CHÍNH PHONG -
Cách đây tròn 500 năm, các nhà quý tộc vùng Bavaria đến thị trấn nhỏ xinh Ingolstadt bên bờ sông Danube (Đức) và đưa ra một đạo luật có hiệu lực cho đến ngày nay, đạo luật tinh khiết (purity law) mang tên Reinheitsgebot, quy định nguồn nguyên liệu sản xuất bia chỉ gồm hoa houblon, nước và lúa mạch.
Mỗi năm, lễ hội bia Oktoberfest tiêu thụ 6,5 triệu lít bia. Oktoberfest được tổ chức hàng năm tại Munich, bắt đầu từ năm 1810.
Sau này, tất nhiên cũng có một vài điều chỉnh, ví dụ như men bia được chấp nhận vào thế kỷ 17, nhưng người Đức vẫn tôn sùng đạo luật tinh khiết của họ trong cách thức làm bia. “Đó là đạo luật cổ xưa nhất quy định về thực phẩm vẫn còn giá trị cho đến ngày nay, và đó là công cụ tiếp thị tốt đối với người Đức”, Gerd Treffer, nhà lịch sử ở Ingostadt, nhận xét.
Nhưng ngay cả khi nước Đức tổ chức hàng loạt sự kiện trải dài suốt năm nay để mừng Reinheitsgebot 500 tuổi thì vẫn có một vài người thờ ơ. Theo Alexander Grau, cây bút bình luận trên tờ nguyệt san chính trị văn hóa Cicero kêu gọi hủy bỏ luật, cho rằng đó là chiêu thức tiếp thị chứ không phải bảo vệ người dùng. “Người Đức cứ níu kéo nó mãi như một báu vật”, ông viết.
Nhiều người cho rằng quy định nghiêm ngặt của Reinheitsgebot dẫn đến sự biến mất của nhiều loại bia truyền thống khác như bia trái cây, cản trở bia Đức ra thế giới. Tháng 12-2015, các nhà làm bia vùng Bavaria kêu gọi Hiệp hội Bia Đức thay đổi Reinheitsgebot cho phép bia được có thêm nhiều thành phần khác nhưng chưa được chấp nhận.
Một trong những người hy vọng có sự thay đổi là Greg Koch, 52 tuổi, mở nhà nấu bia Stone Brewing ở hạt San Diego (California, Mỹ) năm 1996. Với quy định của Reinheitsgebot, bia của Koch được nấu thủ công ở Berlin thậm chí không được gọi là bia Đức. Koch rời Đức để tìm miền đất mới một phần vì thấy văn hóa tiêu thụ bia tại Đức bắt đầu trì trệ.
“Bia bây giờ người ta uống ở những nơi náo nhiệt như vườn bia, chứ không uống ở những nơi cổ kính chậm rãi nữa. Thời nay có một thứ liên kết mới người ta gọi là TV bia, vừa uống bia vừa xem truyền hình giải trí”, ông nói. Để chứng minh, Koch cho biết San Diego có 3,2 triệu dân, có hơn 1.000 quán bar và nhà hàng có 10 vòi bán bia trở lên, trong khi Berlin có 3,5 triệu dân nhưng chỉ có 15 quán bar và nhà hàng có 10 vòi bán bia trở lên.
Ở trong nước Đức, ngược với Koch, nhiều người ủng hộ Reinheitsgebot. “Đó là nhãn hiệu giá trị của Đức mà chúng tôi cần giữ gìn”, Josef Pfaller, chủ nhà bia ở Herrnbrau có từ năm 1471 và là một trong 30 nhà nấu bia ở thị trấn có 140.000 dân này nói.
81 triệu người Đức tiêu thụ bia trên đầu người hơn bất kỳ nước nào trên thế giới, ngoại trừ người láng giềng Séc (Czech). Đức có 1.250 nhà nấu bia, một nửa trong số đó nằm ở bang Bavaria.
Pfaller đang trông nom cơ sở có 80 công nhân, máy móc cả hiện đại lẫn cổ xưa để sản xuất 27.000 chai bia mỗi ngày làm việc 8 giờ đồng hồ. Sự phối hợp giữa truyền thống và hiện đại là đặc trưng cơ bản của các Mittelstand, tức là các công ty cỡ vừa, vốn là xương sống cho sự phát triển kinh tế của Đức. Trong khi các kỹ sư tìm cách đưa công nghệ thế kỷ 21 vào cách làm bia thủ công thì Pfaller thử nghiệm các loại mùi vị để đáp ứng thị hiếu cho từng lứa tuổi.
Ông nhận ra, những người trẻ thích uống loại bia nhẹ hơn những người ngoài 40 tuổi, ông cho ra loại bia Panther Weissbier, sử dụng lúa mì vốn bị cấm trước đây. “Chúng tôi thực hiện sự điều chỉnh trong luật tinh khiết Reinheitsgebot, chú ý tập trung vào những chi tiết nhỏ sẽ tạo ra những loại bia khác nhau”, Pfaller nói. Đặc biệt là nguồn nước, Pfaller cho rằng khoan sâu 250 m, ông lấy được nguồn nước có 8.000 năm tuổi.
Ngay cả với luật tinh khiết thì tinh khiết chỉ là khái niệm tương đối. Viện môi trường thành phố Munich gây ra một cuộc tranh cãi vào tháng 2 năm nay khi họ công bố thử nghiệm của họ: 14 loại bia bán chạy nhất nước Đức đều có dấu hiệu của glysophat, chất trong thuốc diệt cỏ, gây ung thư. Để bảo vệ người dùng, theo Sophia Guttenberger, nhà sinh học tham gia cuộc thử nghiệm cho rằng nên cấm glysophat hơn là tổ chức lễ kỷ niệm 500 năm ngày ra đời luật tinh khiết.