Thứ Bảy, Tháng Tư 20, 2024

Ăn ngon và bổ với những loại cây “nên thuốc” quanh vườn nhà

(SGTTO) – Những ai sinh ra và lớn lên ở các vùng nông thôn hẳn sẽ không xa lạ với những loại cây mọc hoang hay được trồng ở gần nhà. Phần lớn các loại cây đó đều là những vị thuốc chữa bệnh quý.

Từ lâu, dân gian đã dùng các lá thảo dược để làm bài thuốc chữa bệnh đồng thời cũng dùng làm nguyên liệu chế biến những món ăn ngon, bồi bổ sức khỏe cho người bệnh. Tuy dùng làm thuốc là chủ yếu nhưng lá thảo dược có thể kết hợp cùng nhiều thực phẩm khác tạo nên nhiều món ăn đa dạng.

Cây sâm đất

Lá sâm đất của cây sâm đất có nhiều tên gọi khác là thổ sâm, địa sâm hay ở quê cũng hay gọi sâu đất, đồn đột, chặt khoai… Cây mọc hoang ở nước ta phổ biến nhất là ở các tỉnh miền Nam như đồng bằng sông Cửu Long.

Dân gian thường dùng sâm đất như bài thuốc chữa bệnh vì có vị ngọt, tính bình, chuyên trị đau răng, cảm, đau bụng, bệnh gan, cao huyết áp, tiểu đường, nhiễm trùng đường tiểu, bồi bổ cho cơ thể khi suy nhược, ra nhiều mồ hôi, kinh nguyệt không đều, thiếu sữa.

Ngoài ra, sâm đất còn được dùng như một loại rau ăn hằng ngày với những món phổ biến như luộc, nấu canh, xào tỏi, chiên, nướng. Trong đó, canh sâm đất nấu với tôm hoặc nấu với thịt là phổ biến nhất, vừa ngon lại giải nhiệt, mát gan.

Do có tác dụng chữa bệnh, sâm đất được dùng để nấu cháo cho người bị ốm bồi bổ sức khỏe. Tại các nhà hàng, sâm đất là món đặc sản đắt tiền.

Cây vông nem

Lá vông nem của cây vông nem hay còn được gọi với nhiều cái tên khác như cây vông, cây lá vông nem, dong nem, cây thích đồng bì hoặc cây hải đồng bì. Tại nước ta, cây được trồng khá nhiều ở các tỉnh miền Nam.

Lá vông nem có tính bình, vị đắng nhạt có công dụng chính là chữa mất ngủ, giảm căng thẳng, giải độc cơ thể, trị bệnh trĩ, viêm da, phong thấp.

Về chế biến món ăn, đây là loại lá được sử dụng rất đa dạng trong ẩm thực miền quê. Lá vông nem làm rau sống chấm nước cá, thịt kho, lá vông nem xào trứng hay xào nhộng, canh lá vông thịt bằm hay nấu với tép đồng, lá vông xào củ sen, cháo lá vông đậu đen.

Đặc biệt, món bì thính mà được ủ trong lá vông nem không những để được lâu hơn, còn làm dậy lên mùi bì, sẽ rất thơm ngon, đây là bí quyết chỉ có người dân ở vùng quê mới biết. Ngoài ra còn được dùng gói nem, bánh xèo, bánh khọt.

Lưu ý rằng lá và vỏ thân cây vông nem có chứa alcaloid với độc tính nhẹ. Nếu nấu nước canh quá đặc có thể dẫn đến tình trạng sụp mi nhưng lại không ngủ được. Do có tác dụng an thần, dùng nhiều có thể gây buồn ngủ, khó tập trung. Đây là những dấu hiệu bị ngô độc nhẹ, cần dừng lại.

Cây bồ công anh
1. Salad trứng. 2. Xào tỏi. 3. Rau luộc. 4. Rau xào

Cây thường mọc hoang ở các tỉnh miền bắc, các vùng trung du hoặc đồng bằng có độ cao dưới 1.000m so với mặt nước biển. Cây này còn được gọi là cây rau bồ cóc, diếp trời hay rau mũi cày, gần 10 năm trở lại đây được người dân đọc thêm tên là bồ công anh nam.

Bồ công anh chứa rất nhiều chất dinh dưỡng như vitamin A, B, C, tinh bột, chất béo cùng các nguyên tố magie, canxi, đặc biệt là sắt có hàm lượng cao hơn trong rau dền. Có tác dụng bổ máu, đau khớp, đau cơ, ợ hơi, vết chàm, mụn nhọt, rắn độc cắn. Đặc biệt, có tác dụng hỗ trợ điều trị ung thư.

Món ăn phổ biến từ bồ công anh như xào tỏi với hành tây, vắt chút chanh rất ngon, có thể dùng làm salad trứng luộc hay mì xào hải sản, gỏi thịt bò, canh nấu tôm. Với lá bồ công anh đã già và to, món phù hợp nhất chỉ có thể luộc, lá già luộc hai lần để loại bỏ vị đắng, còn lá non thì luộc một lần.

Các cây thảo dược mọc hoang thường hay có nhiều bụi cát, tạp chất do đó cần rửa thật sạch trước khi chế biến. Ngoài ra, nếu cây được trồng, người dùng lưu ý không sử dụng nếu cây có thuốc trừ sâu, phân bón, thuốc tăng trưởng, trồng thủy sinh bón thúc, trồng ở khu vực có ô nhiễm khói bụi. Với những người đang uống thuốc hay có bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ, lương y trước khi dùng lá thảo dược vì có thể bị ngộ độc hay tác dụng phụ. Phụ nữ có thai hay đang cho con bú, trