Thứ Bảy, Tháng Tư 27, 2024

Các nền tảng giao đồ ăn thắng lớn trong mùa World Cup

Các nền tảng giao đồ ăn từ các nước vùng Vịnh Ba Tư cho đến Anh và cả các nước châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản đang làm việc hết tốc lực để đáp ứng kịp các đơn hàng giao đồ ăn dồn dập cho những tín đồ túc cầu giáo đang thưởng thức các trận so tài World Cup 2022 ở Qatar qua màn hình tại nhà.
World Cup 2022 ở Qatar đã thúc đẩy lượng đơn hàng từ các nền tảng giao đồ ăn tăng đột biến ở nhiều nước có đội tuyển tranh tài như Hàn Quốc lẫn những nước không có đội tuyển góp mặt như Trung Quốc. Ảnh: Softonic

Trang tin Arabian Business dẫn một báo cáo nghiên cứu thị trường mới nhất cho biết World Cup 2022 sẽ tạo ra doanh số đột biến 6 tỉ đô la Mỹ cho ngành dịch vụ ăn uống ở các nước thuộc Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) gồm Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar, Saudi Arabia, và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UEA).

Theo báo cáo, các cơ sở kinh doanh ăn uống trong khu vực sẽ chứng kiến lượng đơn đặt hàng tăng vọt, cả trực tuyến lẫn ngoại tuyến vào những ngày như hôm 21-11 khi đội tuyển Anh dội mưa gôn vào khung thành đội tuyển Iran với kết quả chung cuộc 6-2. Các đơn hàng thường tăng vọt lên mức đỉnh điểm vào thời gian trước khi các trận đấu diễn ra.

“Trong lịch sử, các kỳ World Cup thường thúc đẩy lượng mua thực phẩm và đồ uống đáng kể. Tuy nhiên, mùa World Cup 2022 kéo dài một tháng ở Qatar sẽ chứng kiến một bước nhảy vọt trong xu hướng này, với cuộc khảo sát thị trường của chúng tôi cho thấy giá trị và tần suất đơn đặt hàng sẽ tăng mạnh do sự nhiệt tình chi tiêu của người hâm mộ”, Sandeep Ganediwalla, đối tác quản lý của Công ty tư vấn RedSeer Strategy Consultants, có trụ sở tại Dubai, nói.

Ganediwalla cho rằng ngành dịch vụ ăn uống của GCC sẽ thu về 6 tỉ đô la Mỹ trong tháng diễn ra World Cup, và Qatar sẽ chiếm một phần lớn. Các đơn hàng giao đồ ăn ở Qatar được dự báo tăng 80% vào những ngày diễn ra các trận thi đấu World Cup.

Theo Ganediwalla, cứ 100 đô la Mỹ chi tiêu tăng thêm cho dịch vụ giao đồ ăn ở Qatar, sẽ có 20 đô la Mỹ tăng tương ứng ở UAE. Điều này có nghĩa là tất cả các công ty giao đồ ăn trong khu vực đều được hưởng lợi nhờ nhu cầu tăng cao trong mùa World Cup.

Theo các nhà phân tích của Ngân hàng Citigroup, lực lượng hâm mộ bóng đá khổng lồ ở Anh đang xem World Cup trên ghế sofa của nhà họ có thể thúc đẩy doanh thu của các nền tảng giao đồ ăn như Just Eat Takeaway.com (Hà Lan) và Deliveroo (Anh) vì nhiều người sẽ chọn đặt đồ ăn mang đến tận nhà.

Citigroup nhận định World Cup sẽ hỗ trợ các đơn đặt hàng giao đồ ăn trong quý 4, “ít nhất là tại thị trường Anh, với đại đa số người dân cho biết họ sẽ xem hầu hết các trận đấu ở nhà và một tỷ lệ cao dự định sẽ đặt giao đồ ăn”. Người hâm mộ ở các nước châu Âu khác cũng có xu hướng tương tự.

Catherine O’Neill, người đứng đầu nhóm phân tích của Citigroup, dẫn một cuộc khảo sát gần đây của Bloomberg Intelligence với 650 người Anh đã phát hiện hơn 3/4 trong số họ có kế hoạch xem các trận so tài World Cup tại nhà. Trong nhóm này, khoảng 57% cho biết họ sẽ dùng đồ ăn đặt giao từ các nền tảng trong khi xem các trận thi đấu.

Theo Citigroup, kết quả khảo sát cho thấy World Cup có thể thúc đẩy các đơn đặt hàng giao đồ ăn, đặc biệt là đối với Just Eat và Deliveroo, vốn có mức độ tiếp xúc lớn với thị trường châu Âu. Đây là một tin đáng mừng vì các nhà phân tích Phố Wall đã cảnh báo một quí khó khăn cho cả hai công ty này, với lượng đơn đặt hàng của họ được dự đoán giảm do người tiêu dùng hạn chế chi tiêu để ứng phó với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt.

Bị giới đầu tư bán tháo, cổ phiếu của các công ty giao đồ ăn lớn nhất châu châu Âu gồm Just Eat, Delivery Hero và Deliveroo đều giảm giá hơn 50% trong năm nay. Các công ty này đang hứng chịu những khoản lỗ nặng nề vào thời điểm chi phí vay tăng cao. Xung lực tăng trưởng của họ bị ảnh hưởng khi nhu cầu đặt giao đồ ăn suy giảm sau thời kỳ đại dịch Covid-19 và các chương trình khuyến mãi bị giảm bớt.

Tờ Global Times của Trung Quốc ghi nhận các nền tảng giao đồ ăn ở Trung Quốc đang nhận được lượng đơn đặt đồ ăn tăng mạnh kể từ khi World Cup 2022 khai mạc vào hôm 20-11.

Hôm 24-11, nhà bán lẻ thực phẩm tươi Hema tiết lộ lượng đơn đặt lẩu nấu sẵn để mang về nhà tăng 40% và đơn đặt cho lẩu sơ chế tăng 100% trong tuần qua.

Dữ liệu từ Meituan, nền tảng giao đồ ăn lớn nhất Trung Quốc, cho thấy vào ngày mở màn World Cup, lượng đơn đặt mua bia, nước ngọt, đồ ăn nhanh, trái cây tăng 31% so với ngày trước đó.

World Cup cũng tạo ra cơn sốt đặt phòng khách sạn. Số lượng đặt phòng khách sạn trên toàn quốc để cùng bạn bè và người thân xem lễ khai mạc World Cup tăng hơn 30 lần so với một tháng trước, theo dữ liệu của Tongcheng Travel. Thượng Hải, Tây An, Hàng Châu, Vũ Hán nằm trong số những thành phố có lượng đặt phòng nhiều nhất.

Tại Nhật Bản, hai chuỗi nhà hàng McDonald và Pizza Hut cho biết đã tăng cường nhân viên để phục vụ những khán giả xem World Cup tại nhà vì mọi người ít ra đường vào ban đêm do lo ngại dịch bệnh Covid-19. Trước đó, cuộc khảo sát của Gurunavi cho thấy 96% trong số 1.000 người Nhật Bản ở độ tuổi từ 20-60 được hỏi cho biết họ sẽ xem sự kiện thể thao hấp dẫn nhất hành tinh tại nhà.

Tờ Korean Times ghi nhận tại Hàn Quốc, hai nền tảng giao đồ ăn hàng đầu là Baemin và Coupang Eats đã không thể đáp ứng kịp đơn hàng đặt đồ ăn tăng vọt trong những ngày qua.

Lượng đơn dồn dập đã khiến ứng dụng Baemin bị nghẽn. Một sinh viên 31 tuổi họ Lee cho biết anh đặt món gà chiên qua ứng dụng Baemin khoảng một giờ trước khi diễn ra trận so tài giữa đội tuyển Hàn Quốc và Uruguay hôm 24-11 nhưng không thành công vì ứng dụng bị tê liệt trong nhiều giờ. Sau đó, Baemin ra thông báo yêu cầu khách hàn đặt đồ ăn trực tiếp với các nhà hàng vì máy chủ bị lỗi.

Lê Linh

Theo KTSG Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Cầu giảm và cạnh tranh tăng, lối nào cho hàng thời...

0
(SGTT) - Trong giai đoạn suy thoái kinh tế, nhu cầu mua sắm thời trang giảm sút ảnh hưởng lên nhiều thương hiệu nội...

‘Tảng băng chìm’ sau những phiên livestream bán hàng chục tỉ

0
(SGTT) - Gần đây lướt trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) không khó để bắt gặp những kênh bán hàng trên sóng...

Bán hàng trên Tiktok Shop có dễ thu tiền tỉ?

0
(SGTT) - Gần đây, nhiều người xôn xao trước thông tin một chủ kênh TikTok cho biết đã đạt doanh thu đạt trên 75...

Thị trường mỹ phẩm chuyển dịch với làn sóng tiêu dùng...

0
(SGTT) - Làn sóng tiêu dùng mỹ phẩm theo xu hướng mạng xã hội ở Việt Nam đang thúc đẩy sự xuất hiện loại...

2 tỉ đồng đã được chi để mua sô cô la...

0
(SGTT) – Năm nay, ngày lễ tình nhân (Valentine) rơi mùng 5 Tết âm lịch. Do đó, khách hàng có xu hướng đặt hàng...

Đo lường độ lớn của thị trường thương mại điện tử...

0
(SGTT) - Thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam đạt hơn 20,5 tỉ đô la Mỹ trong năm 2023 vừa qua, tăng trưởng...

Kết nối