Thứ ba, Tháng năm 13, 2025

Chế tạo da người cho ngành mỹ phẩm

Linh Nguyễn-

Da người đang được các doanh nghiệp chế tạo để hạn chế việc thí nghiệm trên động vật sống, theo CNBC.

Hãng mỹ phẩm Pháp L’Oréal, sở hữu nhiều nhãn hiệu nổi tiếng như Lancôme, Maybelline New York, Ralph Lauren Fragrances và The Body Shop đang sản xuất các mẫu mô nhỏ cỡ đồng xu được gọi là EpiSkin. Loại da này được dùng để kiểm tra tính hiệu quả và độ bền của các loại mỹ phẩm trước khi đưa ra thị trường.

Đây là một trong những nỗ lực nhằm giảm và thay thế các cuộc thí nghiệm trên thỏ, chuột và các động vật sống khác trong ngành công nghiệp mỹ phẩm từ nhiều thập kỷ nay.

Bên cạnh việc giảm sự đau đớn và số lượng tử vong cho các động vật trong phòng thí nghiệm, EpiSkin cũng đem lại nguồn doanh thu lớn cho L’Oréal. Sản phẩm này được bán cho các công ty mỹ phẩm, dược phẩm, hóa chất và sản phẩm gia dụng. L’Oréal còn đang hợp tác với Công ty Kỹ thuật sinh học Organovo có trụ sở ở San Diego để phát minh ra da người 3D.

“Chúng tôi nhận thấy tiềm năng to lớn của kỹ thuật mô và sự phát triển của các sản phẩm này trong tương lai”, ông Charbel Bouez, Phó chủ tịch nghiên cứu cao cấp tại L’Oréal’s America Zone nói.

da

L'Oréal đã sử dụng công nghệ sinh học EpiSkin vào năm 1997 để thử nghiệm hàng trăm thành phần và sản phẩm bao gồm mặt nạ đất sét tinh khiết L’Oréal Paris, sữa dưỡng thể Lipikar của La Roche-Posay.

Năm 2011, L’Oréal đã mở một trung tâm nghiên cứu đánh giá ở Lyon (Pháp) với sự góp mặt của hơn 60 nhà khoa học, mỗi năm phát triển hơn 100.000 mẫu mô da người có kích thước rộng khoảng 0,5 cm2. Năm ngoái, L'Oréal đã đầu tư hơn 900 triệu đô la Mỹ cho các hoạt động nghiên cứu và đổi mới.

Công nghệ sản xuất các mẫu mô 3D đã xuất hiện từ những năm 1980. Trong số những công ty tiên phong có MatTek (trụ sở tại Ashland, Massachusetts), được sáng lập năm 1985 bởi hai giáo sư kỹ thuật hóa học thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (MIT). Năm 1993, công ty ra mắt sản phẩm thương mại đầu tiên, EpiDerm, ngày nay là đối thủ chính của EpiSkin.

EpiDerm hiện được sản xuất tại Massachusetts và Slovakia, bán theo bộ 24 mô với giá khoảng 1.000 đô la Mỹ. Nguyên liệu thô cho EpiDerm là các tế bào da người thật lấy từ phế thải của các ca phẫu thuật thẩm mỹ và cắt bao quy đầu. Các tế bào cũng được thu thập thông qua các ngân hàng mô.

“Tế bào mô được nuôi bằng chất dinh dưỡng trong vài tuần để đảm bảo sự phát triển tương tự như trong cơ thể người bình thường”, nhà nghiên cứu Michael Bachelor ở MatTek nói.

Việc sử dụng động vật sống trong các cuộc thí nghiệm thử nghiệm sản phẩm, y tế, quân sự, nông nghiệp và các lĩnh vực nghiên cứu khác là một vấn đề gây tranh cãi. Phía những người ủng hộ cho rằng thử nghiệm trên động vật sống rất cần thiết đối với sức khỏe và sự an toàn của con người.

Phía những người chống đối cho rằng những khác biệt về mặt sinh học giữa động vật và loài người sẽ tạo nên những cuộc thí nghiệm không đáng tin cậy. Nhưng có lẽ, mạnh hơn hết là những quan ngại về mặt đạo đức khi thí nghiệm trên động vật sống.

Hình ảnh những chú thỏ bị đem đi thử nghiệm các  chất kích thích, ăn mòn da và các phản ứng độc hại khác đã dẫn đến sự phẫn nộ của công chúng.

Theo một cuộc thăm dò ý kiến công chúng vào năm 2015, 67% người Mỹ “rất quan tâm” hoặc “khá lo lắng” về các loài động vật được sử dụng trong thí nghiệm. Một cuộc thăm dò ý kiến khác được thực hiện cùng thời gian của trung tâm nghiên cứu Pew Research cho thấy 50% người Mỹ trong độ tuổi trưởng thành phản đối việc sử dụng động vật trong nghiên cứu.

Sự lên án đã khiến luật pháp vào cuộc. Các cuộc thử nghiệm mỹ phẩm trên động vật đã bị cấm ở Liên minh châu Âu, Israel, Ấn Độ, Na Uy, Thổ Nhĩ Kỳ, Úc, New Zealand và gần đây nhất là Đài Loan. Ở Mỹ, Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) yêu cầu mỹ phẩm được thử nghiệm trên động vật sống chỉ được bán ở những quốc gia có luật pháp yêu cầu. Hầu hết các hãng mỹ phẩm lớn, bao gồm L’Oréal, đã ngưng thử nghiệm trên động vật trừ khi được luật pháp yêu cầu.

Mặc dù vậy, một số nhóm bảo vệ quyền lợi động vật, bao gồm Tổ chức Nhân đạo và Hiệp hội Chống giải phẫu động vật sống của New England đã tổ chức các chiến dịch và hướng dẫn mua sắm “không tàn nhẫn”. Ngoài ra, Hiệp hội Con người vì hành vi nhân đạo đối với động vật (PETA) vẫn đang duy trì một cơ sở dữ liệu mua sắm “không tàn nhẫn” trên trang web của mình, lưu danh sách những công ty sử dụng và không sử dụng động vật trong thí nghiệm.

Rất khó để xác định các tác động của EpiSkin và EpiDerm lên việc giảm số lượng động vật bị giải phẫu trong phòng thí nghiệm. Bà Amy Clippinger, Giám đốc bộ phận kiểm định của PETA cho biết tại Mỹ, việc sử dụng động vật làm thí nghiệm không được công khai, tuy nhiên, số lượng động vật bị đem đi giải phẫu trong phòng thí nghiệm đã giảm đáng kể trong 15 năm qua.

Bà Clippinger cho biết thêm, thông qua Hiệp hội Khoa học quốc tế, PETA đã hợp tác với các nhà nghiên cứu mỹ phẩm và các ngành công nghiệp khác khuyến khích các thử nghiệm không động vật. Hiệp hội đã hợp tác với MatTek năm 2015 tổ chức một cuộc thi để các nhà nghiên cứu đề xuất cách sử dụng EpiDerm.

MatTek hiện còn sản xuất nhiều loại da và các mẫu mô 3D liên quan đến mắt, miệng, đường thở và ruột của con người. “Chúng tôi cũng đang hướng tới việc sắp xếp các mẫu mô khác nhau trong một hệ thống cảm biến siêu âm để đánh giá các độc tính mà ruột non hấp thu. Bước kế tiếp là kết nối EpiDerm với các cơ quan sinh học dựa trên một con chip. Một cuộc cách mạng về công nghệ đang được thực hiện nhằm tổng hợp toàn bộ gan, não, thận hoặc các cơ quan sinh học khác của con người vào một microchip”, ông Michael Bachelor của MatTek nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối