Thứ Bảy, Tháng Tư 27, 2024

‘Cối xay gió’ của một thầy giáo dạy văn

(SGTT) –  Bộ phim “Thầy dạy thay” cho thấy cuộc chiến đơn độc của một thầy giáo dạy văn trong thời hiện đại. Cuộc chiến đấu của thầy đại diện cho những lý tưởng nền tảng truyền thống với thực tại khó lường. Cuộc chiến đấu bảo bọc tâm hồn non nớt của con trẻ ngay từ trong gia đình, trong nhà trường mà bất cứ cha mẹ, thầy cô nào có chút ưu tư cũng tìm thấy sự đồng cảm và chia sẻ.
Thầy dạy thay – cuộc chiến đơn độc của một thầy giáo dạy văn trong thế giới hiện đại.

Học trò ngủ suốt buổi học văn. Đứa thức thì ngáp vắn ngáp dài. Chúng cảm thấy hứng thú hả hê trước một màn trình diễn rap của bạn cùng lớp (có nội dung công kích chính giờ học văn) thay vì nghe thầy giáo bình giảng vẻ đẹp của một đoạn thơ.

Đối diện với khủng hoảng trường học

Câu hỏi “Văn chương thì để làm gì?” nhận được nhiều câu trả lời. Nhưng câu trả lời của một học trò ngổ ngáo khiến thầy giáo thấy ưng ý và muốn dừng lại, đó là: “Thưa thầy, văn chương chẳng để làm gì cả!”.

Chán ngán với môi trường văn chương giả dối, sau cuốn tiểu thuyết đầu tay, Giáo sư Garmendia trở về một ngôi trường trung học để đảm nhiệm việc dạy thay môn văn. Sự trở về của giáo sư văn học trẻ này là để được phần nào bên cạnh người cha tuy đã già nhưng còn ham mê hoạt động xã hội với dự án quán cơm cộng đồng, một phần để chăm chút cho đứa con gái đang tuổi dậy thì đang trở chứng khi nhận ra “vấn đề” ba mẹ từ lâu không còn sống chung nhà.

Và, hẳn nhiên, trong sự lý tưởng của kẻ kiếm tìm văn chương trong cuộc sống vẩn đục, thì sự trở về với việc dạy văn ở một ngôi trường nhỏ không ngoài mong muốn hướng tới một môi trường trong lành, nơi có thể truyền cảm hứng văn chương, tình yêu cái đẹp từ bục giảng…

Bộ phim Thầy dạy thay (nguyên tác El Suplente) cho thấy cuộc chiến đơn độc của một thầy giáo dạy văn trong thời hiện đại, khi mà mọi tâm niệm đẹp đẽ trở nên yếu thế trước hiện thực thô bạo. Những giờ giảng về thơ trở nên chán ngắt vì sự thờ ơ không buồn tương tác của học trò. Đổ lỗi cho mạng xã hội và màn hình điện thoại di động và các trào lưu giải trí rẻ tiền cán phẳng tâm trí, khiến năng lực cảm thụ và rung cảm trước cái đẹp bị triệt tiêu trong tâm hồn non nớt của con trẻ – Đó là cách mà thầy giáo Garmendia đã có khi phải thốt lên trên bục giảng. Nhưng ngay khi đó, một học trò đã thách thức thầy rằng rồi nó sẽ tìm ra tài khoản mạng xã hội của thầy, và cả lớp phá lên cười.

Một lớp học không còn trong trật tự truyền thống khi những nội dung giật gân như truyện vụ án, giết người, các cuộc bạo hành… thì các em tìm thấy hứng thú bộc bạch. Trong khi đó, những gì mà thầy giáo gợi mở các cảm nhận sâu sắc, rung cảm tâm hồn trước cái đẹp thì học trò ngán ngẩm.

Một thế giới nhanh vội, không ngừng tạo ra hiểm họa và đồng thời ngốn ngấu hiểm họa được trải ra từ chính lớp học, trong mỗi tiết học văn chương nặng nề. Nhưng chưa hết. Cái thế giới đó cũng len lỏi vào sâu trong chính đời sống riêng của thầy giáo Garmendia khi đứa con gái của anh không còn hứng thú với những giờ cha con đọc sách bên nhau và chuyện trò, không còn tha thiết với những giờ học nhạc. Nó chống đối anh như những học trò trên lớp học.

Từ chỗ là người cha nghiêm khắc, kỷ luật, anh trở thành người cộc cằn, độc đoán, áp dụng lối giáo dục cưỡng bức, chỉ mong kéo đứa con gái của mình ra khỏi một đời sống dễ dãi, tầm thường, vô hướng… mà thời đại ấn định nên trong thế hệ của nó. Nhưng là người suy tư, anh lại dằn vặt nhận ra, đó lại là cách mà nó vừa trở thành nạn nhân của thời đại, lại vừa trở thành nạn nhân của chính anh.

Cuộc chiến dành tâm hồn

Cuộc chiến đấu của Garmendia, đại diện cho những lý tưởng nền tảng truyền thống với thực tại khó lường. Cuộc chiến đấu bảo bọc tâm hồn non nớt của con trẻ ngay từ trong gia đình, trong nhà trường mà bất cứ cha mẹ, thầy cô nào có chút ưu tư cũng tìm thấy sự đồng cảm và chia sẻ. Chia sẻ trong cả những tình thế bế tắc và gần như buông xuôi. Mọi kịch tính của một bộ phim khiến chúng ta sững sờ đó là trong một tiết học, khi Dilan, một học sinh có hoàn cảnh đặc biệt bắt đầu viết bài văn truyền cảm đầu tiên về chính người cha của mình (làm nghề trộm cướp, đã bị bắn chết) đang đọc bài văn thì cảnh sát ập vào lục soát toàn bộ cặp vở của học sinh nam và phát hiện ra học trò có tàng trữ và buôn bán ma túy.

Trường học trung lập, nhưng trên thực tế, nó đã bị các băng nhóm cài cắm và biến học sinh thành tay chân của chúng. Vào cuộc bảo vệ cậu học trò Dilan, thầy giáo dạy văn đã lún sâu vào thực tại khốc liệt của một xã hội bị thao túng bởi các thế lực ngầm… Dẫu vậy, anh vẫn đứng về phe những giáo viên trụ lại với bục giảng, không bỏ cuộc, chỉ để gợi ra những câu hỏi trong giờ giảng văn: “Linh hồn là gì? Chúng ta có thấy được linh hồn không?”, và để nghe chính những cô cậu học sinh ngỗ ngược hỏi lại thầy: Tâm hồn là cái quái gì mà ta có thể nói, “Tâm hồn tan nát”, “Một tâm hồn bị tổn thương” hay “Em yêu anh hết tâm hồn”…

Một thực tại lớn dần, nơi ta không thấy, nơi hàm chứa những điều bí ẩn, phải chăng là nơi văn chương hiện hữu?

Cách mà Garmendia đánh thức cái thực tại đó trong mỗi học sinh, nó cũng giống với cái cách mà Don Quixote của Miguel de Cervantes chiến đấu mãi với những chiếc cối xay gió để bảo vệ một biên giới bất khả xâm phạm trong tâm trí.

Phải với lý tưởng và niềm tin mạnh mẽ thế nào về một thế giới tự trị có tên Tâm Hồn, thì con người mới dấn thân bảo vệ?

Bộ phim bụi bặm, trần trụi về sự đơn độc của một thầy giáo dạy văn đánh nhau với “những cối xay gió” trong thế giới hiện đại đã làm lộn trái đời sống đang rất bất thường mà chúng ta đang tồn tại và nuông chiều. Một thầy giáo dạy văn từ ngày bước vào nhận lớp với chiếc ba lô đeo lệch vai, ánh mắt ưu tư, đi đến cuối phim với vẻ mỏi mòn, phờ phạc nhưng lại gieo vào tâm trí chúng ta những ngọn lửa ấm của một minh chứng cái đẹp dấn thân.

Người xem, giả dụ đặt mình vào bối cảnh phim, liệu có muốn làm một thầy giáo dạy văn như thế?

Nguyễn An Nam

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Rối ren ngay từ phụ huynh!

0
(SGTT) - Năm học mới bắt đầu. Cuộc họp phụ huynh bao giờ cũng đầy kịch tính. Nhưng kịch tính dù có cao trào...

TPHCM: Học sinh tiểu học thay đổi giờ đến lớp, sớm...

0
Trong năm học 2023-2024, đối với các lớp học 2 buổi/ngày ở cấp tiểu học, thời gian vào tiết đầu tiên của buổi sáng...

Trao 1.000 phần quà trị giá 400 triệu đồng cho học...

0
(SGTT) - Nhân dịp chào đón năm học mới 2023-2024, Chi hội Doanh nhân trẻ TP Dĩ An thuộc Hội Doanh nhân trẻ Bình...

TPHCM: Đủ chỗ học cho học sinh trong năm 2023-2024

0
Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM cho biết, dù năm học 2023-2024, số học sinh của thành phố tăng nhiều ở cấp học...

Giáo dục thể chất bao gồm cả giáo dục về ăn...

0
Tôi có đọc được từ một tài liệu của Viện Tâm lý Việt Pháp về “mô hình nâng cao sức khỏe (health promotion) trong...

Học sinh Hà Nội, TPHCM nghỉ lễ từ 4-5 ngày, có...

0
Sở Giáo dục và Đào tạo 2 thành phố Hà Nội và TPHCM vừa có văn bản về nghỉ dịp lễ giỗ Tổ Hùng...

Kết nối