Thứ Ba, Tháng Mười 8, 2024

Cư dân có nhà gần nơi phong tỏa vì dịch Covid-19 nên làm gì?

(SGTT) – Hiện nay, người dùng mạng xã hội facebook thường đăng tải câu nói đùa nhưng cũng chính là điều ước giản đơn của nhiều người: “Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy, y tế phường chưa tới để giăng dây”. Lo lắng, hoang mang, hoảng sợ có thể là tâm lý của một số người khi sinh sống gần những khu vực bị phong tỏa. Nhiều người đặt ra câu hỏi nếu ở gần bên khu vực phong tỏa, cách ly thì phải chuẩn bị những gì để đề phòng khu vực đang sinh sống cũng bị “giăng dây”.

Cập nhật thông tin liên tục và tự giác khai báo y tế

Anh Võ Đức Tình ở quận 10, TPHCM cho biết khu vực gia đình anh đang sinh sống khá gần nhiều địa điểm đang bị phong tỏa tạm thời và khoanh vùng cách ly vì dịch Covid-19.

Hiện tại liền kề nhà anh có đến 3 địa điểm đang được phong tỏa. Đặc biệt hơn có một khu vực chợ là nơi anh đến mua hàng mỗi ngày. Ban đầu anh Tình cũng chưa biết phong tin khu chợ được phong tỏa, chỉ sau khi được hàng xóm thông báo thì anh càng thêm lo lắng.

Từ khi biết được thông tin, anh đã tìm hiểu kỹ hơn về khung giờ, thời gian ca nghi nhiễm để xác định xem có trùng với thời điểm mình đến khu vực đó hay không để có phương án xử lý.

Khu chợ gần nhà anh Tình đang được cách ly, phong tỏa tạm thời. Ảnh: Minh Hoàng

“Sau khi mình xác định được bản thân đến khu vực chợ khác với khung giờ lực lượng chức năng tìm nên không thuộc diện phải khai báo y tế để xét nghiệm Covid-19 và thực hiện cách ly mình cảm thấy an tâm”, anh Tình nói.

Sau đó, anh bắt đầu thường xuyên cập nhật tình hình ca nghi nhiễm hay ca nhiễm hơn đặc biệt là những khu vực gần nhà thông qua tin tức và bản đồ Covid-19. Theo anh Tình, có thể nơi ở của bản thân sẽ trở thành địa điểm phong tỏa bất ngờ do diễn biến phức tạp của dịch nên mình đã chuẩn bị một ít đồ khô cần thiết để có thể sử dụng vì sẽ không ra ngoài được. Đồng thời, bổ sung các loại thực phẩm tăng sức đề kháng, tự theo dõi sức khỏe của bản thân và hạn chế gặp người ngoài nhiều nhất có thể.

Tương tự, chị Huỳnh Anh ở quận 3, TPHCM cho hay khi đang trên đường đi làm về thì thấy con hẻm gần nhà được lực lượng chức năng phong tỏa. Cư dân bên trong đang được tập trung để lấy mẫu xét nghiệm. Sau đó, qua tin tức chị đã biết được tiếp tục có thêm 2 con hẻm gần đó bị phong tỏa nên càng thêm lo sợ.

“Công việc có tính chất đặc thù riêng mình không thể làm việc tại nhà nên cũng khá lo lắng nhưng mình nghĩ quan trọng nhất vẫn là phải giữ bình tĩnh và xem xét lại các tiếp xúc gần đây cũng như lịch trình của bản thân. Nếu bản thân có tiếp xúc gần với ca nhiễm hay nơi mình ở cách ly phong tỏa thì nên sẵn sàng làm theo hướng dẫn của lực lượng chức năng tại chỗ để có thể khoanh vùng và phòng dịch tốt hơn cho bản thân và cộng đồng”, chị Huỳnh Anh nói.

Ngoài ra, chị cho rằng cũng nên thông báo đến những người mà bản thân vừa tiếp xúc để mọi người hạn chế tiếp xúc với những người khác cho đến khi có thông tin chính xác từ phía cơ quan chức năng.

Sẽ bất ngờ nhưng đừng hoảng sợ

Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị qua điện thoại, chị Trần Thuận Hải ở TP Thủ Đức cho biết do trước đó chị Hải đã tự cách ly tại nhà từ khi ca nhiễm cộng đồng được phát hiện ở chung cư gần nhà. Sau đó, số ca nhiễm tăng lên nhiều, xung quanh chị có một số chung cư cũng bị cách ly nên chị và gia đình cũng đã chuẩn bị tinh thần.

"Tuy nhiên, do có công việc đột xuất nên mình chưa thể chuẩn bị các nhu yếu phẩm cần thiết, chỉ nghĩ là hôm sau sẽ ghé tiệm tạp hóa mua, nhưng bất ngờ trong tối hôm đó, chung cư của mình cũng đã bị phong tỏa do có ca nhiễm Covid-19", chị Hải nói.

Các nhu yếu phẩm được chị Hải đặt mua trên mạng. Ảnh: NVCC

Tình huống hoàn toàn bất ngờ, mặc dù chưa chuẩn bị kịp đồ dự trữ nhưng chị cũng đã chủ động đặt hàng trên trên mạng qua các ứng dụng mua hàng của các siêu thị để ứng phó với dịch.

Dù vậy, nhưng có những lúc hệ thống bị treo do quá tải nên có khi chị cũng không thể mua được hàng. Tuy nhiên, ban quản trị chung cư của chị cũng đã có các phương án giúp đỡ mua dùm cư dân và những hàng xóm chung tầng cũng chia sẻ khó khăn chung với nhau nên gia đình chị cũng không phải lâm vào hoàn ngặt nghèo.

"Theo kinh nghiệm của bản thân mình để đề phòng khi khu vực sinh sống bị phong tỏa, mỗi gia đình nên chuẩn bị sẵn những thứ nhu yếu phẩm mà cần đích thân đi mua như thuốc uống của người có bệnh mãn tính hoặc thuốc của phụ nữ, em bé... Bởi vì thuốc không thể đặt hàng online mà phải có toa của bác sĩ hoặc phải đến khám tại nơi bán", chị Hải chia sẻ.

Cư dân tại chung cư nới chị sinh sống được xét nghiệm Covid-19. Ảnh: NVCC

Chị Hải cho rằng khi cách ly tại nhà vẫn sẽ an toàn, thoải mái hơn so với việc phải cách ly tập trung và chi phí cũng sẽ thấp hơn. Chị Hải nói thêm, khi bị cách ly, phong tỏa tại nhà, mọi người nên giữ tâm trạng thỏa mái dù sẽ hơi bất ngờ. Tuy nhiên, đây là cách tốt nhất để mỗi cá nhân bảo vệ chính bản thân, gia đình và xã hội vì không thể lường trước sự diễn biến của dịch khi mà các ca nhiễm đang ngày càng gia tăng.

"Do gia đình mình ở chung cư nên tinh thần cũng khá thỏa mái, vì có hàng xóm, có các group chung cư cùng chia sẻ, hỗ trợ nhau. Đặc biệt, theo mình mọi người không nên trốn cách ly, vì như vậy rất nguy hiểm cho bản thân và xã hội", chị Hải chia sẻ.

Bên cạnh đó, mọi người cần sắp xếp công việc và lịch sinh hoạt cho phù hợp với hoàn cảnh hiện tại. Đối với người làm việc tại nhà thì khó hơn là phải vừa làm việc vừa phải làm các công việc nội trợ nhưng chỉ cần tính toán "thời gian biểu" hợp lý là mọi thứ sẽ dần trở nên bình thường hơn.

Minh Hoàng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Sau ca đậu mùa khỉ đầu tiên, HCDC cảnh báo nguy...

0
Theo đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), sau khi phát hiện ca mắc đậu mùa khỉ đầu tiên tại TPHCM,...

TPHCM ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên

0
Thông tin từ Sở Y tế TPHCM cho biết thành phố đã phát hiện ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên. Hiện ca bệnh...

Người nhập cảnh nghi ngờ hoặc mắc đậu mùa khỉ sẽ...

0
(SGTT) - Theo đại diện của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), khi nhập cảnh từ vùng có dịch hoặc không có...

Kích hoạt đo thân nhiệt tại cửa khẩu để giám sát...

0
Hiện nay, Việt Nam chưa ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, để phát hiện sớm các ca bệnh, Bộ Y tế...

Bàn chuyện có nên cách ly tập trung khi mắc đậu...

0
(SGTT) - Để tránh tình trạng lây lan rộng bệnh đậu mùa khỉ, việc cách ly tối thiểu 14 ngày là điều cần thiết....

Nhiều địa phương vẫn cách ly người đến từ TPHCM

0
(SGTT) - Lai Châu, Bình Định là những địa phương vẫn áp dụng biện pháp cách ly, theo dõi y tế đối với người...

Kết nối