Bằng cách bơm 300 tỉ đô la Mỹ vào các dự án hạ tầng trong thập niên qua, bao gồm khoảng 10 tỉ đô Mỹ để xây dựng các sân vận động phục vụ World Cup 2022, Qatar muốn đa dạng hóa nền kinh tế theo hướng giảm phụ thuộc vào dầu khí và thúc đẩy du lịch. Bên cạnh đó, một kỳ World Cup thành công cũng sẽ giúp Qatar xây dựng quyền lực mềm trong khu vực đồng thời củng cố sự ủng hộ của người dân đối với nền quân chủ lập hiến của nước này.
- Trung Đông chờ đón bùng nổ du lịch nhờ cơn sốt World Cup từ Qatar
- Khởi động mạnh mẽ du lịch Dubai đầy tiềm năng
Rót tiền ồ ạt cho các dự án hạ tầng để thúc đẩy du lịch
Cựu danh thủ người Anh David Beckham đã rời xa bóng đá chuyên nghiệp trong gần một thập niên, nhưng anh đã có mặt khắp mọi nơi ở Doha, thủ đô của Qatar trước thềm Vòng chung kết World Cup 2022 của FIFA. Beckham xuất hiện trong các cuộc họp báo, trên bảng quảng cáo, chủ trì các buổi giới thiệu một điểm du lịch của Qatar trong 30 phút… Qatar đang tận dụng tất cả giá trị có thể thu được từ hàng chục triệu đô la Mỹ mỗi năm trả cho Beckham để trở thành đại sứ văn hóa của nước này. Beckham được cho là đã ký một thỏa thuận trị giá 150 triệu đô la Mỹ trong 10 năm để làm đại sứ của Qatar.
Tuy nhiên, khoản chi cho hợp đồng với Beckham chỉ là con số nhỏ so với hàng tỉ đô la Mỹ mà Qatar đã chi tiêu để giúp đất nước sẵn sàng cho World Cup 2022, bắt đầu bằng trận đấu giữa đội chủ nhà và Ecuador tối 20-11 theo giờ Việt Nam.
Cùng với ngân sách chính thức để xây dựng các sân vận động mới khoảng 10 tỉ đô la Mỹ, Qatar đã bơm thêm 290 tỉ đô la Mỹ vào các dự án cơ sở hạ tầng trong thập niên qua, xây dựng những con đường mới với tổng chiều dài 1.600 km, các trung tâm mua sắm, ga tàu điện ngầm và 20.000 phòng khách sạn mới. Những dự án này sẽ đóng vai trò quan trọng cho những nỗ lực thúc đẩy kinh tế, đặc biệt là ngành du lịch của Qatar ở thời kỳ hậu World Cup.
Các quan chức ở Doha khẳng định phần lớn khoản chi tiêu này cũng sẽ xảy ra nếu không có World Cup. Họ xem đây là một phần trong nỗ lực đa dạng hóa nền kinh tế của đất nước để giảm sự phụ thuộc vào xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch.
Dù vậy, giải bóng đá hấp dẫn và lớn nhất hành tinh là một bài kiểm tra lớn, cả về khả năng của Qatar trong việc tổ chức các loại sự kiện lớn mà họ muốn diễn ra thường xuyên hơn, cũng như khả năng thuyết phục hàng triệu người đến bán đảo nhỏ bé, khô cằn nhô ra từ vùng vịnh Ba Tư này, từng bị tai tiếng là nơi chứa chấp các phần tử khủng bố Taliban.
Pat Thaker, Giám đốc khu vực Trung Đông và châu Phi tại Economist Intelligence Unit, nói: “Điều rất quan trọng đối với Qatar là tạo nên một kỳ World Cup thành công rực rỡ vì cả thế giới đang theo dõi họ”.
Nỗ lực cải thiện quyền lợi cho lao động nhập cư
Cho đến nay, sự chú ý đó đã khiến Qatar nhiều phen đau đầu. Kể từ tháng 12-2010 khi Qatar được FIFA chọn làm nơi đăng cai World Cup 2022, sự lựa chọn này đã bị chỉ trích rất nhiều.
Các nhóm nhân quyền nêu ra những lo ngại về cách đối xử của Qatar với lao động nhập cư và việc nước này hình sự hóa đồng tính luyến ái. Trong khi đó, những người khác lại đặt câu hỏi làm thế nào một đất nước có nhiệt độ thường xuyên lên tới 40 độ vào mùa hè lại có thể tổ chức một giải đấu bóng đá lớn mà bảo đảm cầu thủ không nhập viện vì kiệt sức do nắng nóng.
Giải quyết vấn đề nhiệt độ tương đối dễ dàng. Qatar và FIFA đã đồng ý chuyển giải đấu sang mùa đông và lắp đặt máy điều hòa nhiệt độ ở tất cả các sân vận động.
Giới quan sát dành sự ghi nhận cao hơn cho Qatar trong nỗ lực cải cách đối xử với lao động nhập cư. Hệ thống kafala, vốn bị chỉ trích như là chế độ nô lệ lao động hiện đại, đã bị loại bỏ. Hệ thống này bắt buộc người lao động nhập cư phải được sự đồng ý của người chủ để chuyển sang làm việc ở những nơi khác.
Trong một báo cáo trong tháng này, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã ca ngợi những nỗ lực đáng kể của Qatar vì đã giúp “cải thiện điều kiện sống và làm việc cho hàng trăm nghìn người lao động”.
Các nhóm nhân quyền đang kêu gọi Qatar và FIFA làm nhiều hơn nữa để bồi thường cho hàng nghìn người lao động nhập cư bị thương hoặc tử vong trong những năm gần đây, cả trước và sau khi cải cách lao động bắt đầu. Nhưng bất chấp điều này, Qatar hiện được xem là nước dẫn đầu trong số các quốc gia vùng vịnh Ba Tư trong nỗ lực cải thiện quyền lợi của người lao động.
Nader Kabbani, giám đốc nghiên cứu tại Hội đồng Trung Đông về các vấn đề toàn cầu, có trụ sở tại Doha, cho rằng Qatar đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc cải thiện vị thế và quyền lợi của người lao động nhập cư. Ông nói: “Giai đoạn hậu World Cup sẽ là cơ hội để Qatar chứng minh mức độ duy trì và cải thiện các cải cách lao động của nước này”.
Lo ngại các sự cố liên quan đến người hâm mộ
Sân vận động Al Bayt ở thành phố Al Khor, Qatar, sẽ là nơi diễn ra trận khai mạc World Cup 2022 giữa đội tuyển Qatar và đội tuyển Ecuador vào tối nay (20-11). Ảnh: Stabroek News
Điều đáng lo ngại hơn đối với Qatar là khả năng xảy ra các ồn ào hoặc tranh cãi liên quan đến người hâm mộ nước ngoài. Trong những tuần tới, khoảng 1,2 triệu người dự kiến sẽ đến Qatar để thưởng lãm các cuộc so tài trên sân cỏ World Cup 2022.
Đã có nhiều lời phàn nàn về chi phí quá lớn đối với du khách khi đến Qatar, với giá vé máy bay đắt đỏ và thiếu chỗ ở hợp túi tiền, cũng như những lo ngại về cách cảnh sát ở quốc gia Hồi giáo bảo thủ này sẽ xử lý du khách. Sử dụng rượu bia không bị cấm hoàn toàn ở Qatar, nhưng các nhà tổ chức World Cup đã gửi đi những thông điệp trái chiều về việc người hâm mộ túc cầu có thể uống bia rượu tự do như thế nào. Hôm 18-11, Qatar bất ngờ thông báo cấm bán bia ở các sân vận động phục vụ 64 trận đấu trong khuôn khổ World Cup 2022. Nước này chỉ cho phép bán và sử dụng bia ở các khu vực fanzone (những địa điểm ngoài trời có màn hình lớn phát trực tiếp các trận đấu phục vụ người hâm mộ) và những địa điểm đã được cấp phép khác.
Một điều rõ ràng là bất kỳ loại bia nào được cung cấp cũng sẽ rất đắt. Tại các fanzone, một lon bia Budweiser, thương hiệu bia tài trợ chính thức cho World Cup, có giá bán đến 50 riyal, khoảng 13,7 đô la Mỹ.
Các nhà tổ chức World Cup đã nói rằng người hâm mộ cần thể hiện sự tôn trọng luật lệ ở Qatar, họ không nên lo lắng quá mức đến các vấn đề uống rượu bia và các quy tắc về trang phục, vốn ít bảo thủ hơn so với nước láng giềng Saudi Arabia.
Dù vậy, một vụ bê bối liên quan đến người hâm mộ nước ngoài cũng có thể làm xao nhãng câu chuyện bóng đá, đặc biệt nếu nó xảy ra sớm trong giai đoạn vòng bảng. Điều này cũng có thể làm hỏng nỗ lực của Qatar trong việc sử dụng World Cup như là một chiến dịch quảng bá du lịch cho đất nước.
Khuếch trương quyền lực mềm
Qatar, cũng như các thành viên khác của Hội đồng Hợp tác vùng vịnh (GCC), đang tìm cách đa dạng hóa nền kinh tế để giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Tổ chức thành công các sự kiện thể thao lớn là một phần quan trọng trong quá trình này. Qatar cũng sẽ đăng cai tổ chức Vòng chung kết cúp bóng đá châu Á 2023.
Hai nhà nghiên cứu Johan Fourie và Maria Santana Gallego, đồng tác giả của một báo cáo nghiên cứu tác động của các sự kiện thể thao lớn đối với du lịch, cho biết dù các chính trị gia thường đưa ra những dự đoán tích cực về tác động du lịch có thể xảy ra nhờ việc tổ chức các giải đấu thể thao lớn, hiệu quả thực tế vẫn còn gây tranh cãi.
Tuy nhiên, Qatar có thể ghi điểm về quyền lực mềm trong khu vực. Hiện tại, các nước vùng vịnh Ba Tư khác đang nhận thấy những lợi ích của việc tổ chức World Cup ngay trước cửa nhà của họ. Nhờ lợi thế cơ sở hạ tầng khách sạn lâu đời và quy mô hơn, Dubai, thành phố lớn nhất của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), dự kiến sẽ đón khoảng một triệu người hâm mộ đến xem giải đấu World Cup.
Pat Thaker, Giám đốc khu vực Trung Đông và châu Phi tại Economist Intelligence Unit, nhận định việc Qatar tổ chức World Cup thành công sẽ mang lại niềm tự hào chung cho các nước trong khu vực, từ đó giúp cải thiện quan hệ giữa họ. Một chiến dịch tẩy chay Qatar do Saudi Arabia dẫn đầu với cáo buộc Doha tài trợ cho các nhóm khủng bố cuối cùng đã chấm dứt vào năm ngoái.
Niềm tự hào của người dân Qatar về việc lần đầu tiên World Cup được đăng cai ở thế giới Arab cũng được kỳ vọng sẽ củng cố sự ủng hộ của người dân đối với chế độ quân chủ của Qatar. Điều này có khả năng giảm bớt áp lực cải cách chính trị ở Qatar trong tương lai gần, đặc biệt là khi nhu cầu khí đốt tự nhiên tăng đang thúc đẩy nền kinh tế của đất nước.
Lê Linh
Theo KTSG Online