Cẩm Anh thực hiện –
Việc đồng tình hay phản đối chuyện con kiếm tiền từ nhỏ được cha mẹ khá quan tâm. Có nhiều người cho rằng, khi con trẻ kiếm tiền sớm sẽ sao nhãng việc học, mất đi vẻ hồn nhiên đúng với lứa tuổi. Nhiều cha mẹ lại nghĩ nên khuyến khích trẻ kiếm tiền từ nhỏ để con biết quý trọng tiền bạc.
Chia sẻ về vấn đề này, thạc sĩ tâm lý học Lê Minh Huân, giảng viên khoa Tâm lý học, trường Đại học Sư phạm TPHCM cho biết:
Việc nên hay không nên cho phép trẻ kiếm tiền từ nhỏ còn tùy vào cách cha mẹ nhìn nhận giá trị của đồng tiền và mong đợi gì từ việc con kiếm tiền. Đồng thời cha mẹ có thời gian để bảo ban, hỗ trợ con khi chúng bắt đầu kiếm tiền hay không.
Theo ông, trẻ bắt đầu kiếm tiền quá sớm sẽ có những vấn đề gì?
– Nếu kiếm tiền quá sớm, trẻ phải chia sẻ thời gian, cảm xúc của các hoạt động vui chơi, giải trí vốn dĩ cần có ở trẻ thơ cho việc bắt đầu phải tính toán làm sao để kiếm thêm thu nhập. Trẻ buộc phải “người lớn” hơn và dễ căng thẳng. Đôi khi lại tạo cho trẻ cách sống nghiêng về hướng thực dụng, có phần đề cao vật chất.
Ngược lại, điều tích cực có thể thấy ở đây là trẻ hình thành được nhiều kỹ năng sống, kỹ năng xã hội hơn bạn bè cùng trang lứa. Cụ thể, trẻ sẽ có chính kiến, biết thiết lập các mối quan hệ và duy trì nó, quản lý thời gian, thiết lập kế hoạch, có bản lĩnh đương đầu với thử thách hơn. Cha mẹ cũng yên tâm hơn khi trẻ ngày một lớn và có thể tự lập sớm.
Khi nào trẻ có thể tập tành kiếm tiền? Đó có thể bắt đầu bằng những công việc như thế nào?
– Khi nào trẻ có thể lao động đơn giản, nói chuyện lưu loát, hiểu được mình nói gì và người khác muốn chia sẻ điều gì qua cách giao tiếp của họ là có thể dạy trẻ về giá trị của đồng tiền và tập tành kiếm tiền. Có thể lấy mốc lúc trẻ bắt đầu học mẫu giáo vì lúc này đánh dấu việc trẻ gia nhập vào xã hội với môi trường rộng mở hơn.
Trẻ có thể kiếm tiền từ các việc nhỏ: được cha mẹ trả tiền khi làm việc nhà tốt, chia sẻ đồ dùng học tập cho những bạn khó khăn, bán đồ ăn mà mẹ làm cho bạn cùng lớp, nhượng lại những món đồ chơi mà mình không dùng nữa… Hoặc trẻ có thể sắp xếp giấy tờ, vật dụng cho cửa hàng của người thân, mở gian hàng trong ngày hội của trường với sự trợ giúp của người lớn. Với những việc này, trẻ sẽ thấy thích thú mà không quá đề cao tiền bạc.
[box] Anh Đức Đạt (41 tuổi, quận Bình Thạnh, TPHCM): Hiện con trai tôi 12 tuổi, con cũng đang tập tành kiếm tiền. Các bạn cùng lớp của bé thành lập một câu lạc bộ bán trái cây, bán bắp rang, đĩa, dịch sách tiếng Anh để gây quỹ ủng hộ trẻ em nghèo. Việc này đã giúp con làm quen với cách trao đổi tiền bạc và học được rằng đồng tiền kiếm được không dễ dàng, phải sử dụng cho những mục đích phù hợp. Bên cạnh đó, con còn có thể tự mua sắm vài thứ đồ yêu thích mà không cần xin tiền cha mẹ.
Chị Thái Thu (37 tuổi, quận Gò Vấp): Tôi không khuyến khích con tập kiếm tiền sớm vì con trẻ có thu nhập riêng dễ khiến trẻ có tư tưởng sa đà vào việc ham mê tiền bạc mà quên mất nhiệm vụ chủ yếu là học tập. Trẻ vẫn chưa đủ nhận thức được giá trị đồng tiền, khiến chúng trở nên khó quản lý hơn và có nguy cơ lệ thuộc vào sức mạnh đồng tiền. Tuổi của các con bây giờ là tuổi ăn tuổi học, tôi muốn chúng sống hồn nhiên, phát triển theo đúng lứa tuổi.[/box]
Với những trẻ đã biết kiếm tiền từ nhỏ, ông có lời khuyên gì cho cha mẹ để trẻ tránh tâm lý đam mê tiền bạc làm ảnh hưởng đến việc học?
– Cha mẹ nên quan sát, kiểm soát và can thiệp liên tục vì tư duy, kinh nghiệm của đứa trẻ chưa bao giờ là hoàn thiện, dễ mắc sai lầm. Cha mẹ cần chắc chắn rằng con mình đang kiếm tiền vì động cơ trong sáng, sử dụng tiền xứng đáng, biết cân đối thời gian cho việc học tập. Nếu thấy có dấu hiệu không tốt, cha mẹ cần ngồi lại, trò chuyện với mong đợi trẻ không đi lệch “quỹ đạo”, nếu sau nhiều lần giáo dục thất bại có thể yêu cầu con dừng lại chuyện này cho đến khi con chuẩn bị đủ hành trang để tiếp tục.
Bên cạnh đó, sau khi xác định được mục tiêu kiếm tiền, cha mẹ cần xem xét trẻ có biết lập kế hoạch, có kiên trì và biết chi tiêu một cách cân nhắc không. Từ đó, cha mẹ vạch ra những điều cần hướng dẫn con, không nên để con tự ý thực hiện. Cha mẹ động viên, khuyến khích, đồng hành và định hướng để trẻ không vì tiền mà sao nhãng học tập, đánh mất sự hồn nhiên. Từ những biểu hiện về thái độ, hành vi của con mà cha mẹ có những uốn nắn phù hợp để trẻ học được những bài học ý nghĩa về cuộc sống. Đó cũng là một cách hình thành và phát triển sự tự tin, bản lĩnh cùng khả năng quản lý tài chính của trẻ sau này.