Thứ bảy, Tháng mười hai 14, 2024

Đà Lạt mùa mưa, du khách ‘rủ nhau’ vào rừng thông hái nấm

(SGTT) - Bước vào mùa mưa, nấm tự nhiên mọc lên nhiều trong rừng thông ở Đà Lạt. Không ít du khách và người dân địa phương rủ nhau đi rừng hái nấm, chế biến thành những món ăn ngon.
Nhiều du khách và người dân địa phương đi rừng hái nấm. Ảnh: Hie

Mùa mưa Đà Lạt thường kéo dài từ tháng 5 đến tháng 10 mỗi năm. Sau những cơn mưa dầm, nhiều loại nấm tự nhiên như gan bò, trứng gà, kaki vàng, san hô... sinh sôi nhanh chóng, tách đất vươn lên.

Đi bộ loanh quanh rừng thông, hít thở bầu không khí trong lành, tự tay hái từng cây nấm lớn nhỏ về chế biến nhiều món ăn ngon là hoạt động ngoài trời thu hút nhiều du khách và người dân Đà Lạt vào mùa mưa.

Quy trình hái nấm

Vào buổi sáng, khi những tia nắng đầu ngày rọi qua tán thông, sương bắt đầu tan và thời tiết ấm dần là thời điểm đẹp để đi rừng hái nấm. Hầu hết rừng thông ở Đà Lạt đều có nấm mọc sau mưa với số lượng khác nhau. Một số khu rừng như rừng thông hồ Tuyền Lâm, hồ Suối Vàng, rừng Xuân Thọ... tập trung nhiều loại nấm ngon, có giá trị dinh dưỡng cao.

Hầu hết rừng thông ở Đà Lạt đều có nấm mọc sau mưa. Ảnh: Đạt Lê

Nấm thường mọc len lỏi dưới đất, du khách phải tách từng lớp cỏ dày và đám lá thông rụng, dùng tay cầm nấm xoay theo vòng tròn, hoặc dùng hai ngón tay nắm chắc nấm rồi đẩy dứt khoát về một phía để lấy nấm khỏi mặt đất.

Theo người dân địa phương, trong khoảng 2 tiếng hái nấm thường thu hoạch được 2 – 10kg. Mức giá một ký nấm tươi từ 100.000 đồng, khi phơi khô sẽ có giá từ 800.000 đồng. Tuy nhiên, đa số du khách chỉ nên hái khoảng 2 – 3kg để tránh lãng phí và mang về chế biến nhiều món hấp dẫn như hấp gà, xào tỏi, nhúng lẩu, nấu canh, làm nhân bánh xèo...

Nấm rừng có thể chế biến nhiều món hấp dẫn. Ảnh: Kỳ Duyên Travel

Dành ra một ngày lang thang khắp rừng thông, hít thở không khí trong lành, thoang thoảng mùi nhựa thông và săn tìm những cây nấm to tròn mang đến cho du khách trải nghiệm đáng nhớ cùng cảm giác thư giãn.

Tour hái nấm

Nếu muốn tự trải nghiệm hái nấm như người bản địa, du khách có thể nhờ chủ khách sạn, homestay nơi mình lưu trú liên hệ với người hiểu biết về nấm, chuyên đi rừng tại Đà Lạt. Người hướng dẫn này sẽ đến tận nơi lưu trú đón du khách và đưa đến rừng thông để hái nấm.

Người hướng dẫn này sẽ đến tận nơi lưu trú đón du khách và đưa đến rừng thông. Ảnh: Hie

Ngoài ra, tại Đà Lạt hiện có một vài đơn vị chuyên cung cấp tour đi rừng hái nấm là Kỳ Duyên Travel và Tripee.

Theo đó, tour “Băng rừng hái nấm” của Kỳ Duyên Travel có mức giá 1 triệu đồng/người lớn và 500.000 đồng/trẻ em, bao gồm xe máy di chuyển, nước suối, áo mưa và bữa ăn sáng, trưa. Tham gia tour, du khách được tự tay hái nấm dưới sự hướng dẫn của người bản địa.

Số nấm hái được du khách tự do mang về hoặc chế biến cùng thịt gà nướng và thưởng thức ở một không gian gần rừng.

Đà Lạt hiện có một vài đơn vị uy tín chuyên cung cấp tour đi rừng hái nấm. Ảnh: Kỳ Duyên Travel

Tour “Về rừng hái nấm” của Tripee có mức giá từ 500.000 đồng/người. Trong tour, du khách sẽ được khám phá rừng, hái nấm và di chuyển về nhà của một người dân địa phương gần bìa rừng để chế biến nấm và thưởng thức cơm trưa cùng người dân.

Lưu ý khi đi hái nấm

Nếu chưa có kinh nghiệm hái nấm và phân biệt nấm, du khách nên đi cùng người dân địa phương hoặc đi theo tour. Tránh trường hợp hái nhầm nấm không ăn được.

Du khách thường hái nấm gan bò, nấm trứng gà, nấm kaki vàng,... khi đến rừng thông. Ảnh: Nguyệt Âu

Du khách cần đeo găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với những loại nấm lạ, chưa rõ về độc tính; chuẩn bị gậy leo núi, giỏ đựng nấm, dụng cụ sơ cứu để quá trình hái nấm diễn ra thuận lợi.

Ngoài hái nấm, du khách có thể khám phá khu rừng. Ảnh: Kỳ Duyên Travel

Du khách nên mang giày thể thao có độ bám tốt hoặc ủng dài vì rừng sau mưa thường trơn trợt và chọn quần áo dài, thoa thuốc chống côn trùng trước khi vào rừng.

Như Trúc

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối