Thứ tư, Tháng mười hai 11, 2024

Đa năng như thẻ căn cước

Thẻ căn cước sẽ được cấp cho công dân để thay thế cho nhiều loại giấy tờ cá nhân khác, theo dự thảo Luật Căn cước công dân vừa được Thường vụ Quốc hội thảo luận hôm 14-7-2014.

Thay đổi về hình hài

Căn cước công dân là các thông tin cơ bản về gốc tích, đặc điểm nhân dạng của công dân để xác định một người cụ thể và phân biệt người này với người khác. Vì vậy dự luật Căn cước công dân quy định: “Thẻ căn cước công dân là giấy tờ tùy thân có giá trị chứng nhận căn cước của công dân Việt Nam”. Theo dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Căn cước, thẻ căn cước sẽ được làm bằng chất liệu nhựa (85,6 x 53,98 mm); hai mặt in hoa văn màu xanh nhạt, ngoài cùng có phủ màng nhựa trong suốt; nền mặt trước có hình trống đồng, bản đồ Việt Nam, hoa sen và hoa văn; nền mặt sau chỉ toàn hoa văn.

Nội dung được ghi trong thẻ cơ bản gồm quốc huy, tên nước, tiêu ngữ, ảnh của người được cấp, số thẻ, họ tên, ngày tháng năm sinh, quê quán, dân tộc... ở mặt trước. Những thông tin như vân tay, đặc điểm nhận dạng, ngày cấp... được ghi ở mặt sau của thẻ.

Ngoài ra, bộ phận lưu trữ điện tử được tích hợp trong thẻ còn chứa những thông tin về cá nhân như nơi đăng ký khai sinh, tình trạng hôn nhân, số chứng minh nhân dân, địa chỉ thường trú, nhóm máu, số định danh cá nhân của cha... Riêng đối với người dưới 15 tuổi thì thẻ căn cước không in ảnh, vân tay và ghi đặc điểm nhận dạng của người đó.

Theo dự luật, số thẻ căn cước công dân cũng chính là số định danh cá nhân – mã số công dân gồm 12 số tự nhiên, được xác lập từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an quản lý thống nhất trên toàn quốc. Mã số được cấp cho mỗi công dân Việt Nam và không lặp lại ở người khác. Cụ thể, đối với người sinh từ ngày 1-1-2016, UBND xã, phường, thị trấn cấp số định danh cá nhân cho người đó khi được làm thủ tục khai sinh; đối với người sinh trước hoặc từ ngày 1-1-2016 nhưng chưa được cấp số định danh cá nhân khi đăng ký khai sinh thì được cấp số định danh cá nhân thông qua cấp thẻ căn cước công dân.

Trong tương lai, có thể người dân không cần phải xuất trình nhiều loại giấy tờ tùy thân như giấy khai sinh, giấy chứng minh nhân dân, hộ khẩu, thẻ bảo hiểm y tế... mà chỉ cần dùng thẻ căn cước. Ảnh: Uyên Viễn
Trong tương lai, có thể người dân không cần phải xuất trình nhiều loại giấy tờ tùy thân như giấy khai sinh, giấy chứng minh nhân dân, hộ khẩu, thẻ bảo hiểm y tế... mà chỉ cần dùng thẻ căn cước. Ảnh: Uyên Viễn

Thay thế nhiều loại giấy tờ

Với những thông tin về cá nhân chứa đựng trong thẻ căn cước, theo ban soạn thảo dự luật (Bộ Công an), thẻ căn cước có thể thay thế cho giấy khai sinh, giấy chứng minh nhân dân, hộ khẩu, thẻ bảo hiểm y tế... Vì vậy, dự luật quy định: “Khi công dân xuất trình thẻ căn cước theo yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền thì cơ quan, người có thẩm quyền đó không được yêu cầu công dân xuất trình thêm giấy tờ tùy thân nào khác”.

Một điểm lưu ý nữa là thẻ căn cước cũng sẽ được sử dụng thay cho việc sử dụng hộ chiếu trong trường hợp Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép công dân nước ký kết được sử dụng thẻ căn cước công dân thay cho việc sử dụng hộ chiếu trên lãnh thổ của nhau.

Theo ban soạn thảo, mục đích sử dụng cơ bản của thẻ căn cước là giúp xác định đặc điểm và nhận dạng nhân thân của một con người cụ thể. Bên cạnh đó, thẻ căn cước có thể được ứng dụng vào các mục đích khác nhau: tạo điều kiện cho việc đi lại, giao dịch của công dân; tạo điều kiện cho hoạt động quản lý nhà nước về công dân, phục vụ yêu cầu nghiệp vụ điều tra và góp phần phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm...

Nhiều nước đã làm

Một số quốc gia sử dụng công nghệ thông tin tích hợp thông tin và hệ thống nhận dạng sinh trắc học tiên tiến ứng dụng thẻ căn cước vào nhiều tiện ích khác nhau. Tại Malaysia có thẻ Mykad cấp cho công dân của họ. Chiếc thẻ này tích hợp bốn thẻ bao gồm căn cước, bằng lái xe, thông tin hộ chiếu và thông tin sức khỏe. Hiện Mykad còn được cải tiến tích hợp thêm bốn thông tin điện tử khác là ví điện tử, truy cập ATM, ứng dụng dùng để di chuyển và PKI (sử dụng để giao dịch điện tử). Cụ thể, Mykad được sử dụng như thẻ ATM khi chủ thẻ được mở tài khoản tại ba ngân hàng; dùng như một thẻ tín dụng để thanh toán vé xe buýt, tàu điện ngầm, phí đỗ xe, điện thoại công cộng; thực hiện các giao dịch điện tử nộp, hoàn thuế...

Tại Thái Lan, ngoài những công năng cơ bản thì thẻ căn cước được sử dụng như mã số thuế. Tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức..., thẻ căn cước được sử dụng như thẻ đa năng, cũng cho phép ứng dụng trong các dịch vụ công cộng, hành chính, xã hội... Tuy nhiên, muốn được như thế, vấn đề của Việt Nam hiện nay là phải thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu (điện tử) về căn cước công dân. Thiếu tướng Trần Văn Vệ, Phó tổng cục trưởng Tổng cục VII, cho rằng việc ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật hiện đại để phục vụ công tác quản lý dân cư đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng nên Việt Nam sẽ học được nhiều bài học bổ ích.

[box type="bio"] Box: Hạn sử dụng thẻ căn cước công dân được xác định như sau:

a) Hạn sử dụng thẻ của người dưới 15 tuổi là từ khi cấp thẻ đến khi người đó đủ 14 tuổi;

b) Hạn sử dụng thẻ của người từ 15 tuổi đến dưới 25 tuổi là 10 năm, kể từ ngày cấp;

c) Hạn sử dụng thẻ của người từ đủ 25 tuổi đến dưới 70 tuổi là 15 năm, kể từ ngày cấp;

d) Không xác định hạn sử dụng đối với thẻ của người từ 70 tuổi trở lên.[/box]

Đá Bàn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối