Thứ Năm, Tháng Tư 25, 2024

Bấm, quẹt tìm con chữ

TÂM LAN –

Điện thoại thông minh dần trở nên bình dân và dễ tiếp cận, Wi-Fi gần như có ở khắp nơi… Vì thế, hình thức m-Learning, với những tiện lợi so với e-Learning, đang trở thành một xu hướng và dự báo sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

m-Learning cho trẻ em

Tám giờ tối, chị Mai Ngọc Lan và bé Na, đứa con gái năm tuổi của mình cùng chăm chú nhìn vào màn hình chiếc điện thoại thông minh (smartphone). Bé Na bị hút vào hình ảnh con cá mập đang đuổi theo chú cá vàng nhỏ nhoi trong khi màn hình vừa hiện lên dòng chữ “The shark is chasing and snapping at the yellow fish” (tạm dịch: Con cá mập đang đuổi theo đớp chú cá vàng), vừa phát ra âm thanh của dòng chữ đó.

Sau khi âm thanh ngưng, ngay chữ shark và yellow fish hiện lên hình ảnh hai chú cá minh họa cho con cá mập và chú cá vàng. Còn từ chasing và snapping được thể hiện bằng cỡ chữ lớn hơn với màu xanh khác biệt, đồng thời được tạo hiệu ứng rung động để thu hút sự chú ý của bé.

0a

Na chỉ cần chạm tay vào hình ảnh chú cá sẽ nghe cách gọi tên chú cá mà mình chạm tay vào. Bé chạm tiếp vào từ chasing chẳng hạn, màn hình smartphone sẽ hiện lên hình ảnh sinh động thể hiện cảnh cá mập đang đuổi theo chú cá vàng.

Bằng cách cùng chơi với bé như vậy, chị Lan đang dần tập bé Na khám phá những từ vựng tiếng Anh, cách phát âm, cách đọc, mặt chữ và ngữ cảnh dùng từ như thế nào. Nói cách khác, chị Lan đang cố gắng dạy bé Na học tiếng Anh qua ứng dụng trên điện thoại di động. Tuy chị chủ tâm dạy nhưng với bé Na thì đây thật ra là một quá trình khám phá nhiều hơn là học. Bé tiếp thu kiến thức qua sự khám phá, qua các trò chơi.

“Nhờ chương trình được thiết kế theo thứ tự từ dễ đến khó, lại có hình ảnh, màu sắc đẹp mắt, đi kèm nhiều hiệu ứng hình ảnh và âm thanh nên bé Na rất thích khám phá ứng dụng này”, chị Lan chia sẻ.

Với nhiều gia đình ở các tỉnh hoặc vùng ven thành phố thiếu các trung tâm ngoại ngữ hoặc với những gia đình không có thời gian cũng như điều kiện kinh tế thong thả để đưa trẻ đến học tại các trung tâm thì việc học ngoại ngữ qua ứng dụng di động thật sự là một giải pháp hữu ích bởi tính tiện lợi, linh động, và kinh tế mà mô hình học tập di động (Mobile Learning, viết tắt m-Learning) này mang lại.

Ngày nay, với sự phát triển và hỗ trợ của công nghệ, các smartphone dần trở nên bình dân và dễ tiếp cận, Wi-Fi gần như có ở khắp nơi, từ nhà cho đến công sở, quán xá … Hình thức m-Learning, với những tiện lợi như vừa nêu đang trở thành một xu hướng được người dùng đón nhận và dự báo sẽ phát triển mạnh mẽ trong tương lai sắp đến.

