Thứ Tư, Tháng Tư 24, 2024

Buôn vàng thì lỗ, buôn tiền cổ thì lời

Tấn Phú

Người ta thường nói, “mãnh lực đồng tiền” hay “đồng tiền có ma lực”, đúng vậy, nhưng đó là khi đồng tiền đang được lưu thông, thanh toán… trên thị trường. Qua mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau, đồng tiền thay đổi – nó trở thành xưa cổ. Nhưng với những người sưu tập để chơi hay mua bán thì đồng tiền xưa cổ đó vẫn còn “ma lực” bởi họ có niềm đam mê.

Ở Việt Nam, buôn và chơi tiền cổ thường được chia làm hai nhóm, nhóm chơi tiền giấy và nhóm chơi tiền kim loại. Với dân buôn tiền thì “nghề này không sợ lỗ, nhưng cũng ít ai giàu được, đủ ăn là mừng rồi”, ông Lưu Hà Nam – người buôn tiền cổ ở quận Phú Nhuận, TPHCM, cho biết tiếp: “Nghề này lạ lắm, nhiều lúc cần tiền muốn bán (tiền cổ) thì không ai mua, lúc có tiền không muốn bán, để lại chơi thì người ta cứ theo mình năn nỉ”.

Buôn tiền cổ không lỗ

IMG_1

“Học bên ngành mỹ thuật, nên nhìn tờ tiền tôi rất thích. Vì mỗi tờ tiền có mỗi nét văn hóa và sự độc đáo riêng của nó”, ông Nam giải thích việc mình mê nghề buôn tiền. Nói rồi, ông Nam lấy cho tôi xem mấy cuốn album tiền cổ các loại, nghe ông giải thích chi tiết tôi cũng thấy… ham. Mới đây, có ông Việt kiều mua của ông Nam tiền cổ mà một lúc chi ra mấy ngàn đô la Mỹ. “Nếu đã chơi tiền này và mê rồi, người ta sẽ xem nhẹ giá trị của tiền kia. Bởi không, chẳng ai bỏ ra một lúc vài ngàn đô để mua những đồng tiền không có giá trị lưu hành”, ông Nam khoe.

Theo bảng tự xếp hạng của dân chơi và buôn tiền cổ hiện nay, đứng đầu là tiền Thành Thái – được xem là tờ tiền cổ đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam và chỉ phát hành ở hai khu vực mà dân chơi tiền cổ gọi là Thành Thái Sài Gòn và Thành Thái Hải Phòng. Kế đến là tiền giấy Đông Dương và tiền giấy Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hay còn gọi là giấy bạc Cụ Hồ. Đặc biệt, bộ tiền giấy Cụ Hồ được làm từ chất liệu tự chế bằng rơm. Tiền Cụ Hồ được chia làm ba vùng và có ba tên gọi khác nhau như miền Bắc thì gọi là tiền Việt Bắc, miền Nam gọi là tiền Nam bộ, miền Trung gọi là Tín Phiếu. Tuy tiền Cụ Hồ đa dạng về màu sắc, chủng loại nhưng đây là loại tiền khó bảo quản, nên qua thời gian loại tiền này không còn nhiều. Vì thế nó có giá trị rất cao, từ vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng mỗi tờ.

Trần Hoàng, một tay buôn tiền cổ ở quận 3, TPHCM cho biết, ông bắt đầu chơi và buôn tiền này từ những ngày đầu giải phóng đến nay. “Người ta hay nói buôn vàng thì lỗ, chứ buôn tiền cổ thì lời” – ông Hoàng nói tiếp: “Nghề này chỉ đủ sống thôi, chứ buôn tiền này ít ai lỗ; vì tiền mình đang xài hay đô la còn sợ trượt giá, chứ tiền này càng để lâu giá càng lên”. Nhiều người ví von, tiền cổ như những chai rượu Tây, để lâu giá càng cao và càng chơi càng thấy “say”, đó là lập luận của những người mê tiền cổ.

Bộ tiền Cụ Hồ của ông Bùi Công An.
Bộ tiền Cụ Hồ của ông Bùi Công An.
Tờ tiền Đông Dương in hình ba cô gái: Campuchia, Lào và Việt Nam.
Tờ tiền Đông Dương in hình ba cô gái: Campuchia, Lào và Việt Nam.
Tờ 100 Piastres tiền Đông Dương phát hành vào năm 1925.             Ảnh: Tấn Phú
Tờ 100 Piastres tiền Đông Dương phát hành vào năm 1925. Ảnh: Tấn Phú

Đi bán vé số để săn tiền cổ

Mỗi vị vua lên ngôi đều đánh dấu sự nghiệp bằng việc đổi niên hiệu và phát hành đồng tiền riêng để khẳng định vương triều của mình. Chơi tiền từ hồi còn là giáo viên trường Ngô Tùng Châu (nay là Lê Thị Riêng) rồi bị bắt đi quân dịch. Hết thời gian quân dịch, ông Bùi Công An (ở 98/19 Vạn Kiếp, phường 3, quận Bình Thạnh) bỗng nhiên thành người thất nghiệp. Tuy lâm vào cảnh khó khăn, nhưng với niềm đam mê, ông An quyết định chọn nghề bán vé số với lý do: “Nghề này đi lại nhiều, hơn nữa người chơi vé số thời đó đa phần là người có tiền. Nên mình dễ tiếp cận với người có tiền cổ hơn”, ông An tâm sự. Không chỉ mua tiền cổ của những người mua vé số, ông An còn lặn lội đi các tỉnh khác để mua về vừa chơi vừa bán kiếm lời.

