Thứ Hai, Tháng Sáu 17, 2024

Cù Lao Chàm và những ‘dấu ấn xanh’

A.I
(SGTT) – Tại buổi lễ kỷ niệm 15 năm Cù Lao Chàm – Hội An được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới, những câu chuyện về việc phát triển cù lao này theo hướng xanh, bền vững đã được kể.

Những câu chuyện này được “dệt” nên bởi chính người dân Cù Lao Chàm, dưới sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và chính quyền địa phương suốt 15 năm qua trong nỗ lực biến nơi đây thành một “cù lao xanh”.

Người dân trên Cù Lao Chàm cam kết không có rác thải từ trên bờ xuống dưới biển. Trong ảnh là một góc trên Cù Lao Chàm. Ảnh: Nhân Tâm

Không túi ni lông và tuần hoàn rác thải

Năm 2009, Cù Lao Chàm trở thành địa phương đầu tiên trên cả nước phát động chiến dịch “Nói không với túi ni lông”. Đến năm 2018, Cù Lao Chàm tiếp tục là địa phương đi đầu trong việc triển khai cam kết cộng đồng “Nói không với ống hút nhựa”.

Hàng loạt các chương trình truyền thông, giáo dục kết hợp với sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan và sự đồng thuận của người dân nhằm giảm thiểu rác thải nhựa đã được triển khai đều đặn trong suốt 15 năm qua.

Theo đại diện Ban Quản lý Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới Cù Lao Chàm – Hội An, việc triển khai thực hiện thành công các chương trình, chiến dịch không sử dụng túi ni lông, nhựa dùng một lần và tuần hoàn rác thải đã góp phần làm cho môi trường xanh, sạch, đẹp. Từ đó, tạo tiếng vang và lôi cuốn sự tò mò của các du khách đến tham quan, học tập, tạo nên một điểm nhấn đẩy mạnh hoạt động du lịch sinh thái ở Cù Lao Chàm.

Từ những bước đầu tiên của chiến dịch nói không túi ni lông còn có rất nhiều nỗ lực, sáng kiến cho những giải pháp xử lý, quản lý rác thải bền vững. Trong đó, mô hình tuần hoàn rác thải được biết đến trong thời gian gần đây là “Cơ sở phục hồi tài nguyên MRF”. Đây là nơi thu gom, xử lý tại chỗ rác thải hữu cơ, tạo các sản phẩm tái chế phục vụ đời sống nhân dân như phân bón, nước tẩy rửa… đã tạo nên một vòng tuần hoàn của rác, hướng đến bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước và tiêu dùng xanh.

Người dân cùng tham gia quản lý tài nguyên

Tiểu khu đồng quản lý bảo tồn biển Bãi Hương là đơn vị đầu tiên trên cả nước được UBND tỉnh Quảng Nam trao quyền quản lý và sử dụng mặt nước biển với khoảng 19,05km². Qua 13 năm hình thành, môi trường và nguồn lợi của tiểu khu ngày càng được giữ gìn, bảo vệ, cảnh quan sạch đẹp nhờ vào sự đồng thuận của người dân.

Khu vực bãi Hương trên Cù Lao Chàm nhìn từ trên cao. Ảnh: Nhân Tâm

Theo đó, thu nhập người dân được nâng cao đáng kể, đời sống được cải thiện. Hoạt động khai thác thuỷ sản trong phạm vi tiểu khu đã được kiểm soát chặt chẽ từ số lượng phương tiện cho đến công suất tàu thuyền, chủng loại ngư cụ, kích thước mắt lưới, đối tượng khai thác…

Từ thành công của tiểu khu Bãi Hương, mô hình đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại khu vực biển Rạn Bà Đậu, xã Tam Tiến, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam được ra đời. Việc nhân rộng mô hình này thể hiện tinh thần tự chủ của địa phương và cộng đồng, chia sẻ trách nhiệm và phối hợp cơ quan quản lý trong việc gắn với hệ thống bảo vệ nguồn lợi thủy sản quốc gia.

Cụ thể, người dân từ chỗ bắt rùa, thu trứng rùa để ăn thì đến nay tất cả đã chung tay, góp sức trong công cuộc bảo vệ, tái phục hồi loài bò sát cổ quý hiếm này. Tương tự, san hô từ chỗ bị khai thác để làm cảnh, làm vật liệu xây dựng thì đến nay được nâng niu, bảo vệ bởi chính người dân xã đảo trong sự hỗ trợ của khu bảo tồn, các nhà khoa học và chính quyền thành phố Hội An. Từ chỗ cua đá bị khai thác không kiểm soát, thì đến nay nguồn lợi này đã được quản lý, khai thác, bảo tồn một cách hiệu quả, văn minh với sự vào cuộc của nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân địa phương.

Chăm sóc rạn san hô dưới biển tại Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm – Hội An. Ảnh: Quốc Tuấn

Được biết, ngoài việc phục hồi san hô cứng với hàng chục ngàn nhóm san hô, trong 5 năm qua, có 600 cấu trúc rạn san hô nhân tạo đã được thiết lập tại 5 khu vực, trong đó 4 khu vực bao xung quanh Rạn Mành và một khu vực tại Bãi Xếp. Mô hình này giúp tạo tính kết nối sinh thái giữa sinh cảnh tự nhiên là các rạn san hô và thảm rong biển với khu vực rạn nhân tạo, góp phần tạo thêm môi trường sống, các bãi đẻ và ương giống các loài sinh vật biển, thúc đẩy quá trình phục hồi nguồn lợi tự nhiên tại vùng.

