Thứ bảy, Tháng mười hai 14, 2024

Có một Lô Lô Chải tự làm du lịch văn hóa bản địa

Nói tới Hà Giang là nói tới cột cờ Lũng Cú với cột mốc số 0, nói tới những đồng hoa tam giác mạch cánh nhỏ màu hồng phớt lay lay trong gió cùng những cung đường khúc khuỷu ẩn hiện trong sương mờ. Thiên nhiên nơi đây thật đẹp, hùng vĩ khó mà diễn tả hết bằng lời. Chỉ biết rằng nếu đã được một lần đến thăm bạn sẽ muốn nhiều lần trở lại.

Lần thứ ba tới Hà Giang, tôi vào bản Lô Lô Chải – nơi cách cột cờ Lũng Cú khoảng 1 ki lô mét đường đi, thuộc xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn – Hà Giang. Từ bản nhìn lên, cột cờ Lũng Cú như nằm ngay trên đầu, bên dưới là những căn nhà trình tường đẹp như tranh vẽ, nhà trình tường còn gọi là nhà hai mùa: mùa đông thì ấm, mùa hè thì mát.

Nhà trình tường của người Lô Lô Chải cũng giống các nhà sàn ở vùng cao Đông Bắc này, chủ yếu được xây bằng đất sét và đất thịt, mỗi bức tường dày 50-60 cen ti mét và có ba gian. Trưởng làng Sình Dỉ Gai cho hay gian bên phải là chỗ ở của ông bà, bố mẹ; gian bên trái là chỗ ở của con cái; gian ở giữa rộng nhất dành để tiếp khách. Gian giữa cũng là nơi tổ chức việc cưới, việc tang và đặt bàn thờ tổ tiên, riêng phần không gian trên gác dành cho khách nghỉ lại và là nơi tích trữ lương thực như bắp, khoai, sắn…

Ảnh: Nguyễn Thu Hương

Cách người Lô Lô Chải xây dựng ngôi nhà hai mùa cũng kỳ công lắm. Thường sau khi gia cố móng bằng những tảng đá cuội, người Lô Lô ở Lũng Cú dựng khung gỗ làm khuôn rồi nện chặt các bức tường bằng đất, sau đó lợp mái bằng ngói âm dương. Người dân địa phương giải thích thiết kế này giúp họ chống chọi với thời tiết khắc nghiệt ở vùng núi cao, địa hình hiểm trở. Dù ở ngoài trời có gió lạnh nhưng hễ bước vào nhà thì có thể cảm được ngay bầu không khí ấm áp bên trong.

Dịp đó, tôi đến Lô Lô cũng đúng lúc chiều buông, đối với người ở miền Nam ra Bắc lại dở chịu lạnh như tôi thì cũng được gọi là biết cái lạnh thấu xương là gì. Có lẽ vì vậy, mà tôi không thể quên được cảm giác ấm áp khi bước vào nhà, chái bếp đỏ lửa, khói cuộn hương chiều làm tôi nhớ da diết lời bài hát của cố nhạc sĩ Phạm Duy trong bài Nương Chiều:

“Chiều ơi! Lúc chiều về là lúc yên vui/ Qua đường mòn ngửi lúa thơm ngơi, ới chiều./Chiều ới ! Chiều ơi ! Chiều ơi!”

Trưởng làng cho biết, tất cả mọi người ở trong bản đều biết trang trí ngôi nhà của mình để đón khách du lịch. Tất cả các vật dụng hàng ngày, đồ sinh hoạt, các món đồ xưa cũ được trưng bày kèm theo câu chuyện cụ thể để khách du lịch có thể hình dung được “mình đang ở đâu và nơi này có gì hay”. Tôi thả bộ khắp làng, đi qua từng căn nhà có bờ tường rêu phong, đọc thật kỹ từng dòng chữ được tinh tế sắp đặt trong các góc nhỏ, chúng đều kể về từng món đồ trong nhà bằng tất cả tình yêu thương.

Một kiểu giới thiệu văn hóa địa phương giản dị và trực quan không chút màu mè, hay cẩu thả đó đã choáng hết tâm trí của tôi. Những xe cộ, tòa nhà hay trung tâm thương mại đèn đuốc sáng choang tôi gặp hàng ngày trong phút chốc biến mất, nhường chỗ cho những đồ vật xinh xinh, những cô bé má đỏ, những phụ nữ trong áo màu sặc sỡ và nụ cười hiền hậu, nói tiếng Việt như đang hát. Nhìn cảnh thanh bình, yên ả đó tôi vừa mừng cũng vừa lo, sợ rằng vẻ đẹp vốn có này biết đâu lại bị cơn lốc thành thị thổi cho biến mất.

Dân tộc Lô Lô có các tên gọi khác là Mùn Di, Di, Màn Di, La La, Ô Man, Lu Lộc Màn… Theo kết quả điều tra dân số năm 2019, dân tộc Lô Lô có 4.827 người, cư trú chủ yếu ở các huyện Ðồng Văn, Mèo Vạc (tỉnh Hà Giang), Bảo Lạc (Cao Bằng), Mường Khương (Lào Cai). Ở Lô Lô Chải, tất cả trẻ con đều được tới trường bởi vì cha mẹ chúng muốn như vậy. Cứ thử hỏi các phụ huynh bạn gặp được trên đường rằng ông/bà có cho con đi học chữ không, họ sẽ bảo: “Có chứ. Học có con chữ thì mới gìn giữ và phát huy được những giá trị sống động đời sống tinh thần, vật chất của cha ông mình”.

Ảnh: Nguyễn Thu Hương

Người lớn trong nhà luôn dạy trẻ nhỏ ngôn ngữ của đồng bào mình, các bài hát dân ca, các điệu múa và đặc biệt là cách làm nên một bộ áo quần truyền thống. Mười tuổi, các bé gái Lô Lô đã được học may, thêu, kết cườm và may họa tiết tạo hình cho chiếc khăn đội đầu đủ màu sắc, ráp nối hoa văn cho áo và quần. Lớn hơn, các em sẽ phải học làm bộ trang phục của mình, từ nhuộm vải bằng màu của cây rừng, may từng mảng màu nhuộm thành hình cho đến việc căng khung thêu họa tiết đặc trưng của dân tộc như chân chim, mắt chim, hoa tam giác mạch, ruộng bậc thang… Cứ mỗi ngày một chút mỗi cô gái mới lớn thông qua cây kim sợi chỉ để học hành kiên nhẫn, cũng như góp phần vào việc yêu quý sắc phục dân tộc mình.

Có thể mất đến hai năm mới hoàn thiện một bộ trang phục như vậy nên nói không ngoa rằng, đó là gia tài đầu tiên của các cô gái Lô Lô và chỉ được dùng vào các dịp trang trọng như lễ Tết, cưới hỏi, ma chay. Nếu có duyên tới bản vào ngay mùa lễ hội, mùa lúa chín hoặc tháng 11 mùa hoa tam giác mạch, khách du lịch sẽ được tận mắt nhìn ngắm các cô gái má đỏ hây hây cùng nụ cười tươi tắn trong bộ trang phục rực rỡ đi hội.

Ngoài nhà trình tường của người dân còn có nhà truyền thống của bản nơi trưng bày các hình ảnh, vật dụng miêu tả đời sống của bà con cùng hành trình nguồn cội của dân tộc Lô Lô.

Người Lô Lô còn sở hữu trống đồng, thường là hai chiếc, gồm một là trống cái (thắng dảnh), hai là trống đực (múi dảnh). Trống cái bao giờ cũng lớn hơn trống đực, được cất giữ như một báu vật của làng, chỉ những người được trọng vọng, giữ chức vụ lớn như Già Làng, Thầy Mo mới được dóng lên những hồi trống khai hội.

Tối đó, trong cơn gió lạnh của vùng cao, tôi quấn mình trong chiếc chăn thơm mùi nắng, thưởng thức bản hòa ca của núi rừng được hòa điệu rất nhịp nhàng với những nghệ sĩ côn trùng. Tôi mơ thấy cung đường khúc khuỷu một cách gấp gáp, những ngôi nhà ba gian hai mùa ấm áp và mát mẻ, những câu chuyện kể bên góc nhà nhỏ bé và đáng yêu. Trong cả giấc mơ của mình, tôi vẫn ước được trở lại Lô Lô Chải, được nhìn thấy nhiều Lô Lô Chải ở khắp vùng cao Đông Bắc này, nơi mà người ta làm du lịch giản dị, thanh nhã.

Đồng Lê Quỳnh Hương

Theo KTSG Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối