Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Chỗ đứng nào cho lính OTT mới?

LTS: Mới đây, khi ứng dụng gọi điện thoại trên Facebook được giới thiệu ra thị trường, cộng đồng mạng đã ngay lập tức đón nhận và sử dụng. Có thêm sự tham gia của ứng dụng này được cho là sẽ thêm áp lực lớn đối với các nhà cung cấp khác khi mà số người dùng Facebook tại Việt Nam ngày càng nhiều.

 CHÍ THỊNH –

Tại Việt Nam, nhiều ứng dụng gọi điện và nhắn tin qua mạng, gọi chung là OTT (Over The Top – giải pháp cung cấp nội dung cho người sử dụng dựa trên nền tảng Internet), lâu nay thu hút không ít người dùng. Có thể kể đến các ứng dụng như Viber, Skype, Zalo. Trên thực tế, khách hàng của những ứng dụng này đồng thời cũng là người sử dụng mạng xã hội Facebook với con số hàng chục triệu người.

Sẽ thử

Cũng giống như Viber, Yahoo! Messengger trước đây, người dùng chỉ sử dụng tán gẫu (chat), gọi điện miễn phí nếu như cộng đồng xã hội có nhiều người cùng sử dụng. Và đây chính là điểm mạnh của Facebook khi chuyện “có Facebook” là chuyện quá phổ biến ở Việt Nam.

Phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị đã ghi nhận ý kiến của người dùng mạng xã hội tại TPHCM sau khi Facebook ra ứng dụng OTT. Ông Nguyễn Văn Đức, nhà ở huyện Hóc Môn, cho biết trước đây ông vẫn thường dùng Zalo và Viber để chat, gọi điện thoại. Đa số bạn bè nằm trong danh bạ điện thoại của ông đều sử dụng hai ứng dụng này. Khi Facebook ra ứng dụng, ông đã dùng thử và cho rằng chất lượng dịch vụ là tốt. “Tôi sẽ dùng thêm Facebook bởi vì số lượng bạn bè trên mạng xã hội này khá đông”, ông Đức nói.

Chat và gọi điện miễn phí qua mạng là nhu cầu lớn của người sử dụng các thiết bị di động hiện nay.
Chat và gọi điện miễn phí qua mạng là nhu cầu lớn của người sử dụng các thiết bị di động hiện nay.

Bà Quỳnh Dao, chủ một công ty in ấn ở quận 1, nói bà chỉ mới dùng ứng dụng trên Facebook gọi cho người nhà ở bên Mỹ nhưng thấy chất lượng hình ảnh không bằng ứng dụng FaceTime (ứng dụng trên iPhone/iPad). “Có lẽ tôi chỉ gọi điện trên Facebook cho vui chứ khi trao đổi công việc tôi vẫn quen dùng Viber và Skype. Đối tác làm ăn và bạn bè của tôi chủ yếu sử dụng hai ứng dụng này”, bà Dao nói.

Theo nhận xét của một số thành viên trên trang Diễn đàn Tinhte.vn thì số lượng người sử dụng Facebook để gọi điện sẽ nhanh chóng tăng nhanh do cộng đồng sử dụng mạng xã hội này đang chiếm số lượng lớn nhất trong số các ứng dụng chat, gọi điện miễn phí qua mạng tại Việt Nam.

Trên thực tế, một ứng dụng OTT nếu không có cộng đồng sẽ khó lôi kéo người dùng. Ví dụ như trường hợp ứng dụng Btalk của Công ty Bkav dù ra đời cách đây hơn một năm nhưng đến giờ hầu như có ít người sử dụng. Ông Nguyễn Văn Dũng, nhà ở quận 2, cho biết khi ứng dụng gọi điện miễn phí Btalk ra đời, ông cũng cài đặt dùng thử nhưng trên danh bạ điện thoại có quá ít bạn bè dùng Btalk. “Trong khi đó, danh sách bạn bè dùng Viber cứ ngày càng dài ra và ứng dụng này thông báo liên tục mỗi khi có bạn bè trong danh bạ điện thoại của tôi chuyển qua dùng Viber trên di động hay máy tính”, ông Dũng nói.

Tương tự, số lượng người dùng các ứng dụng OTT của các nhà mạng như VietTalk (Vinaphone), Mocha Messenger (Viettel), Halo (ứng dụng mới của MobiFone) sẽ khó lòng tăng nhanh do các ứng dụng OTT này vẫn chưa hình thành cộng đồng. Ông Việt Anh, nhà ở quận 7, cho biết ông có cài đặt thử VietTalk cũng như Mocha Messenger nhưng cũng không biết liên lạc với ai. “Danh sách bạn bè trên điện thoại di động của tôi chủ yếu dùng Viber hoặc Zalo, việc sử dụng hai ứng dụng này thuận tiện hơn do có nhiều bạn bè dùng chung”, ông Việt Anh nói.

Một đặc điểm mang tính quyết định khác đối với người dùng hiện nay là ứng dụng có thể gọi điện thoại kèm hình ảnh ra nước ngoài. Ở điểm này, Viber, Skype, Zalo cũng như Facebook có tích hợp, nhưng các ứng dụng OTT của các nhà mạng trong nước thì chỉ khoanh vùng ở khả năng chat và gọi điện thoại trong nước.

[box] Tính đến tháng 6-2015, cộng đồng người dùng Facebook tại Việt Nam khoảng 30 triệu người; trong đó có 27 triệu người dùng Facebook thường xuyên trên thiết bị di động. Công ty VNG cũng vừa công bố số lượng người dùng Zalo đã lên đến 30 triệu; còn Viber đang có hơn 20 triệu người dùng tại thị trường Việt Nam.[/box]

Thích những gì đã quen thuộc

Một số người dùng smartphone/máy tính bảng cho rằng dù Facebook có đông người dùng nhưng họ đang quen sử dụng Viber và Skype nên chưa định chuyển sang gọi điện thoại qua Facebook. Hiện tại Facebook cũng chưa hỗ trợ tính năng gọi điện theo nhóm (group call) như Skype nên cũng khó sử dụng khi cần liên lạc theo nhóm.

Bà Thảo Phương, nhân viên một công ty kinh doanh dịch vụ Internet, cho biết trước đây do bạn bè và đồng nghiệp dùng Skype nên bà vẫn hay dùng ứng dụng này để chat hoặc gọi điện. “Facebook Messenger thì có vẻ như chất lượng hình ảnh khi gọi điện thoại video chưa bằng hai ứng dụng tôi dùng”, bà Phương nhận xét.

Anh Mai Khôi, một người ở TPHCM hiện đang du học tại Úc, cho biết anh đang dùng cả Viber, Skype, Hangouts (một ứng dụng của Google) và cả FaceTime mỗi khi liên lạc qua Internet. “Trong công việc thì tôi dùng Viber, Skype, Hangouts. Gọi về Việt Nam tôi thường dùng FaceTime do bạn bè cũng như người nhà ở Việt Nam thường sử dụng iPhone/iPad. Còn gọi điện trên Facebook thì tôi cũng mới chỉ gọi cho một số bạn bè thử chất lượng cuộc gọi xem sao, chưa có ý định dùng thường xuyên”, anh nói.

Còn theo ông Ngọc Tài, chủ cửa hàng kinh doanh máy tính ở quận 10, ứng dụng Skype hỗ trợ tốt hơn trong công việc. Với ông, Facebook và Zalo chủ yếu dùng để chat, trò chuyện với bạn bè hoặc người thân. “Với Skype, ngoài tính năng chat và gọi điện thoại miễn phí qua mạng, tôi còn có thể gửi các tập tin có dung lượng lớn không thể gửi đi qua e-mail”, ông Tài nhận định.

Một số người dùng cho rằng có quá nhiều ứng dụng OTT nên điện thoại di động đôi khi “quá tải” do ứng dụng nào cũng kết nối liên tục. Tốt nhất là người dùng smartphone chọn một ứng dụng quen thuộc, dễ sử dụng, có nhiều bạn bè dùng để liên lạc. Ông Lê Duy, nhà ở quận 3, cho biết trước đây ông cài đặt đủ thứ ứng dụng gọi điện như Viber, Skype, Zalo trên điện thoại nhưng thấy mấy ứng dụng này “ngốn pin” quá nên gỡ cài đặt. “Chủ yếu bây giờ chỉ cần online trên Facebook để chat với bạn bè. Các mối quan hệ công việc thì gửi e-mail và gọi điện thoại trực tiếp”, ông Duy nói.

Chat và gọi điện miễn phí qua mạng là nhu cầu lớn của người sử dụng các thiết bị di động và các công ty kinh doanh ứng dụng OTT lẫn nhà mạng đều phải lao vào giành người dùng. Đơn vị nào cung cấp dịch vụ có chất lượng tốt, sử dụng thuận tiện, có đông đảo người dùng sẽ nhanh chóng chiếm được vị trí số một.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Nhà nước có cần giải cứu các dự án BOT giao...

0
(SGTT) - Bộ Giao thông Vận tải trình Chính phủ giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại tám dự án BOT giao...

Trải nghiệm trekking, cắm trại trên đồi cỏ Phước Bình

0
(SGTT) - Nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Ninh Thuận, Vườn quốc gia Phước Bình (huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận) nổi tiếng với...

Kích cầu du lịch nội địa dễ ‘mất đà’ khi vé...

0
(SGTT) - Mùa hè 2024 sắp đến, du lịch quí 1 có nhiều khởi sắc, tăng tưởng so với cùng kỳ năm ngoái, tuy...

Trưa nay ăn gì: Bữa trưa quốc tế với món Gaeng...

0
(SGTT) – Trong nhiều món ăn truyền thống của người dân Thái Lan, Gaeng Keow Wan Kai được nhớ đến bởi từng thớ thịt...

Thái Lan: Áo thun từ vảy cá, nội thất từ gỗ...

0
(SGTT) - Gom vảy cá làm chất liệu may áo thun, thu thập những chiếc áo khoác da cũ để thiết kế giày hay...

Danh thủ Dunga, Rivaldo đến Đà Nẵng giao lưu, cùng kích...

0
(SGTT) – Trong tháng 4 này, các danh thủ Brazil nổi tiếng một thời như Dunga, Rivaldo, Lucio, Ze’ Carlos, Giovanni, Kleberson, Edmilson, Paulo...

Kết nối