Thứ Hai, Tháng Tư 29, 2024

Bí mật dự án Nessie

(SGTT) – Khi Ủy ban Thương mại Mỹ (FTC) kiện Amazon ra tòa, hồ sơ vụ kiện dài đến 172 trang có nhiều chỗ bôi đen. Đằng sau các dòng mực đen này chính là dự án Nessie bí ẩn của Amazon mà FTC nêu ra như một trong những cách thức nền tảng thương mại điện tử lớn nhất thế giới này chèn ép các nhà bán lẻ để duy trì vị thế độc quyền của mình.

Đơn kiện các doanh nghiệp của FTC đôi khi có những dòng bị bôi đen – đây là cách làm bình thường khi FTC đề cập đến các thông tin nhạy cảm, có thể là bí mật kinh doanh của doanh nghiệp mà trước mắt FTC có nhiệm vụ phải tôn trọng. Khi xét xử, quan tòa sẽ là người quyết định giải mật hay không để công khai các thông tin bị bôi đen. Tuy nhiên điều bất thường trong hồ sơ kiện Amazon là chỗ bị bôi đen có khi dài đến năm, bảy trang liên tiếp. Tờ Wall Street Journal đã điều tra và phát hiện các trang này đề cập đến dự án Nessie của Amazon.

Theo tường thuật của tờ báo, Amazon nâng giá một mặt hàng nào đó trên trang web của mình, sau đó họ sẽ dùng một thuật toán để quét khắp mọi ngóc ngách trên Internet để theo dõi các đối thủ đang bán cùng mặt hàng như thế. Nếu đối thủ theo chân Amazon, cũng nâng giá bán lên thì Amazon sẽ duy trì giá mới, cao hơn cũ. Còn nếu đối thủ không mắc câu, Amazon sẽ lặng lẽ hạ giá xuống như cũ.

Thông thường bán lẻ trên các nền tảng thương mại điện tử cạnh tranh nhau bằng cách hạ giá; các nơi hạ giá rồi dè chừng đối thủ để tìm cách thu hút khách về cho mình. Ở đây Amazon với dự án Nessie lại làm ngược lại, nâng giá bán để hưởng lợi. Họ làm được điều đó là nhờ sức mạnh bán lẻ của Amazon, các đối thủ phải làm theo. Dự án Nessie, nay đã kết thúc, từng đem về cho Amazon hơn 1 tỉ đô la doanh thu, theo đơn kiện của FTC.

Amazon phản bác lập luận của FTC, cho rằng cơ quan này đã hiểu sai chức năng của thuật toán Nessie. Họ giải thích, giả dụ chuỗi cửa hàng Target hay siêu thị Walmart giảm giá búp bê Barbie từ 14,99 đô la Mỹ xuống còn 10,99 đô la, Amazon buộc lòng phải giảm giá theo để duy trì tính cạnh tranh; các nhà bán lẻ khác cũng vậy.

Sau đó nếu Walmart nâng giá búp bê lên như cũ, các nhà bán lẻ kể cả Amazon buộc phải bán ở mức giá 10,99 đô la vì đang cạnh tranh lẫn nhau. Trong trường hợp này thuật toán Nessie được sử dụng để Amazon phát hiện và tránh các vụ giảm giá khuyến mại kiểu như thế để khỏi mắc kẹt vào bẫy giảm giá.

Ngoài dự án Nessie, FTC còn tập trung vào các bên bán lẻ thứ ba trên nền tảng Amazon như một minh chứng khác cho cách cạnh tranh vi phạm luật của Amazon. Có hàng triệu cửa hàng bán lẻ trên Amazon, những nơi này đem về đến 60% tổng doanh thu bán lẻ của Amazon, hay nói cách khác họ là xương sống làm nên sự thành công của Amazon.

Thế nhưng theo FTC, Amazon đang chèn ép họ đủ cách như buộc họ tham gia dịch vụ để Amazon giao hàng cho khách, phải mua quảng cáo từ Amazon nếu muốn khách để mắt tới mình. Có cửa hàng phải tiêu cả triệu đô la tiền quảng cáo mỗi năm. Tỷ lệ hoa hồng cho Amazon ngày càng tăng, năm 2014 còn ở mức 19% thì nay đã lên đến 45%. Đơn kiện của FTC cho rằng cứ 2 đô la nhà bán lẻ làm ra trên Amazon thì Amazon hớt mất 1 đô la.

Ngoài ra Amazon còn buộc các nhà bán lẻ phải cam kết giá bán của họ là thấp nhất trên Amazon, ai vi phạm sẽ bị trừng phạt. Chẳng hạn nhà bán lẻ thứ ba bày bán mũ kết trên Amazon với giá 9,99 đô la; giả dụ Amazon quét thông tin và phát hiện cũng nhà bán lẻ này bán cùng chiếc mũ như thế trên Walmart với giá 8,99 đô la, Amazon sẽ gửi thư ngay cho nhà bán lẻ yêu cầu điều chỉnh giá, bằng không sản phẩm sẽ bị dìm xuống trên Amazon. FTC cho rằng từ năm 2019 trở về trước, đây là điều khoản Amazon buộc mọi nhà bán lẻ phải cam kết; sau đó họ bỏ cách ký hợp đồng vi phạm luật cạnh tranh rõ ràng như thế nhưng trên thực tế Amazon vẫn duy trì cách thưởng phạt như cũ.

FTC dựa vào cách làm này của Amazon để lập luận mô hình Amazon theo đuổi đã nâng giá bán lẻ lên ở mọi nền tảng thương mại điện tử, có hại cho người tiêu dùng. Nhà bán lẻ do phải chịu nhiều loại phí, kể cả chi phí quảng cáo và tỷ lệ hoa hồng cao trên Amazon nên phải nâng giá bán trên Amazon lên để bù đắp.

Lẽ ra bán ở nơi khác, phí ít hơn hay bán trên trang web của chính họ, không chịu phí, họ phải được quyền giảm giá tương ứng. Nhưng do sợ bị Amazon trừng phạt nên họ đành nâng giá mọi nơi khác lên cao hơn giá bán trên Amazon.

Đó là lý do FCT cáo buộc Amazon gián tiếp triệt tiêu tính cạnh tranh trên các nền tảng thương mại điện tử, dẫn đến giá hàng cao hơn với người tiêu dùng dù họ mua trên cửa hàng của đối thủ.

Nguyễn Vũ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Thương mại điện tử hàng xa xỉ trong cơn suy thoái

0
(SGTT) - Đại dịch Covid-19 thúc đẩy sự trỗi dậy của các nhà bán lẻ thương mại điện tử chuyên về thương hiệu thời...

‘Tảng băng chìm’ sau những phiên livestream bán hàng chục tỉ

0
(SGTT) - Gần đây lướt trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) không khó để bắt gặp những kênh bán hàng trên sóng...

Mua sắm hàng hiệu trực tuyến đã ’hết mốt’?

0
(SGTT) - Các nền tảng thương mại điện tử chuyên bán hàng xa xỉ liên tục thua lỗ do người tiêu dùng dè sẻn...

Bắt trend livestream chốt ngàn đơn hàng: tiềm năng và thách...

0
(SGTT) - Bán hàng qua livestream đã trở thành ngành công nghiệp tỉ đô la của Trung Quốc nhiều năm nay. Ở Việt Nam,...

Tìm lối ra bền vững cho nông sản từ những phiên...

0
(SGTT) - Sàn thương mại điện tử đang được xem là kênh tiêu thụ hiệu quả cho các hộ nông nghiệp, đặc biệt là...

Livestream mở thêm cơ hội bán sản phẩm OCOP cho nông...

0
(SGTT) - Không chỉ các sản phẩm thời trang, mỹ phẩm, hiện nay các sản phẩm OCOP, đặc sản vùng, miền cũng được các...

Kết nối