Hiện nay ở Việt Nam, gần như mọi đối tượng, không phân biệt tuổi tác, không phân biệt nơi chốn, ở một khía cạnh nào đó, đều có thể dùng m-Learning trong cuộc sống của mình

Nếu bạn có con nhỏ và muốn cho trẻ học tiếng Anh, rất đơn giản, chỉ cần lên App Store hoặc Play Store – kho lưu trữ các ứng dụng của Google và đánh vào từ khóa “English” – tiếng Anh, tức thì sẽ có vô số ứng dụng miễn phí phục vụ cho việc học của con bạn, từ từ vựng, cho đến ngữ pháp, nghe hiểu…

Điều tương tự cũng diễn ra với môn toán cũng như một số môn học khác. Nếu bạn biết tiếng Anh, khả năng tiếp cận nguồn tài liệu sẽ là vô cùng lớn.

Nếu tiếng Anh của bạn hạn chế, đừng quá lo lắng bởi ngày nay các ứng dụng học tập dành cho người Việt cũng rất phong phú. Dễ thấy như qua kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2015 vừa rồi, có rất nhiều ứng dụng hỗ trợ luyện thi cho sĩ tử như Ôn thi đại học 360, Sổ tay toán học, Luyện thi Hóa học…

Thêm lựa chọn cho sinh viên

Ở cấp đại học, từ năm 2013 Tổ hợp giáo dục TOPICA đã triển khai ứng dụng học đại học trên thiết bị di động (m-Learning) cho các học viên theo học tại các trung tâm thuộc TOPICA.

Hay gần đây, tháng 11-2015 vừa qua, Tập đoàn FPT cũng đã cho ra mắt trường đại học trực tuyến FUNiX, chuyên đào tạo các kỹ sư công nghệ thông tin. Với một chiếc smartphone kết nối Internet, sinh viên hoàn toàn có thể đăng ký tham dự khóa học và khi hoàn thành toàn bộ chương trình học, sinh viên sẽ trở thành kỹ sư công nghệ thông tin, nhận bằng đại học được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận.

1a

Hãy nghe câu chuyện của bạn Hoàng Công Thành, sinh viên FUNiX. Thành chọn học trực tuyến cùng FUNiX bởi chương trình cho phép Thành chủ động trong việc học, từ thời gian cho đến tiến độ; tiết kiệm được thời gian cũng như chi phí đi lại; việc học tập không ảnh hưởng đến việc đi làm thêm…

Mỗi tối, Thành dành khoảng hai tiếng để lên mạng học thông qua việc xem các clip bài giảng trong học liệu của chương trình. Chỗ nào chưa hiểu, Thành lên trang Facebook của FUNiX đặt câu hỏi và các mentors – người hướng dẫn – thường là các chuyên gia của FUNiX – những người rất nổi tiếng trong lĩnh vực công nghệ thông tin, giải đáp mọi thắc mắc của Thành rất nhiệt tình.

“Mới chỉ năm trước, em không nghĩ việc học đại học lại có thể dễ dàng như vậy. Giảng viên không những rất thân thiện, giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm mà còn là đàn anh trong nghề, lại vừa có thể là những nhà tuyển dụng trong tương lai của mình”, Thành chia sẻ.

FUNiX không phải là trường đại học đầu tiên đào tạo trực tuyến nhưng có thể đây sẽ là một cột mốc quan trọng trong nền giáo dục đại học trực tuyến tại Việt Nam và trong tương lai không xa, chuyện một sinh viên từ vùng xa xôi tiếp cận với nền giáo dục hiện đại cách họ đến ngàn cây số thông qua một chiếc smartphone sẽ ngày càng trở nên phổ biến.

Sân chơi cho doanh nghiệp

Trong câu chuyện trên, ta đã thấy FUNiX rất linh động khi dùng ngay sức mạnh của Facebook để tạo mạng lưới kết nối tương tác giữa học viên và giảng viên hay người hướng dẫn.

Dĩ nhiên m-Learning cũng như Facebook không chỉ dành riêng cho sinh viên. Với sức mạnh hỗ trợ từ Facebook, nhiều nhóm học thuật chia sẻ kiến thức đã ra đời và trong đó không ít các sân chơi mang lại nhiều lợi ích cho doanh nhân, doanh nghiệp. Nguyễn Bình, giám đốc một công ty hoạt động trong lĩnh vực phần mềm là một trường hợp như vậy.

Bình từng làm việc cho một tập đoàn lớn trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Nhận thấy cơ hội kinh doanh, Bình tách ra riêng, cùng với một số người bạn thành lập công ty và cung cấp sản phẩm cho chính tập đoàn cũ mình từng làm việc.

Doanh thu mỗi năm đều đặn vài tỉ đồng làm anh hài lòng, nếu không nói là yên phận. Mọi chuyện thay đổi khi anh tình cờ, theo lời giới thiệu của một người bạn, tham gia một nhóm (group) những người quan tâm đến câu chuyện quản lý trong doanh nghiệp trên Facebook.

Trong một chủ đề trao đổi về tầm nhìn của nhóm trên Facebook, một người đặt câu hỏi với anh Bình rằng: “3-5 năm nữa anh muốn công ty mình như thế nào? Nếu tập đoàn cũ – tức khách hàng hiện tại của anh gặp khó khăn thì sao?”.

Với Bình, đây thật sự là một câu hỏi khiến anh phải suy nghĩ và nhìn lại định hướng của doanh nghiệp mình.

Có thể bạn sẽ ngạc nhiên vì câu hỏi trên gần như là điều hiển nhiên mà nhà quản lý nào cũng biết? Thật ra không hẳn như vậy nếu biết rằng Bình xuất thân là “dân” kỹ thuật và đơn thuần là người làm kỹ thuật. Không riêng gì Bình, 98% các doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ, và không lạ khi có không ít chủ doanh nghiệp chưa trang bị cho mình những kiến thức đầy đủ về quản lý doanh nghiệp. Do vậy, khi tham gia vào nhóm, như cá gặp nước, anh Bình thường xuyên đọc các dòng trạng thái (status) chia sẻ về kiến thức và kinh nghiệm mà các thành viên trong nhóm đưa (post) lên. “Group thật sự là một phần cuộc sống của tôi hiện nay. Là một lớp học hữu ích mà tôi may mắn tham dự”, anh Bình nói.

Ba câu chuyện, ba đối tượng ở ba độ tuổi khác nhau. Tuy vậy tất cả đều bổ sung kiến thức cho mình qua một chiếc smartphone. Ngày nay, smartphone không chỉ là một chiếc điện thoại để nghe và gọi, nó còn là cánh cửa giúp mọi người bước vào thế giới rộng lớn của kiến thức, từ giảng đường cho đến các mạng xã hội.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Nhà hàng, quán ăn tự tin sẽ ‘hốt bạc’ dịp 30-4...

0
(SGTT) - Kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 năm nay kéo dài 5 ngày là cơ hội “hốt bạc” cho các chuỗi kinh doanh...

Đầu tư để xử lý nước ở ĐBSCL cần gấp hơn

0
(SGTT) - Mỗi khi mùa hạn mặn bắt đầu xuất hiện, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bước vào quá trình chuyển đổi quản...

Show giải trí truyền hình tăng nhiệt nhờ nền tảng số

0
(SGTT) - Nhờ hoạt động truyền thông, quảng bá trên các nền tảng số, giờ đây các chương trình truyền hình giải trí, gameshow...

TPHCM tăng chuyến xe, chuyến tàu phục vụ người dân dịp...

0
(SGTT) - Dự báo nhu cầu đi lại của người dân trong dịp lễ 30-4 và 1-5 tới đây sẽ tăng cao, Sở Giao...

Kiểm soát an ninh hàng không cấp độ 1 trong dịp...

0
(SGTT) - Trong kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 tới đây, Cục Hàng không sẽ áp dụng biện pháp kiểm soát an ninh hàng...

Khởi công xây dựng nút giao Tân Vạn đường Vành đai...

0
(SGTT) -  Nút giao Tân Vạn kết nối tỉnh Bình Dương với TPHCM đã được khởi công xây dựng. Đây là một trong những...

Kết nối