Thứ Tư, Tháng Tư 24, 2024

Bốn ngày rong ruổi khu tự trị Nội Mông của du khách Việt

(SGTT) – Ở nhà bao, cưỡi lạc đà, tham gia nghi thức thành hôn là những trải nghiệm đặc trưng dành cho du khách khi đến với khu tự trị Nội Mông, theo chia sẻ của hướng dẫn viên Lưu Chấn Huy về chuyến tour đầu tiên đến nơi này tháng 7-2019.

Khu tự trị Nội Mông được thành lập năm 1947, nằm ở phía nam sa mạc Gobi, phía bắc Vạn Lý Trường Thành. Nội Mông có diện tích khoảng 1,2 triệu km², dân số hơn 25 triệu người, trong đó đa phần là người Hán, còn người Mông Cổ truyền thống chỉ chiếm thiểu số. Tuy vậy, tiếng Mông Cổ vẫn được dùng phổ biến tại đây.

Du khách mất năm tiếng bay từ TPHCM đến trung tâm Ordos (tạm dịch: Ngạc Nhĩ Đa Tư), thành phố lớn nhất Nội Mông. Chuyến đi của Huy bắt đầu từ ngày 25-7-2019 từ Việt Nam, khởi hành buổi trưa để đến Ngạc Nhĩ Đa Tư. Suốt 5 tiếng đồng hồ trên máy bay, ai cũng háo hức để được gặp chàng trai hay cô gái Mông Cổ nào đó với trang phục truyền thống độc đáo. Đúng 18:00 giờ chiều Trung Quốc, cả đoàn chính thức đặt chân lên vùng đất thảo nguyên xinh đẹp.

Sân bay Ngạc Nhĩ Đa Tư được thiết kế như một bầu trời sao huyền bí, cả đoàn khách của Huy ngỡ ngàng nhìn lên trần, cứ tưởng chừng khi bước khỏi sân bay sẽ là một đàn ngựa nào đó đang chờ sẵn để đón tiếp, Huy hài hước chia sẻ.

Thủ tục nhập cảnh cũng khá đơn giản, sân bay nhỏ nên cả đoàn dễ dàng tìm lối ra. Sau khi lấy hành lý, Huy gặp ngay cô hướng dẫn viên người địa phương, mang trên mình bộ y phục truyền thống của người Mông Cổ. Cô chào cả đoàn bằng tiếng Trung, kèm quà tặng là một chiếc khăn choàng. Thì ra đó là cách chào mừng nồng nhiệt dành cho các tầng lớp quý tộc thời xa xưa, kèm theo một ly rượu sữa ngựa truyền thống.

Tiếp theo đó, lần lượt những người khách trong đoàn của Huy đều được đón tiếp nồng hậu như thế. Sau đó đoàn về khách sạn Ordos trong nội thành để nghỉ ngơi, dành sức cho những ngày khám phá sau đó.

Sau năm tiếng ngồi xe đến thảo nguyên Ordos, du khách sẽ được trải nghiệm những khách sạn biệt lập, nằm trên bãi cỏ xanh mướt, mô phỏng theo những ngôi “nhà bao” của người Mông Cổ.

Mỗi căn được biệt lập được tô điểm với họa tiết mềm mại màu xanh lam hợp với nền trời. Ngoài trời nhiệt độ tầm 45 độ C, nhưng bên trong thật mát mẻ mặc dù ở sảnh không có máy lạnh. Để qua đêm ở đây, du khách sẽ bỏ ra tầm 300 nhân dân tệ một người. Ảnh: Lưu Chấn Huy

Ngày thứ hai, Huy đánh thức cả đoàn để khởi hành 7:00 giờ sáng vì điểm đến đầu tiên là thảo nguyên Ordos nằm ở phía Nam, cách thành phố Ngạc Nhĩ Đa Tư khoảng 400km. Cả đoàn ai nấy đều đúng giờ vì nghĩ rằng sẽ có nhiều bất ngờ trong một ngày mới tại Nội Mông.

Sau một chặng đường dài đến nơi, mọi người đều đã thấm mệt và đói bụng. Bữa trưa đoàn được tiếp đãi khá ngon với các món ăn liên quan đến thịt dê của người Mông Cổ, tuy hơi tanh và lạ, ai chẳng muốn nếm thử vài thìa và khen lấy khen để. Sau bữa trưa, mọi người bắt đầu vận động tay chân bằng hàng chục những trò chơi được mô phỏng theo cuộc sống trên thảo nguyên ngày xưa và bây giờ.

Đầu tiên là ngồi “Tàu hỏa” Lili, ngày xưa được dùng cho người dân du mục khi họ chạy từ nhà ra giữa thảo nguyên để chăn gia súc, ngày nay được tái sử dụng phục vụ cho mục đích du lịch. Một đoàn chứa khoảng 50 người. Trên đường đi, du khách được ngắm những thảo nguyên dài vô tận xanh mướt hai bên trước khi đến khu vực trò chơi trong thời gian 20 phút.

Để che nắng và gió của thảo nguyên, ai nấy sử dụng chiếc khăn đa năng quà tặng của cô hướng dẫn viên địa phương để che đầu hoặc làm khăn choàng cổ, khẩu trang.

Xe đưa mọi người đến khu vực trò chơi. Trò đầu tiên là trượt cỏ từ trên một ngọn đồi cao tầm 30m, du khách sẽ ngồi trên một tấm ván với hai tay cầm ở hai bên, tốc độ trượt khá  nhanh theo đường trụt của tấm ván. Chỉ mất chưa đầy năm phút, khách sẽ có mặt ngay dưới chân đồi. Cảm giác thật là thú vị khi hơi nóng của sa mạc phà vào mặt. Dù phải xếp hàng hơi lâu để tham gia trò này, tầm nửa tiếng, nhưng đáng để chờ đợi, Huy nhận xét.

Tiếp theo, mọi người di chuyển đến khu vực bắn pháo, trò chơi mô phỏng lại những trận chiến ngày xưa của quân Mông Cổ. Ngoài ra khu vực này, còn có trò bắn cung, làm cho du khách và Huy liên tưởng đến bộ phim Anh Hùng Xạ Điêu tiểu thuyết của Kim Dung phiên bản 1994 của Hong Kong cũng được quay tại đây.

Trên đường về, đúng lúc hoàng hôn buông xuống, du khách sẽ không khỏi ngất ngây với ánh hoàng hôn đỏ rực nhuộm màu cây cỏ vào lúc chiều tà, một kỷ niệm khó quên khi tham quan vùng đất này. Ảnh: Lưu Chấn Huy

Lần lượt từng người trong đoàn nhận phòng. Tất cả nội thất đến tường đều được làm bằng gỗ, đặc biệt trong phòng có một chiếc giường lớn dành cho hơn hai người nằm. Trong nhà bao, đầy đủ cả tiện nghi, không giống như ban đầu Huy nghĩ chắc ở nhà bao là sẽ như cắm trại ngoài một bải cỏ rộng lớn và sẽ bị muỗi tấn công vào ban đêm. Tuy nhiên, từ máy lạnh tới chiếc máy nước nóng lạnh để tắm đều được trang bị, thật là một căn nhà bao cải tiến hiện đại, Huy thích thú kể.

Những nhà bao mô phỏng lại cuộc sống du mục ngày xưa của người Mông Cổ, cùng với những chú dê được thả rong, mang đến cho du khách một cảm giác gần gũi với thiên nhiên và đời sống du mục của người Mông Cổ xưa.

Để chuẩn bị cho bữa tiệc thành hôn của người Mông Cổ xưa thường tổ chức vào buổi tối, du khách sẽ hóa thân thành các dòng dõi quý tộc người Mông Cổ bằng những bộ trang phục đặc sắc. Ảnh: Lưu Chấn Huy

Du khách ngồi bệt với những chiếc bàn được thiết kế kiểu cổ xưa trong văn hóa Mông Cổ. Trên mỗi bàn ăn được đặt sẵn một ly rượu sữa ngựa và các món khai vị như kỷ tử khô, táo khô, sữa chua gạo nếp… Nét đặc trưng văn hóa của người Mông Cổ được thể hiện qua nghi thức thành hôn của cô dâu và chú rể. Cô dâu phải tự xẻ thịt con dê để tiến hành nghi thức khai tiệc. Mọi người cùng đứng lên dùng hai xấp đũa được đặt sẵn trên bàn, đập theo nhạc và trống thay cho tràng vỗ tay. Sau màn biểu diễn của vũ công chuyên nghiệp, du khách cùng tham gia lửa trại. Đây là tiết mục vui nhất, gắn kết mọi người trong đoàn lại với nhau, hướng dẫn viên Lưu Chấn Huy cho biết.

Thông thường chương trình tham quan Nội Mông kéo dài bốn ngày ba đêm với mức giá tầm 11 triệu đồng. Tham quan sa mạc Xiang XaWang, còn gọi là sa mạc Vọng Âm được sắp vào ngày thứ ba. Nơi đây hồi âm của gió trên sườn đồi cát được ví như tiếng hét hay giọng nói của quỷ thần. Từ thảo nguyên Ordos, du khách ngồi xe tầm bốn tiếng. Sau khi dùng bữa trưa, cả đoàn ngồi phi thuyền trên cát, phương tiện được thiết kế như một chiếc tàu khổng lồ đi trên sa mạc với tốc độ 60km/giờ.

Mỗi du khách được phát một đôi giày chống cát. Trượt cát từ trên độ cao 30m và cưỡi lạc đà như các thương nhân đang đi trên con đường tơ lụa băng ngang qua sa mạc là những hoạt động tiêu biểu trong tour dành cho du khách đến với Nội Mông. Sau khi hoàn thành chuyến thám hiểm sa mạc Vọng Âm, cả đoàn về lại thành phố Ngạc Nhĩ Đa Tư.

Ngày thứ tư tại Nội Mông, đoàn dành trọn thời gian còn lại để tham quan tượng đài Thành Cát Tư Hãn, những bảo tàng để tìm hiểu thêm về lịch sử và văn hóa người Mông Cổ trước khi chuẩn bị hành lý để bay về TPHCM lúc 19:00 giờ tối. Ai nấy trong đoàn cũng luyến tiếc những giây phút tuyệt vời của chuyến đi, Huy nói.

Thanh Thu

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

2024 – doanh nghiệp kỳ vọng trở lại ‘năm vàng’ của...

0
(SGTT) – Sau bước phục hồi ấn tượng trong năm 2023, các doanh nghiệp du lịch đang đẩy mạnh đầu tư, làm mới hình...

Ghé thăm các di tích lịch sử hào hùng trên cung...

0
(SGTT) - Cung đường Đông Trường Sơn đoạn qua tỉnh Gia Lai hiện lên đầy ngoạn mục, hoang sơ với những vườn mía xanh...

Giám đốc Du lịch Hoàn Mỹ: Đội ngũ lãnh đạo trẻ...

0
Đầu năm 2021, khi dịch Covid-19 tạm yên, doanh nghiệp bắt đầu bước vào giai đoạn tìm đường hồi phục sau tác động nặng...

Gặp nữ hướng dẫn viên U70 đạp xe trong 34 ngày...

0
(SGTT) - Ở tuổi 65, chị Dương Minh Phượng, hiện là hướng dẫn viên du lịch tiếng Nhật, chọn gắn bó với chiếc xe...

Ngắm hoàng hôn trên quảng trường ‘sông bốn mặt’ ở Campuchia

0
(SGTT) - “Quảng trường sông bốn mặt là nơi ngắm hoàng hôn đẹp nhất tại thủ đô Phnom Penh của Campuchia”, nhiếp ảnh gia...

Kinh nghiệm đi cắm trại gần TPHCM vào cuối tuần

0
(SGTT) - Những ngày nghỉ cuối tuần, anh Võ Công Danh phượt một mình vào rừng sâu và hạ trại để tìm cảm giác...

Kết nối