(SGTTO) – Vẻ đẹp di sản của đất nước là một chủ đề rất khó thể hiện, nhất là bằng ngôn ngữ nhiếp ảnh. Nhưng chàng trai trẻ Nguyễn Kỳ Anh đã thực hiện những bộ ảnh di sản thành công, được cộng đồng mê xê dịch biết đến.

Khi còn là sinh viên trường Đại học Kiến Trúc TPHCM, chuyên về thiết kế nội thất, anh Nguyễn Kỳ Anh (sinh năm 1995) thường đi khảo sát thực tế, chụp ảnh tư liệu không gian để phục vụ cho việc học. Anh có dịp làm quen với nhiếp ảnh và đam mê cho đến bây giờ.

Vì mê nên anh Kỳ Anh tự mày mò, tìm hiểu về nhiếp ảnh. Anh chụp những điều bình dị xung quanh mình. Anh quan niệm vẻ đẹp ẩn trong những điều đơn giản, chân phương, nhỏ bé nhất.

Anh chia sẻ bí quyết tự học chụp ảnh: “Ban đầu, tôi chụp thật nhiều để rèn luyện cách nhìn sự vật, chọn góc ảnh và cách thể hiện cảm xúc. Với lợi thế học kiến trúc, tôi đã vận dụng kiến thức về bố cục, chọn tỉ lệ và phối màu vào nhiếp ảnh. Càng chụp càng mê, càng yêu thích sáng tác”.

Với những người mê nhiếp ảnh, phong cách cá nhân rất quan trọng. Đó là dấu ấn, là sự khác biệt, không lẫn vào đâu được. Anh Kỳ Anh luôn đặt cái tên rất riêng để mỗi bộ ảnh là một điều đặc biệt.

Anh chia sẻ: “Có lẽ phong cách riêng của tôi là sự chăm chút đến từng chi tiết từ chủ đề của bộ ảnh, tên gọi đến cách thể hiện. Với tôi, mỗi khoảnh khắc đi qua đều được cất giữ trong quá khứ, chẳng thể quay trở lại lần nữa. Cho nên những bộ ảnh như những quyển ký ức giúp ta giữ lại những khoảnh khắc. Mỗi khung hình có thể là một kỷ niệm của thời thanh xuân tươi đẹp hay một câu chuyện để kể lại với nhau sau này”.

Với quan niệm lưu giữ ký ức trong từng khung hình, anh Kỳ Anh đã dùng ngôn ngữ nhiếp ảnh để kể lại những gì nhìn thấy, nghe thấy và cảm nhận trong những chuyến rong ruổi khắp mọi miền đất nước.

Thích đi du lịch, anh Kỳ Anh đã đi khá nhiều tỉnh thành từ Nam chí Bắc như Cần Thơ, Vĩnh Long, Bạc Liêu, Bến Tre, An Giang, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Hà Nội…

Mỗi nơi đều có vẻ đẹp riêng. Cổ kính, chầm chậm như Hà Nội, trầm mặc, oai nghiêm như Huế, hùng vĩ bản sắc vùng cao như Hà Giang, se lạnh, lãng mạn như Đà Lạt hay hiền hòa, dung dị như miền Tây… Tất cả đều được anh ghi lại trong những bộ ảnh. “Có những nơi mình chỉ có cơ hội đến một lần trong đời. Nên tôi rất trân trọng mỗi chuyến hành trình, mỗi nơi tôi đã đặt chân đến và lưu giữ tất cả trong những khung hình. Điều này rất có ý nghĩa trong cuộc đời tuổi trẻ của tôi”, anh Kỳ Anh tâm sự.

Anh chiêm nghiệm: “Việt Nam thật sự không thiếu cảnh đẹp. Chỉ là có thời gian để đi hay không mà thôi. Đẹp không chỉ ở những resort sang trọng, khách sạn nhiều sao, mà còn đẹp ở thiên nhiên, con người, ở những cảm nhận bình thường nhất, hoang sơ nhất”.

Các bộ ảnh mà anh Kỳ Anh đã trình làng gồm ”Đi qua mùa hạ”, ”Về quê giỗ nội”, ”Hà Giang – mùa vàng thảnh thơi”, ”Về nhà có tết”, ”Hẹn thương nhau nơi kèn hồng nở rộ”, ”Thanh Đa – nơi yên bình bỏ quên”, ”Vẫn đó thức quà quê”, đặc biệt là ”Huế – triều đại vàng son”. Bộ ảnh nào cũng để lại ấn tượng tốt trong lòng người thưởng lãm. Chàng trai Nguyễn Kỳ Anh dần thu hút sự chú ý của cộng đồng yêu du lịch và nhiếp ảnh. Tình cảm và sự ủng hộ của cộng đồng như tiếp thêm động lực để anh thực hiện nhiều bộ ảnh hơn cho những hành trình kế tiếp.

Trong số các bộ ảnh của anh Kỳ Anh, “Huế – Triều đại vàng son” được mọi người nhắc đến rất nhiều. Tác giả đã chụp Đại nội Huế – di sản cấp quốc gia và được công nhận là di sản thế giới. Nơi đây lưu giữ những giá trị lịch sử, giá trị nghệ thuật kiến trúc, văn hóa của cả một triều đại.

Bộ ảnh “Huế – Triều đại vàng son”, “Đi qua mùa hạ” (hình trên, bên trái) và “Mùa vàng – mùa thảnh thơi” (hình dưới, bên trái) được nhiều người biết đến. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Anh Kỳ Anh muốn thể hiện vẻ đẹp của kiến trúc cung điện đang còn hiện hữu, mang giá trị vàng son của triều đại nhà Nguyễn, triều đại cuối cùng của Việt Nam. Qua bộ ảnh, người xem cảm được sự tráng lệ của cụm kiến trúc, những chi tiết mái, ngói được chạm trổ công phu, tinh tế, khơi dậy niềm tự hào dân tộc và truyền cảm hứng khám phá và lưu giữ những giá trị của di sản.

Ngoài bộ ảnh ấn tượng về Đại nội Huế, anh Kỳ Anh còn thực hiện bộ ảnh “Đi qua mùa hạ” được chụp tại Đà Lạt. Ý tưởng chủ đề là cảm hứng thức dậy ở một nơi xa, không khói bụi, tàu xe ồn ào và thiên nhiên xanh mát vẫn còn giữ nguyên. Một Đà Lạt không ở vị trí trung tâm với nhà san sát, không phải là những điểm check-in sống ảo mà là một Đà Lạt của những đồi thông xanh rì và của nông trường, là nét đẹp lao động của người Đà Lạt trên cánh đồng của chính mình.

“Mùa vàng – mùa thảnh thơi” cũng là một bộ ảnh nhận được sự yêu thích của mọi người. Anh cho biết bộ ảnh là cảm nhận về một Hà Giang yên bình, nơi địa đầu Tổ quốc với những thắng cảnh đẹp nhất nhì Việt Nam. Đó là bậc thang, nương lúa vàng ươm, thơm nức núi đồi; những cung đường kì vĩ, uốn quanh đèo cao Mã Pì Lèng. “Điều làm nên những ký ức khó phai đó là vẻ đẹp lao động của người dân địa phương, của những đứa bé vùng cao vô cùng đáng yêu và hồn nhiên. Các em thiếu thốn nhiều về vật chất và điều kiện cơ sở giáo dục nhưng lúc nào cũng tươi cười, cũng vui vẻ chào đón những đoàn người xa lạ. Chuyến đi này rất ý nghĩa đối với tôi vì tôi khởi hành vào đêm sinh nhật tuổi 24 của mình”, anh nói.

Xu hướng làm blogger du lịch hiện nay rất phổ biến nhưng anh Kỳ Anh không nghĩ đến chuyện sẽ trở thành một blogger nổi tiếng. Anh chỉ nghĩ rằng mình là một người thích chụp ảnh, thích đi nhiều nơi, giữ lấy cho mình những khung hình mang tên riêng, mang chủ đề riêng và chia sẻ tất cả lên trang cá nhân, cho bạn bè và người thân, những người theo dõi hành trình của anh cùng xem.

Anh muốn nhắn nhủ những bạn sắp bước vào con đường đam mê như anh rằng: “Hãy thoải mái đi và trải nghiệm, chia sẻ chân thật nhất, chính xác nhất về địa điểm, thông tin liên quan, cách thức cũng như lịch trình nếu có. Mọi thứ bạn chia sẻ phải đáng tin, uy tín và chính xác”.

Ngắm nhìn bộ ảnh “Huế – Triều đại vàng son” của Nguyễn Kỳ Anh:

 

Quỳnh Châu

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây