Thứ Sáu, Tháng Tư 19, 2024

Cá tra vào Mỹ sẽ khó hơn

Trung Chánh

Chương trình thanh tra của Mỹ đối với cá tra Việt Nam đang bước vào giai đoạn quyết định. Với việc áp thuế chống bán phá giá tăng cao trong quyết định cuối cùng của kỳ xem xét hành chính lần thứ 13 (POR13), những người trong ngành dự báo xuất khẩu cá tra vào thị trường Mỹ sẽ khó khăn hơn.

Công nhân chế biến cá tra xuất khẩu tại một doanh nghiệp. Ảnh: Trung Chánh

Chờ kết quả thanh tra

Tại hội nghị “Triển khai nhiệm vụ phát triển ngành hàng cá tra năm 2018” được tổ chức tại thành phố Cần Thơ tuần trước, ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), cho biết Chính phủ chỉ đạo trong năm 2018 ngành nông nghiệp phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 40 tỉ đô la Mỹ. Để đạt mục tiêu này, người đứng đầu Bộ NN&PTNT đã giao ngành cá tra phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 2-2,2 tỉ đô la Mỹ.

Như vậy, nếu so với năm 2017, năm nay ngành cá tra phải phấn đấu tăng kim ngạch xuất khẩu từ 200-400 triệu đô la Mỹ. Đây là nhiệm vụ không hề dễ dàng khi thị trường trường xuất khẩu quan trọng là Mỹ đang gặp những khó khăn.

Liên quan đến Chương trình thanh tra cá da trơn, Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad) cho biết, thời gian qua, đơn vị này phối phối cùng Bộ NN&PTNT, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cùng các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra vào Mỹ cung cấp trên 2.000 trang thông tin, hồ sơ trả lời Bộ câu hỏi đánh giá tương đương (SRT) của Cơ quan thanh tra an toàn thực phẩm Mỹ (FSIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) nhằm đáp ứng yêu cầu trong chương trình thanh tra của Mỹ.

Theo Nafiqad, thông qua Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam, đơn vị này đã nhận được công thư của FSIS thông báo về việc hoàn tất quá trình xem xét SRT và khẳng định: “Về mặt hồ sơ, hệ thống kiểm soát cá da trơn của Việt Nam tương đương với Mỹ”, thông báo của Nafiqad viết.

Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, ông Tám cho biết cơ sở để phía Mỹ chấp thuận về mặt hồ sơ là vì thứ nhất, từ sau ngày 1-3-2016 – tức thời gian Chương trình thanh tra cá da trơn chính thức có hiệu lực – Việt Nam là một trong ba quốc gia đủ điều kiện tiếp tục xuất khẩu cá da trơn vào Mỹ. Thứ hai, từ tháng 8-2017- tức thời gian Mỹ áp dụng kiểm tra 100% lô hàng cá tra Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ theo Chương trình thanh tra cá da trơn – đến nay, Việt Nam chưa có một lô hàng nào bị phía Mỹ cảnh báo.

“Đây là hai điều kiện quan trọng để được Mỹ công nhận tương đương về mặt hồ sơ và tiến đến giai đoạn quyết định là Mỹ sẽ sang đánh giá tương đương thực địa tại Việt Nam”, ông Tám cho biết.

Quy trình công nhận tương đương cho cá da trơn xuất khẩu vào Mỹ, trong đó có cá tra Việt Nam phải qua sáu bước kiểm tra. Thứ nhất, nước xuất khẩu yêu cầu FSIS đánh giá tương đương. Thứ hai, nước xuất khẩu hoàn thiện SRT và các hồ sơ kèm theo. Thứ ba, FSIS yêu cầu bổ sung thông tin, FSIS khẳng định SRT đã hoàn thiện, xem xét đánh giá trên hồ sơ. Thứ tư, thanh tra thực tế tại nước xuất khẩu. Thứ năm, thông báo dự thảo đánh giá để lấy ý kiến góp ý, và cuối cùng là công nhận tương đương (bằng một quy định chính thức).

Căn cứ vào quy trình sáu bước theo quy định của Mỹ cũng như tiến độ đáp ứng của Việt Nam đã được phía Mỹ công nhận, đến nay phía Việt Nam đã hoàn thành xong bước thứ ba và tiến vào bước thứ tư, tức phía Mỹ sẽ vào thanh tra thực địa tại các vùng nuôi và nhà máy chế biến của doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.

Theo ông Tám, bước thứ tư là bước quan trọng nhất của quy trình công nhận tương đương cho ngành cá tra. Đây là bước mang tính chất quyết định liệu Việt Nam có được tiếp tục xuất khẩu cá da trơn vào Mỹ hay không.

Ông Tám cho biết, do tính chất quan trọng của đợt đánh giá này, những người trong ngành không được chủ quan, mà phải làm tốt việc quản lý đối với các doanh nghiệp cũng như vùng nuôi. Ông cho biết, sắp tới đoàn công tác của bộ sẽ đi kiểm tra trước nhằm củng cố, rà soát lại tất cả những vấn đề về quản lý, quản trị từ ao nuôi đến các doanh nghiệp chế biến.

Lo thuế chống bán phá giá

Trong khi đó, vào rạng sáng ngày 15-3-2018, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã ra quyết định cuối cùng của kỳ POR13 về thuế chống bán phá giá cá tra phi lê đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam, áp dụng trong giai đoạn từ 1-8-2015 đến 31-7-2016 với mức thuế tăng mạnh so với trước đó.

Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, ông Võ Đông Đức, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thủy sản Cần Thơ (Caseamex), cho biết ngoại trừ Công ty cổ phần thủy sản Vĩnh Hoàn được hưởng mức thuế xuất khẩu vào Mỹ 0 đồng và Công ty cổ phần thủy sản Biển Đông là 19 xu Mỹ/kg, các doanh nghiệp khác phải chịu mức thuế rất cao.

Theo đó, đối với 9 doanh nghiệp nằm trong nhóm được hưởng mức thuế riêng biệt phải chịu thuế chống bán phá giá vào Mỹ với mức dao động từ 3,87 đến 7,74 đô la Mỹ/kg. Còn đối với các doanh nghiệp không tham gia vào vụ kiện, chịu mức thuế chung toàn quốc là 7,74 đô la/kg. “Đây là mức thuế cao nhất từ trước đến giờ, chưa từng xảy ra trong việc Mỹ áp thuế chống bán phá giá cho Việt Nam”, ông Đức cho biết.

Như vậy, so với kết quả sơ bộ của kỳ POR13, mức thuế áp dụng cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra vào Mỹ trong lần công bố cuối cùng tăng rất mạnh. Ví dụ, Công ty cổ phần thủy sản Gò Đàng (Godaco) là doanh nghiệp nằm trong nhóm được hưởng mức thuế riêng lẻ, với mức thuế chống bán phá giá cuối cùng là 3,87 đô la/kg. Trong khi đó, kết quả sơ bộ được công bố hồi giữa tháng 9-2017 là 2,39 đô la/kg, tức mức thuế đã tăng 1,48 đô la/kg.

Là doanh nghiệp chịu mức thuế 3,87 đô la Mỹ/kg, ông Đức của Caseamex cho biết, nếu tính toán giá thành sản xuất cộng với thuế chống bán phá giá mà doanh nghiệp phải chịu, thì hoàn toàn không thể xuất khẩu cá tra vào Mỹ.

“Ngoài hai doanh nghiệp có khả năng bán hàng vào Mỹ là Vĩnh Hoàn và Biển Đông, chín doanh nghiệp được hưởng thuế riêng biệt, dù có mức thuế thấp hơn so với các doanh nghiệp khác khi xuất khẩu vào Mỹ, cũng khó xuất hàng vào được”, ông Đức nhận định. Theo ông, xuất khẩu cá tra vào Mỹ trong thời gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.

Bà Tô Tường Lan, Phó tổng thư ký VASEP, cho biết kim ngạch xuất khẩu cá tra vào Mỹ tuy có tín hiệu tích cực khi kim ngạch trong tháng 1-2018 đã tăng trở lại 31,1% (đạt 15,1 triệu đô la) so với cùng kỳ, nhưng đây sẽ là thị trường “rất khó có thể nói trước được điều gì”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Thơm lừng góc chợ Phạm Văn Hai với tô bánh đa...

0
(SGTT) - Bánh đa là sợi bánh thân quen trong một số món ăn của người dân Hải Phòng. Theo dòng chảy văn hóa...

Thảo Cầm Viên tổ chức lễ hội ẩm thực ba miền...

0
Với quy mô hơn 50 gian hàng, cùng 149 món bánh truyền thống, lễ hội ẩm thực "Non sông thống nhất" diễn ra từ...

Loạt sự kiện du lịch tại các địa phương dịp lễ...

0
(SGTT) - Lễ hội Diều khổng lồ tại huyện Đất Đỏ (Bà Rịa – Vũng Tàu), lễ hội Tháp Bà Ponagar (Khánh Hoà) hay...

Nghĩ về cuộc đấu giá 3 mỏ cát với mức trúng...

0
(SGTT) – Vụ đấu giá ba mỏ cát ở Hà Nội với giá trúng cao gấp hàng trăm lần giá khởi điểm đã trôi...

Học nấu món miền Tây bên dòng sông Tiền

0
(SGTT) - Nằm êm đềm bên dòng sông Tiền, du khách đến Mekong Riverside Boutique Resort & Spa (thành viên Sáng kiến Điểm đến...

Ngắm tulip nở rộ tại vườn hoa lớn nhất thế giới

0
(SGTT) – Vườn hoa tulip lớn nhất thế giới Keukenhof (Hà Lan) đang thu hút đông đảo du khách ghé thăm nhờ hàng triệu...

Kết nối