Thứ năm, Tháng mười hai 12, 2024

Bùng nổ du lịch ở thời kỳ hậu Covid liệu có bền vững?

Để bù đắp cho khoảng thời gian bị chôn chân ở nhà trong đại dịch Covid-19, du khách trên toàn cầu nhìn chung chấp nhận chi phí cao hơn cho các kỳ nghỉ hiện nay. Tuy nhiên, ngân sách đang thắt chặt của các hộ gia đình do lãi suất và lạm phát tăng cao có thể gây rủi ro triển vọng kinh doanh của các khách sạn và hãng hàng không.
Các chuyên gia trong ngành cho biết du khách sẵn sàng chấp nhận giá vé máy bay và phòng khách sạn cao hơn để giải tỏa nhu cầu du lịch bị dồn nén trong những năm đại dịch Covid-19, Ảnh: Financial Times

Giá phòng khách sạn tăng sốc

Joe Younger, kỹ sư 30 tuổi ở London, đã sốc khi thấy giá phòng khách sạn cho kỳ nghỉ 10 ngày của anh ở Montenegro vào tháng 8 tới tăng vọt 80%, lên 800 bảng (1.020 đô la Mỹ) kể từ khi anh bắt đầu tìm kiếm kỳ nghỉ vào năm ngoái. Cùng lúc đó, giá vé máy bay cũng cao hơn.

Younger đã cắt giảm các hoạt động xã hội khác để tiết kiệm tiền cho kỳ nghỉ sắp tới.

“Tôi thích đi du lịch. Tôi đã phải hủy các kỳ nghỉ ở  New York, Amsterdam và các thành phố khác trong thời kỳ đại dịch Covid-19, vì vậy, giờ đây, tôi rất háo hức để đi du lịch khắp thế giới”, anh chia sẻ.

Younger là trườg hợp điển hình cho đội quân du khách đổ xô đặt các chuyến nghỉ dưỡng trong hai năm qua sau khi các hạn chế liên quan đến đại dịch được hủy bỏ. Theo nghiên cứu của Post Office, giá phòng khách sạn trong mùa hè này tăng hơn 50% tại 3/4 trong số 35 thành phố nổi tiếng ở châu Âu. Thành phố Madrid của Tây Ban Nha chứng kiến mức  tăng mạnh nhất, với giá phòng của một kỳ nghỉ hai đêm tăng lên 491 đô la, cao hơn gấp đôi so với mùa hè năm 2022.

Giá phòng khách sạn ở London, Rome, Madrid và Paris tăng bùng nổ ngay cả khi so sánh với thời kỳ trước đại dịch. Theo nhà cung cấp dữ liệu khách sạn STR, trong số 4 thành phố này, doanh thu trên mỗi phòng khách sạn tăng mạnh nhất ở Rome. Trong tháng 6 này, doanh thu trung bình trên mỗi phòng ở tăng 60% so với cùng tháng năm 2019.

“Nhiều chủ khách sạn đã có thể giảm một số áp lực chi phí như chi phí lao động, chi phí thực phẩm, áp lực lạm phát chung bằng cách tăng giá phòng trung bình. Nhưng ai cũng đang tự hỏi điều này có thể kéo dài bao lâu”, Andreas Scriven, người đứng đầu bộ phận khách sạn và giải trí tại hãng tư vấn và kiểm toán Deloitte, nói.

Lâu dài hay chỉ nhất thời?

Nhưng các giám đốc điều hành và các nhà phân tích đang đối mặt với câu hỏi: Khi nền kinh tế chậm lại và lãi suất tăng gây áp lực lên ngân sách hộ gia đình, liệu cơn bùng nổ này là một xu hướng nhất thời hay lâu dài?

Ngành du lịch và lữ hành đóng góp 9,6% GDP của Liên minh châu Âu (EU) vào năm 2019, theo Hội đồng Du lịch và lữ hành thế giới. Nhiều chuyên gia trong ngành này tin rằng cơn bùng nổ du lịch ở thờ kỳ hậu đại dịch có thể vẫn tiếp diễn.

Patrick Mendes, CEO phụ trách bộ phận phòng cao cấp, hạng trung và hạng phổ thông ở khu vực châu Âu và Bắc Phi của chuỗi khách sạn Accor Hotels, nhận định du lịch đã trở thành “ưu tiên số một hoặc hai” trong chi tiêu của mọi người và sẽ chứng tỏ tính bền vững.

“Tôi đã làm việc trong ngành này hơn 20 năm và tôi có thể nói với các bạn rằng rõ ràng, chúng ta đang có động lực phát triển rớt lớn”, Mendes chia sẻ.

3/4 người châu Âu trong cuộc khảo sát bởi Ipsos và hãng bảo hiểm Europ Assistance cho biết họ dự định đi du lịch vào mùa hè này, tăng 4% so với năm 2022 và là mức cao nhất kể từ năm 2011.

“Đây là thời hoàng kim , với tình hình đặt phòng trong mùa hè ở nhiều khách sạn đã vượt qua con số năm 2019. Vì vậy, chúng tôi thực sự kỳ vọng năm 2023 là một năm tăng trưởng rất mạnh mẽ đối với lĩnh vực lưu trú”, Hina Shoeb, một lãnh đạo của S&P Global Ratings, cho hay.

Nhưng những chuyên gia khác không tin hoạt động du lịch khởi sắc hiện nay có thể duy trì lâu khi ngân sách của những người đi nghỉ mát sẽ chịu áp lực do các điều kiện kinh tế thắt chặt.

“Nhiều hộ gia đình đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt. Họ có thể quyết định hủy bỏ kế hoạch đi nghỉ ở nước ngoài hoặc chọn những kỳ nghỉ ngắn ngày và ít tốn kém hơn”, William Duffey, người đứng đầu bộ phận khách sạn phụ trách khu vực châu Âu, Trung Đông và châu Phi của Công ty tư vấn bất động sản JLL, nói. “Chúng ta cần phải nhìn nhận một thực tế rằng có rủi ro thực sự xung quanh khả năng chi tiêu của mọi người trong tương lai. Rõ ràng là thu nhập khả dụng của bạn sẽ giảm xuống nếu bạn phải gia hạn khoản vay thế chấp có lãi suất thả nổi và chi phí ăn uống của bạn đã tăng lên”,  Andreas Scriven của Deloitte, nói.

Lợi nhuận của khách sạn, hàng không khởi sắc

Trong khi đó, các chuỗi khách sạn lớn đang thu về lợi nhuận khả quan ngay cả khi tình trạng thiếu nhân viên đã kìm hãm công suất phòng. Accor Hotels dự kiến thu nhập trước lãi vay, thuế, khấu hao (EBITDA) sẽ tăng lên khoảng từ 920- 960 triệu euro trong năm nay từ 675 triệu euro trong năm 2022, nhờ giá phòng trung bình cao hơn.

Marriott (Mỹ) đã điều chỉnh dự báo lợi nhuận cả năm thêm 6% lên tới 4,54 tỉ đô la. Whitbread (Anh), chủ sở hữu của chuỗi khách sạn giá rẻ Premier Inn, cho biết doanh thu trên mỗi phòng cao hơn 40% so với mức trước đại dịch. Giá phòng trung bình của Premier Inn ở London tăng lên gần 112 bảng/đêm từ 93 bảng trong ba tháng qua,

Tình trạng thiếu nguồn cung phòng mới cũng góp phần đẩy giá lên cao. Theo JLL, nguồn cung phòng khách sạn ở châu Âu chỉ tăng 2,7% trong 12 tháng tính đến tháng 3-2023, so với mức tăng 3,6% cùng kỳ của 4 năm trước đó. JLL cho biết nguồn cung phòng tăng chậm là do chi phí xây dựng và lãi suất cao, khiến các chủ đầu tư trì hoãn các dự án khách sạn.

Các hãng hàng không trên toàn cầu cũng đang có những ngày tháng tươi đẹp. Hồi tháng 4, hãng bay giá rẻ easyJet của Anh tăng hơn gấp đôi dự báo lợi nhuận trước thuế trong năm tài chính kết thúc vào tháng 9 tới, lên mức 260 triệu bảng nhờ lượng đặt vé tăng mạnh và giá vé cao hơn.

“Tâm lý của người tiêu dùng châu Âu tiếp tục rất mạnh mẽ và vững chắc. Nhu cầu đối với các chuyến bay và du lịch vẫn rất lớn”, Johan Lundgren, CEO easyJet, ghi nhận

Ryanair, hãng bay giá rẻ lớn nhất châu Âu, có trụ sở tại Dublin (Ireland), cho biết lượng đặt vé cho mùa hè vẫn tăng mạnh dù giá cao hơn. Neil Sorahan, Giám đốc tài chính của Ryanair, lý giải điều này là do nhu cầu bị dồn nén trong đại dịch vẫn tiếp tục được bung ra và chưa có dấu hiệu giảm bớt.

“Nếu nhìn lại cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009, bạn có thể thấy khá rõ ràng rằng vào thời kỳ đó, mọi người ưu tiên trả nợ khoản thế chấp trước, sau đó mới xem xét đi du lịch. Nhu cầu đi du lịch của mọi người tăng liên tục suốt thập niên qua nhưng họ đột ngột bị mắc kẹt ở trong 2 đến 3 năm gần đây vì đại dịch”,  Sorahan nói

Ngành khách sạn cho rằng họ cần tăng giá phòng khi áp lực lạm phát làm tăng chi phí của mọi thứ, từ lương trả cho nhân viên đến hóa đơn thực phẩm.

Dalata Hotel Group, nhà điều hành chuỗi khách sạn Maldron và Clayton tại Ireland, dự báo doanh thu trên mỗi phòng trong nửa đầu năm sẽ tăng 29% so với cùng kỳ năm 2019. Dermot Crowley, CEO của Dalata, cho rằng phần lớn mức tăng này là do lạm phát.

Ông nói rằng công ty vẫn chưa thể đưa tỷ suất lợi nhuận trở về mức trước đại dịch do chi phí tăng, chẳng hạn, hóa đơn năng lượng tăng gấp ba lần so với năm 2019, cùng với chi phí lao động và thực phẩm cao hơn.

Ông nói thêm: “Mọi người sẵn sàng trả giá phòng cao hơn. Nhưng thực tế là họ đang trả giá cao hơn cho mọi thứ, chứ không chỉ phòng khách sạn”.

Hiện tại, du khách chấp nhận sự tăng giá này. “Nhận thức về giá cả của du lịch đã thay đổi. Chúng tôi đang bán phòng với mức giá đắt hơn. Điều này đang mang lại lợi nhuận cho ngành kinh doanh khách sạn và được khách hàng chấp nhận. Chúng ta mới chỉ bắt đầu một câu chuyện mới”, Mendes của Accor Hotels, nói.

Chánh Tài

Theo Kinh tế Sài Gòn Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối