Thứ Bảy, Tháng Năm 4, 2024

Chợ thương hồ giữa Sài Gòn

Thục Đoan

Nói đến chợ thương hồ nhiều người nghĩ chỉ có ở miền Tây, ít ai ngờ giữa chốn phồn hoa đô hội như TPHCM cũng có, ngày đêm nhóm họp trên các thương thuyền ở bến Bình Đông, bến Trần Văn Kiểu (quận 8), bến Lò Gốm (quận 6)…

Hàng hóa không là cao lương mỹ vị mà chỉ là những sản vật thông thường, chủ yếu được chở từ miền Tây về đây họp chợ. Ngày đêm, những chuyến hàng ngược xuôi đi về theo hai con nước lớn ròng, lâu dần trở thành cái nghiệp mưu sinh của bao con người trên sông nước.

Mua trên bờ, bán dưới sông

Những quả dừa từ Bến Tre được chuyên chở lên chợ bến Bình Đông.
Những quả dừa từ Bến Tre được chuyên chở lên chợ bến Bình Đông.

Chợ thương hồ ở đây khác với chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ) hay chợ nổi Cái Bè (Tiền Giang), vì các ghe hàng được neo đậu cố định chứ không di chuyển tìm khách. Thông thường tên gọi chợ này gắn liền với bến đổ thương thuyền như bến Bình Đông, bến Trần Văn Kiểu, bến Lò Gốm…

Sôi động nhất có lẽ phải nhắc đến chợ trái cây ở bến Trần Văn Kiểu. Bất kể con nước lớn ròng, lúc nào cũng có hàng chục thương thuyền đậu san sát nhau. Vào buổi trưa, trên bến sông tương đối vắng khách, dưới kênh nước cạn trơ lại lòng sông đen ngòm, nước đặc quánh bốc lên mùi hôi khó chịu. Những chiếc ghe hàng như dính vào nhau nằm phơi mình chịu trận. Trên ghe, từng nhóm thương thuyền túm tụm quanh bữa trưa. Dường như chợ ở đây, từ người bán đến hàng hóa đều có chung xứ sở miền Tây: chuối, dừa, cam, bưởi…

Bước xuống một ghe hàng bán chuối, cũng là nhà của bà Ba Lệ, 56 tuổi, gốc Thạnh Phú, Bến Tre. Ít ai nghĩ người đàn bà có nước da màu mật, dáng người nhỏ nhắn ấy lại có hơn 10 năm mưu sinh ở cái bến sông này. Bà cho biết còn có nhiều người đã hơn nửa đời gắn bó với cái bến này. Vừa nói bà vừa chỉ tay sang ghe hàng bên cạnh, là một ghe hàng độ hơn 4 tấn, chất đầy những buồng dừa còn tươi rói. Bà nói: “Đó là ghe hàng của vợ chồng ông Tài, quê ở Vĩnh Long. Họ gắn bó với chợ này đã hai mươi năm. Nghe nói hai ông bà không có con, ở quê cũng không có cục đất cắm dùi nên đành chọn nghiệp thương hồ làm kế mưu sinh”.

Hàng hóa ở đây, hầu hết đều mua trực tiếp từ các nhà vườn. Mùa nào thức ấy. Ai giỏi thì một tháng đi được 4, 5 chuyến hàng cũng tạm đủ sống.

Đến thăm một ghe hàng khác ở bến Bình Đông. Chủ hàng là anh Chiến, quê Bến Tre. Trên ghe chất đầy dừa khô, chuối. “Ba cái thứ này vào mùa rẻ như cho vậy mà nó trói buộc vợ chồng tôi 17 năm nay”, anh Chiến nói.

Hơn 17 năm qua, hầu hết thời gian là vợ chồng anh sống trên ghe. Bởi vậy, không riêng gì anh mà trên các ghe buôn ở đây đa phần đều có trang bị phương tiện giải trí tối thiểu như cassette, radio, ghe nào khá hơn thì có ti vi, xe máy. Anh cho biết dạo này gần tết ở quê anh dừa khô hút hàng, giá cao khiến anh cũng vui lây, bởi từ nay người dân Bến Tre bớt đi những ưu tư khi trái dừa – nguồn thu nhập chính của nhiều người dân xứ dừa có lúc bán rẻ như cho.

Anh cho biết ở cái bến này, đa phần là ghe buôn từ miền Tây lên như Vĩnh Long, An Giang, Tiền Giang… Nếu như muốn mua trái cây vừa ngon vừa rẻ, cân đủ thì đây là một nơi có thể tin cậy được. Các thương hồ ở đây không chỉ giao hàng cho thương lái ở chợ đầu mối như chợ An Đông, Chợ Lớn mà ngay cả đội quân bán hàng rong cũng tìm đến đây để mua.

May nhờ rủi chịu

hionh bai doi thuong ho

“Cái nghề mua bán trên sông cũng giống như bao nghề khác, nhiều bất trắc, rủi may. Các thương hồ thường hay bị động trong việc thu mua, giá cả lên xuống bất thường, nên chuyện lời lỗ đã trở nên quá đổi bình thường”, anh Chiến nói. Anh cho biết khi thu mua tại nhà vườn thì lấy giá tại thời điểm đó, nhưng chuyên chở một chuyến hàng lên đến Sài Gòn mất 2, 3 ngày, nhiều lúc giá cả đã thay đổi. Gặp chuyến hàng nào giá lên thì mừng, gặp khi rớt giá dù chỉ vài phân là coi như lỗ nặng.

Nghề này chủ yếu lấy công làm lời, bởi không còn sự lựa chọn nào khác, đành chấp nhận. Chỉ có chủ vựa mới có nhiều thông tin, nắm bắt thị trường hàng ngày. “Chúng tôi mua tại nhà vườn giá thường rất sát với thị trường, lên đây sang lại cho chủ vựa kiếm chút đỉnh gọi là tiền xăng dầu, chi phí vận chuyển. Nhưng khi qua tay chủ vựa, đến người tiêu dùng, giá được đẩy lên cao là chuyện bình thường”.

Một rủi ro cũng đến với nghề này là trong quá trình vận chuyển, hàng rất dễ bị bầm dập, hư hỏng ảnh hưởng không nhỏ đến chuyện lời lỗ của người đi buôn.

Trong tương lai chưa biết mai này các chợ thương hồ có còn tồn tại. Song hiện nay, nó vẫn tồn tại giữa nhịp sống muôn màu của một Sài Gòn sôi động, tạo thêm một nét đặc trưng rất đời thường ở cái chốn phồn hoa có “trăm nẻo đường cũng từng ấy nẻo nghề”. Ngày qua ngày, những chiếc ghe ấy như con thoi đưa hoa thơm trái ngọt, đặc sản quê lên Sài Gòn cung cấp cho thị trường, tạo nên bao công ăn việc làm cho nhiều mảnh đời tha phương.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Trưa cuối tuần thử lẩu vịt om măng

0
(SGTT) – Với vị chua thanh đặc trưng từ măng, hòa quyện cùng vị ngọt thịt vịt, lẩu vịt om măng hứa hẹn mang...

Đến Gia Lai ngắm những ‘ô màu’ vàng xanh trên ruộng...

0
(SGTT) – Ngoài miền Bắc, thì ít ai nghĩ rằng đại ngàn Tây Nguyên cũng được “điểm xuyết” bởi những thửa ruộng bậc thang...

Bữa sáng Sài Gòn: Quán bún riêu 50 năm giữ vị...

0
(SGTT) - Từ gánh bún bán dạo ở khu vực chợ Bến Thành hơn 50 năm trước, bà Mai Thị Liên duy trì hương...

Những bệnh nghề nghiệp nào được đề xuất hưởng bảo hiểm...

0
(SGTT) - Bộ Y tế đang dự thảo thông tư quy định về bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội. Theo đó,...

Chỉ sử dụng tài khoản VNeID khi thực hiện dịch vụ...

0
(SGTT) - Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn tất công tác chuẩn bị để thống nhất sử dụng...

Giải golf Lương Văn Can vun đắp ước mơ cho người...

0
(SGTT) - Ngày 3-5, Giải Golf Lương Văn Can do Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn tổ chức tại sân golf Tân Sơn Nhất...

Kết nối