“Càng chơi càng thấy mê, có nhiều tờ mệnh giá lớn loại 100 đồng, hồi nhỏ mình đâu có được xài. Thời đó, tờ 100 đồng trị giá mấy chỉ vàng lận, nhà giàu mới có thôi! Nay được cầm nó trong tay, dù hết hạn lưu hành mình vẫn thấy sướng”, ông An kể. Ngồi lật từng trang tiền cổ trong cuốn album và giải thích tên, giá trị cũng như lịch sử gắn liền với mỗi tờ tiền cổ cho chúng tôi xem, trong đó có nhiều tờ đã cũ, rách bán không ai mua, chỉ còn giá trị sưu tập mới thấy ông như một “tín đồ” của tiền cổ.

“Hồi còn sức khỏe, ngày đi vài chục cây số bán vé số và mua tiền cổ, giờ sức khỏe kém rồi, không làm như trước được nữa, chỉ mua bán trao đổi tại nhà thôi”, ông An cười cho biết.

Cũng mê và bị “dính chặt” vào tiền cổ không dứt ra được, ông Nguyễn Thanh Hòa ở quận Gò Vấp khoái tiền cổ từ thời còn sinh viên nhưng do thân phụ ông không cho ông tiêu tiền thoải mái như nhiều thế hệ sinh viên con nhà giàu bây giờ nên ông Hòa cũng bó tay. Khi được ba sắm cho chiếc xe Mobylette, ông đánh liều bán xe này lấy tiền mua tiền cổ; rồi về báo với gia đình là bị trộm lấy mất. “Bán xe xong, tui mua được quá trời tiền cổ, cầm tiền trong tay mà run không dám đếm luôn”. Nhưng sợ ba phát hiện nên ông Hòa phải đem giấu vào lùm cây hoặc bỏ vào bọc nylon chôn xuống đất. Khi nào nhớ thì đào lên ngắm nghía xong lại chôn xuống. Hỏi giờ những tờ tiền xưa đó còn không? Ông cười cho biết: “Còn trong trí nhớ thôi, chứ tiền thì bị bọn trộm thấy tôi chôn nó đào lên lấy hết trơn rồi”.

Do Việt Nam trải qua nhiều thời kỳ biến dộng, nhiều giai đoạn lịch sử nên chủng loại tiền xưa cổ rất phong phú. Chính vì vậy, càng tạo thêm nhiều hứng thú cho giới sưu tầm, mua bán tiền cổ trong lẫn ngoài nước. Và cũng từ đó, số lượng tiền cổ của Việt Nam cũng ngày một ít đi. Những người buôn tiền cổ bán ra nước ngoài, vì theo họ, bán cho người nước ngoài được giá cao hơn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

TPHCM tăng chuyến xe, chuyến tàu phục vụ người dân dịp...

0
(SGTT) - Dự báo nhu cầu đi lại của người dân trong dịp lễ 30-4 và 1-5 tới đây sẽ tăng cao, Sở Giao...

Kiểm soát an ninh hàng không cấp độ 1 trong dịp...

0
(SGTT) - Trong kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 tới đây, Cục Hàng không sẽ áp dụng biện pháp kiểm soát an ninh hàng...

Khởi công xây dựng nút giao Tân Vạn đường Vành đai...

0
(SGTT) -  Nút giao Tân Vạn kết nối tỉnh Bình Dương với TPHCM đã được khởi công xây dựng. Đây là một trong những...

Việt Nam từ trên cao: Khung cảnh thu hoạch rau nhút...

0
(SGTT) – Khung cảnh thu hoạch rau nhút ở xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, TPHCM thu hút nhiều nhiếp ảnh gia tìm đến...

Trưa nay ăn gì: Giòn sần sật món đậu que xào...

0
(SGTT) – Đậu que giòn sần sật xào cùng thịt tôm ngọt thanh mang đến bữa cơm trưa thơm ngon, giàu dinh dưỡng cho...

Du lịch Quảng Nam ‘khơi chuyện’ để tiếp cận du khách...

0
(SGTT) - Bước vào mùa Hè cũng là cao điểm của mùa du lịch, việc tung ra các gói kích cầu đúng thời điểm...

Kết nối