim yến, phải bảo vệ các loại chim...

0
Vừa qua Chính phủ đã ban hành công điện về việc tăng cường ngăn chặn săn bắt trái phép chim yến để bảo vệ...

Ngôi chợ bán thứ mà phụ nữ nhìn e sợ

0
(SGTT) - Chợ côn trùng nằm bên hông Thuận Kiều Plaza (góc đường Hồng Bàng - Tân Hưng, quận 5, TPHCM) nổi tiếng với...

Nuôi chim ở đô thị

0
NGUYÊN VỸ -  Tùy chủng loài mà giá của những con chim cảnh để nuôi chơi tại Sài Gòn hiện phổ biến ở mức vài...

Chợ đặc sản “nhậu”

0
THÀNH HOA - Một ngôi chợ được “mọc” lên bên lề quốc lộ 62 thuộc thị trấn Thạnh Hóa, Long An thu hút khá đông...

Kết nối