Thứ năm, Tháng mười hai 12, 2024

Cộng đồng chung tay trồng thêm 10 ha rừng ngập mặn tại Sóc Trăng

(SGTT) - Dự án Forest Symphony thuộc chương trình Hạnh phúc Xanh do Quỹ Sống bền vững triển khai tiếp tục thực hiện chiến dịch “Trồng rừng vững đất” năm 2023. Với thông điệp “một cây khỏe, triệu người vui”, chiến dịch kêu gọi cộng đồng chung tay trồng thêm 10 ha rừng mới (tương đương 44.000 cây) tại tỉnh Sóc Trăng trong năm 2023 và cùng nhau hướng đến mục tiêu phủ xanh 50 ha rừng ngập mặn trong 5 năm.

Trước đó, từ năm 2021 đến 2022, hơn 81.400 cây mấm, bần đã được chương trình Hạnh phúc Xanh triển khai trồng thành công tại khu vực bãi bồi ven biển xã Lạc Hòa, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng.

Bên cạnh đó, chương trình vẫn tiếp tục duy trì chăm sóc, giám sát và bảo vệ 18,5 ha rừng cũ, đồng thời tuyên truyền, giáo dục nhận thức cộng đồng địa phương trong việc trồng và bảo vệ rừng ngập mặn.

Báo cáo dự án tháng 12-2022 đã ghi nhận, hoạt động trồng và chăm sóc rừng trồng năm 2021 (8,5 ha) có tỷ lệ sống đạt 80% và rừng trồng năm 2022 (10 ha) có tỷ lệ sống đạt 92% (tính đến thời điểm tháng 11-2022). Đây đều là những chỉ số rất cao, bởi ngay từ khi triển khai, trong từng khâu chọn lựa cây giống, trồng và chăm sóc cây trồng, những người thực hiện dự án đều có sự cân nhắc và tính toán kỹ lưỡng phương thức thực hiện.

Tiến sĩ lâm nghiệp Trương Văn Vinh, Cố vấn kỹ thuật dự án Forest Symphony tại Sóc Trăng, cho biết: “Một cánh rừng khỏe là một cánh rừng có khả năng cung cấp các dịch vụ sinh thái như: tạo sinh kế cho cộng đồng người dân sống phụ thuộc vào rừng; bảo vệ và ngăn chặn những tác động của thiên nhiên như bão lũ, sóng biển, sạt lở đường bờ… đến đời sống của cộng đồng; tạo môi trường sống trong lành, giữ và lọc nước; bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể của cộng đồng người dân địa phương”.

Hệ thống tường rào mềm hai lớp bằng tre bao quanh khu vực trồng được gia cố hằng năm. Ảnh: Thế Anh

“Trồng rừng đã khó, bảo vệ rừng còn khó gấp vạn lần”, vì vậy sau khi trồng, dự án đã triển khai chăm sóc rừng một cách sát sao. Cứ đều đặn 2 ngày/lần, hai nhân công sẽ tiến hành chăm sóc rừng: gỡ rác vướng vào cây, dựng lại cây nếu cây bật gốc, buộc lại cọc chống, và bổ sung thêm cọc nếu cọc bị cuốn trôi, gãy.

Với những cây phát triển tốt nhưng bị tác động nhiều bởi sóng, gió, sẽ được tiến hành tỉa bớt cành lá để giảm bề mặt tác động. Vào giai đoạn cao điểm như ảnh hưởng bão, biển động, mùa gió chướng, dự án gia tăng việc chăm sóc hằng ngày, số lượng nhân công sẽ tăng lên 3-4 người, đồng thời tăng tần suất chăm sóc rừng.

Để bảo vệ cây trồng, ngoài việc mỗi cây được chống ba cọc le, dự án còn xây dựng hệ thống tường rào mềm hai lớp bằng tre bao quanh khu vực trồng. Tường rào cũng được gia cố hằng năm để tăng tuổi thọ và đảm bảo chức năng bảo vệ rừng. Mỗi sáu tháng kể từ thời điểm trồng, dự án tiến hành đo sinh trưởng của cây trồng để theo dõi tốc độ sinh trưởng của rừng.

Hạnh Phúc Xanh còn chủ động thực hiện các nghiên cứu và thử nghiệm khoa học nhằm gia tăng hiểu, biết của cộng đồng về vai trò của rừng ngập mặn, đánh giá được tác động của dự án tại khu vực triển khai.

Dự án còn thực nghiệm giải pháp phun chế phẩm sinh học NOLASUB cho cây con vào giai đoạn đầu mới trồng giúp cây con được bén rễ và bám đất sớm, giảm bớt tác động của sóng, gió gây bật gốc, cuốn trôi; ứng dụng các mô hình, giải pháp mới như lắp đặt hệ thống quan trắc thời tiết tại ấp Đại Bái, xã Lạc Hòa giúp theo dõi tình hình thời tiết tại khu vực, từ đó có cách ứng phó nhanh chóng và tăng hiệu quả trong hoạt động trồng và chăm sóc rừng.

“Lợi ích rừng ngập mặn thật sự rất to lớn. Bản thân tôi theo học ngành Lâm nghiệp, cùng với những tầm nhìn, mục tiêu của Quỹ Sống và chương trình Hạnh phúc Xanh, tôi ý thức rõ việc trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng phải được triển khai thật hiệu quả, đúng quy trình, minh bạch kết quả. Muốn “trồng rừng, vững đất”, chúng tôi phải luôn tìm cách tối ưu quy trình, ứng phó với những rủi ro thiên nhiên thật hiệu quả, tích cực thử nghiệm những ý tưởng mới”, ông Ngô Văn Bắc, điều phối viên dự án Forest Symphony tại Sóc Trăng, cho biết.

Đinh Nam

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối