Thứ sáu, Tháng năm 9, 2025

Con bò trôi trên sông Ba

Hồng Ngọc -

Hình ảnh chiếc cần cẩu trên cầu Đà Rằng cẩu từng con bò bị cuốn trôi trên sông Ba đoạn chảy qua Tuy Hòa, Phú Yên cuối tháng 12 này được báo đăng và sau đó khá nhiều người dẫn lại và bình luận trên mạng xã hội vì cho là hình ảnh đẹp, cảm động trong mưa lũ vừa qua.

Hình ảnh đó phần nào phản ảnh thực tế là chăn nuôi bò ở Phú Yên phát triển mạnh trong nhiều năm qua, dọc theo các dòng sông. Từ chỗ tỉnh này xem con bò như một phương cách xóa đói giảm nghèo, dần dà nuôi bò trở thành nguồn thu nhập quan trọng của nông dân sau trồng lúa, với cách nuôi “thúc” (vỗ béo) để cung cấp bò cho thị trường thịt. Từ chỗ đàn bò của Phú Yên chỉ dùng cho cày kéo, số lượng không nhiều, đã chuyển dần qua nuôi để bán cho giết thịt mà nay lên tới 170.000 con, trong đó “bò một nắng” trở thành đặc sản của Phú Yên.

Thế nhưng, gần đây con bò không còn hấp dẫn nông dân. Ngày trước, nhà nông bỏ ra 10-20 triệu đồng mua con bò nhỏ cột sau hè, thậm chí ngăn gian nhà ở chái sau làm chuồng nuôi nhốt như nuôi heo chứ không chăn thả; còn những ai ở gần sông như sông Ba thì nuôi ngoài bãi bồi. Nông dân “thúc” bò bằng cháo nấu từ “cơm thừa cá cặn” trong bữa ăn hàng ngày của gia đình, trồng cỏ hay mua thêm thức ăn công nghiệp. Nuôi chừng nửa năm đến hơn năm thì kêu thương lái tới ước tính trọng lượng bằng mắt và bán được giá 30-35 triệu đồng.

Nhà khá giả nuôi vài ba con, ít hơn nuôi gối đầu từng con thì cũng có đồng ra đồng vào. Nay, giá bò giảm dần, nhiều nhà nông chuyên sống bằng nghề nuôi bò bắt đầu than vãn rằng nuôi bò bây giờ khó bán, thương lái chê lên chê xuống chuyện bò non, bò già, rồi giá cũng thấp hơn 5-7 triệu đồng/con so với trước đây.

Những người am hiểu cho rằng nguyên nhân chính là chăn nuôi bò nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình, có giá thành cao nếu so với nuôi bò quy mô công nghiệp hay trang trại. Đó là chưa kể con bò nuôi nhốt ở Phú Yên hay các tỉnh miền Trung khó lòng cho chất lượng thịt tốt như kiểu chăn nuôi công nghiệp hiện đại, khoa học. Ngoài ra, người tiêu dùng trong nước bây giờ có nhiều lựa chọn hơn khi thịt bò Úc, bò Nhật Bản, bò châu Âu và thậm chí là bò Indonesia đang nhập ngày một nhiều vào Việt Nam. Thịt bò ngoại đã không còn quá cao cấp với người tiêu dùng sẽ là một nguy cơ lớn cho nuôi bò nhỏ lẻ theo kiểu của nông dân ở Phú Yên và các tỉnh miền Trung khác.

Khá nhiều chuồng nuôi heo trong vườn nhà ở nông thôn Phú Yên và các tỉnh miền Trung đang bị bỏ trống, mục nát cũng vì lý do nuôi heo nhỏ lẻ không “đấu” lại nuôi heo công nghiệp.

Không biết liệu rồi đây chuồng bò có nối gót theo sau chuồng heo hay không?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối