Thứ Sáu, Tháng Tư 19, 2024

Bác sĩ gia đình ít người đến khám

HOÀNG NHUNG –

Mặc dù bác sĩ gia đình đã được nhân rộng ra nhiều quận/huyện của thành phố, nhưng mô hình này vẫn chưa được nhiều người dân lựa chọn. Những người trong ngành cho rằng, một trong những nguyên nhân là do các phòng khám bác sĩ gia đình còn đầu tư dàn trải, bác sĩ chưa làm  hết chức năng của bác sĩ gia đình.

Bác sĩ đa năng

bacsiPhụ huynh đưa trẻ đi chích ngừa tại Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM.  Ảnh: Thành Hoa

Bác sĩ Trần Thị Thùy ở Trạm Y tế Bình Trưng Tây (quận 2, TPHCM) cho biết, các bác sĩ ở đây phải làm quá nhiều việc, từ chích ngừa theo chương trình tiêm chủng mở rộng, vừa làm công tác dự phòng nhiều bệnh tật. Hiện nay, mặc dù được khám bệnh để tăng thêm thu nhập, nhưng nhiều người không có thời gian để nâng cao kiến thức về chuyên môn bác sĩ gia đình.

Hơn nữa, theo bác sĩ Thùy, do ở trạm y tế còn quá ít chức năng, mới chỉ khám, tư vấn và làm xét nghiệm đơn giản nên số lượng bệnh nhân nghèo đến khám là chính. Hiện nay, trạm y tế thu tiền khám bệnh là 30.000 đồng/lần, chỉ bằng phân nửa giá khám của bệnh viện công.

Thực tế cho thấy, sau ba năm triển khai mô hình bác sĩ gia đình tại TPHCM, những người đến khám chủ yếu mắc những bệnh lý thông thường như cảm cúm, nhức đầu hoặc theo dõi bệnh mãn tính. Phần lớn người dân khi bị bệnh đều tự ý đến bệnh viện tuyến trên điều trị mà không thông qua khám, chỉ định cũng như giới thiệu chuyển tuyến của bác sĩ gia đình.

PGS.TS.BS. Nguyễn Thanh Hiệp, Phó hiệu trưởng, Trưởng bộ môn Y học gia đình của Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cho rằng hiện nay các bác sĩ gia đình ở trạm y tế làm nhiều chức năng quá. Trước đây, các bác sĩ ở trạm y tế có nhiệm vụ phòng chống dịch, chích ngừa, truyền thông phòng dịch. Nay họ được trao thêm nhiệm vụ khám chữa bệnh cho người dân, khiến công việc của họ trở nên quá tải mà không chuyên sâu.

Hơn nữa, việc đầu tư cơ sở vật chất ở các trạm y tế hiện nay đang chạy theo thành tích và đầu tư dàn trải, ở đâu cũng có máy siêu âm, X-quang, đo điện tim… Bác sĩ Hiệp cho rằng, mỗi quận/huyện chỉ cần chọn một, hai trạm y tế để phát triển như một phòng khám đa khoa, và chuyên tâm phát triển chuyên môn của bác sĩ gia đình.

Cần chính sách mở lối

Thống kê của Sở Y tế TPHCM cho thấy, tính đến nay thành phố có 184 phòng khám ở các trạm y tế phường – xã, 23 phòng khám bệnh viện quận/huyện có bác sĩ gia đình bên cạnh năm phòng khám bác sĩ gia đình tư nhân. Ngoài ra, thành phố còn có khoảng 17.000 phòng mạch tư. Được biết, lãnh đạo ngành y tế dự định đưa các phòng mạch này vào mô hình bác sĩ gia đình để theo dõi sức khỏe cho người dân sống gần khu vực phòng mạch. Đây là lực lượng phủ dày đặc ở khu dân cư.

Tuy nhiên, một số bác sĩ phòng mạch cho rằng, nếu tham gia vào mô hình này họ bị thiệt vì mức giá khám bệnh thấp hơn. Hơn nữa, mỗi bệnh nhân đến khám bệnh phải có sổ sách lưu, phải báo cáo cho cơ quan chức năng, nếu có bảo hiểm thì phải làm thủ tục lãnh tiền cũng mất thì giờ. Do vậy, có ý kiến cho rằng nên để các phòng khám tự nguyện đăng ký tham gia mô hình này, và cũng cần có cơ chế để bác sĩ tham gia dễ dàng hơn.

TS.BS. Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết trong thời gian tới, sở sẽ phối hợp với lãnh đạo các quận/huyện chỉ đạo cho các trung tâm y tế dự phòng phối hợp với bệnh viện quận, huyện triển khai việc ký kết với cơ quan bảo hiểm xã hội ở tất cả các trạm y tế, xây dựng cơ số thuốc đầy đủ hơn nhằm thu hút bệnh nhân đến khám nhiều hơn.

Bên cạnh đó, Sở Y tế quyết định giao quyền cho bác sĩ gia đình được khám, giới thiệu và chuyển bệnh nhân lên các bệnh viện tuyến huyện-tỉnh-trung đối với bệnh nhân bị bệnh nặng, hoặc cần khám chuyên khoa sâu theo hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử do bác sĩ gia đình cung cấp.

Cũng theo BS. Thượng, hiện mô hình bác sĩ gia đình chưa phát triển mạnh, chưa tạo được lòng tin của người dân còn do năng lực khám, chữa bệnh của trạm y tế phường xã chưa phù hợp với yêu cầu của mô hình. Hiện nay, nhân sự có chuyên môn y học gia đình còn thiếu nên hầu hết bác sĩ tại trạm y tế phải kiêm nhiệm nhiều việc.

Ngày 21-8 vừa qua, trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã tổ chức đào tạo miễn phí cho khoảng 2.000 lượt bác sĩ gia đình và nhân viên y tế tại TPHCM và các địa phương lân cận từ nay đến cuối năm 2016. Chương trình học trực tuyến kéo dài ba tháng dành cho các bác sĩ đã có chứng chỉ hành nghề muốn bổ sung chứng chỉ hành nghề về lĩnh vực y học gia đình.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

EU thất thu lớn vì giá tín chỉ carbon giảm sâu

0
(SGTT) - Giá carbon ở Liên minh châu Âu (EU) giảm mạnh trong năm nay khiến doanh thu bán tín chỉ carbon của EU...

Tăng cường 2.000 chuyến bay đêm, giá vé ‘hạ nhiệt’ dịp...

0
(SGTT) - Hãng hàng không Vietnam Airlines cho biết đang mở bán tăng cường 2.000 chuyến bay đêm (từ sau 21:00 giờ) trên các...

Thơm lừng góc chợ Phạm Văn Hai với tô bánh đa...

0
(SGTT) - Bánh đa là sợi bánh thân quen trong một số món ăn của người dân Hải Phòng. Theo dòng chảy văn hóa...

Thảo Cầm Viên tổ chức lễ hội ẩm thực ba miền...

0
Với quy mô hơn 50 gian hàng, cùng 149 món bánh truyền thống, lễ hội ẩm thực "Non sông thống nhất" diễn ra từ...

Loạt sự kiện du lịch tại các địa phương dịp lễ...

0
(SGTT) - Lễ hội Diều khổng lồ tại huyện Đất Đỏ (Bà Rịa – Vũng Tàu), lễ hội Tháp Bà Ponagar (Khánh Hoà) hay...

Nghĩ về cuộc đấu giá 3 mỏ cát với mức trúng...

0
(SGTT) – Vụ đấu giá ba mỏ cát ở Hà Nội với giá trúng cao gấp hàng trăm lần giá khởi điểm đã trôi...

Kết nối