Đặc biệt, 50 khối rạn được bố trí tại Bãi Xếp tạo thành phức hợp san hô – rong nhằm gia tăng khả năng tái tạo nguồn lợi. Đồng thời hỗ trợ cộng đồng phát triển dịch vụ du lịch sinh thái, giảm áp lực lên các hệ sinh thái tự nhiên trong khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm.

Những “dấu ấn xanh” khác

Nghề đan võng ngô đồng được coi là một nghề thủ công đặc biệt, đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ, kiên trì của người đan, đồng thời ​​tiêu biểu cho đời sống văn hóa đặc sắc của người dân Cù Lao Chàm. Cách đây hơn 300 năm về trước, các cư dân sinh sống tại đây đã biết dùng thân cây ngô đồng tước thành sợi mỏng, quay tròn rồi đan thành võng. Tạo ra những chiếc võng ngô đồng mềm mại, ấm vào mùa đông và mát về mùa hè. Trong thời gian gần đây, nghề đan võng ngô đồng đã thu hút nhiều khách đến trải nghiệm và mua sản phẩm.

Ngoài ra, trồng thêm được hơn 20 héc-ta rừng dừa nước tại khu vực hạ lưu sông Thu Bồn (vùng đệm của khu sinh quyển), xây dựng được lực lượng tình nguyện viên bảo vệ rùa biển tại Cù Lao Chàm, thiết lập và vận hành nhiều mô hình đong đầy (tái sử dụng – tái nạp đầy) và xây dựng và vận hành mô hình phục hồi tài nguyên rác thải… là những “dấu ấn xanh” khác của khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm trong nhiều năm qua.

Có thể nói, cộng đồng chính là người tư vấn cho Cù Lao Chàm trong việc liệt kê, định danh và xác định các giá trị tài nguyên thiên nhiên từ các loài động, thực vật trên rừng, dưới biển.

Các cá nhân và tập thể được vinh danh vì có đóng góp vào phát triển bền vững của Cù Lao Chàm tại buổi lễ kỷ niệm 15 năm Cù Lao Chàm – Hội An được UNESCO công nhận là dự trữ sinh quyển thế giới tối ngày 23-5. Ảnh: Nhân Tâm

Từ hiểu biết của mình về tài nguyên, người dân đã tham gia thảo luận, đề xuất phân vùng chức năng của khu bảo tồn biển tại Cù Lao Chàm và ba phân vùng chức năng của khu sinh quyển. Trong quá trình vận hành, cộng đồng chính là người làm bảo tồn hiệu quả nhất vì họ nhận thức được rằng tài nguyên chính là nguồn sống của họ.

Trải dài từ thành phố Hội An – vùng hạ lưu sông Thu Bồn đến tận quần đảo Cù Lao Chàm, khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An có tính đa dạng sinh học cao, đại diện đầy đủ các kiểu hệ hệ sinh thái đặc trưng, như rạn san hô, cỏ biển, rong biển, vùng đáy mềm, rừng ngập mặn, vùng cửa sông, đất ngập nước, vùng triều bờ đá, bãi biển, rừng thường xanh nhiệt đới…Các hệ sinh thái này được trải dài dọc theo các nhánh sông từ phố cổ, vùng ven biển ra đến quần đảo Cù Lao Chàm đã bao bọc và mang lại cho Hội An sự giàu có về tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên nhân văn, tạo ra các dịch vụ sinh thái, là tiền đề cho sự phát triển kinh tế – xã hội của thành phố.

Nhân Tâm

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Hội An tổ chức Festival biển cuối tuần này

0
(SGTT) – Festival biển “Hội An - Cảm xúc mùa hè” sẽ diễn ra trong hai ngày 15 và 16-6, khởi đầu cho mùa...

Hội An: Tổ chức tham quan làng mộc Kim Bồng

0
(SGTT) - Ngày 1-6, tại xã Cẩm Kim, UBND thành phố Hội An đã tổ chức khai mạc “Phiên chợ khởi nghiệp - Tiêu...

Con đường lọt top ‘đẹp nhất thế giới’ ở Hội An

0
Tạp chí chuyên về kiến trúc Architectural Digest của Mỹ vừa bình chọn 71 con đường đẹp nhất thế giới, trong đó có đường...

Cơ hội để du lịch miền Trung xích lại gần nhau...

0
(SGTT) - Với những thay đổi trong vận hành du lịch hiện tại, các điểm đến tại miền Trung có thể hiện thực hóa...

Hội An vào top điểm đến hàng đầu thế giới để...

0
Tạp chí Time Out của Anh vừa đề xuất 13 điểm đến hấp dẫn hàng đầu trên thế giới để đi du lịch vào...

Ngắm Hội An qua ‘Góc nhìn trẻ’

0
(SGTT) - Triển lãm ảnh "Hội An - Góc nhìn trẻ" mang đến cho người xem những tác phẩm nghệ thuật lấy cảm hứng...

Kết nối