(SGTT) – Quần thể di tích kinh thành Huế rộng 520 ha, được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới năm 1993, mang vẻ đẹp nên thơ, rợp màu xanh cây lá.
Ảnh: Nguyễn Thế Toàn

Kinh thành Huế là tòa thành ở cố đô Huế, nằm ở bờ Bắc sông Hương và thuộc địa phận Thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Đây là nơi đóng đô của triều đại nhà Nguyễn trong suốt 143 năm, từ năm 1802 cho đến khi thoái vị năm 1945, trải qua 13 đời vua.

Hiện nay, Kinh thành Huế là một trong số các di tích thuộc cụm Quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới.

Khung cảnh hữu tình xung quanh Kinh thành Huế Ảnh: Nguyễn Lâm Quốc Chiến

Kinh thành Huế được xây dựng trên cơ sở kết hợp các nguyên tắc kiến trúc của phương Đông với kỹ thuật bố phòng quân sự theo kiểu thành lũy của Vauban (Pháp).

Vua Gia Long đã tiến hành khảo sát vào năm 1803, khởi công xây dựng từ 1805 và sau này được vua Minh Mạng tiếp tục hoàn chỉnh vào năm 1832.

Ảnh: Nguyen Quang Ngoc Tonkin/Shutterstock

Hàng trăm cung điện, thành quách và các công trình kiến trúc đậm chất hoàng gia được thi công tỉ mỉ dưới sự chỉ đạo của các vua triều Nguyễn và hầu như vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.

Kinh thành Huế hiện lên với nét cổ kính riêng biệt Ảnh: Nguyễn Lâm Quốc Chiến

Với diện tích 520 ha, chu vi 11km, có 10 cửa ra vào bằng đường bộ, hai cửa đường thủy. Kinh thành Huế gồm có ba vòng tường thành lồng vào nhau theo thứ tự ngoài lớn, trong nhỏ: Kinh Thành, Hoàng Thành và Tử Cấm Thành.

Để có được diện tích đất rộng như thế, nhà vua đã ra lệnh tám ngôi làng ở đây di dời tạm thời đi nơi khác để thuận lợi cho việc xây dựng.

Kinh thành Huế khi nhìn từ trên cao xuống Ảnh: Thanh Toàn

Kinh thành Huế có phía Bắc là đèo Ngang, phía Nam có Hải Vân che chắn, bảo vệ nơi đây. Phía trước có dòng sông Hương bắt ngang qua với hai “đảo” lớn là cồn Hến và cồn Dã Viên làm hai yếu tố phong thủy “rồng chầu hổ phục” được vua chọn làm minh đường, mang lại sinh khí cho con người và mảnh đất này, hướng đến tương lai phát triển phồn thịnh, đất nước thái bình.

Bên cạnh đó, nhà vua còn chọn núi Ngự Bình cách kinh thành phía trước hơn năm cây số làm bình phong che chắn những điều xấu xa nhằm ý nghĩa bảo vệ cho kinh thành, ngụ ý tôn trọng Vương Quyền.

Một góc cổ kính khác nằm trong Kinh thành Huế Ảnh: Nguyễn Lâm Quốc Chiến

Đi sâu vào bên trong bạn càng cảm nhận được nét đẹp cổ kính đến lạ thường của từng kiến trúc nơi đây. Từ những công trình nhỏ đến những công trình lớn, mọi thứ được trau chuốt tỉ mỉ và mang những gam màu đậm chất cổ điển cùng những họa tiết độc đáo.

Khi được trải lòng về chuyến đi tham quan Kinh thành Huế, anh Nguyễn Lâm Quốc Chiến bộc bạch: “Mới đầu khi đến đây, mình bị choáng ngợp trước sự đồ sộ của công trình. Mình đã phải mất gần hai giờ đồng hồ mới có thể tham quan hết vẻ đẹp nơi đây.”

Từ hoa văn đến màu sắc đều mang vẻ cổ điển. Ảnh: Nguyễn Lâm Quốc Chiến

Đặc biệt, khi chạm vào từng hoa văn trên từng kiến trúc, không chỉ tự hào về tài nghệ mà nó còn đem đến cho ta cảm giác như đang trò chuyện cùng ông cha ta, anh Quốc Chiến chia sẻ thêm.

Khung cảnh xanh mát tại Kinh thành Huế. Ảnh: Nguyễn Lâm Quốc Chiến

Một lưu ý quan trọng là khi tham quan Kinh thành Huế dù nắng hay mưa hãy mang theo bên mình chiếc ô nhé, vì thời tiết ở đây đã nắng thì nắng gắt, còn mưa thì mưa rất lớn.

Khung cảnh lãng mạn, nên thơ với những bóng cây che mát Ảnh: Nguyễn Lâm Quốc Chiến

Ngoài ra, hãy đem theo nước để uống, bản đồ để không bị lạc và trang bị cho mình một đôi giày thể thao để thuận tiện khi di chuyển.

Thượng Khải

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây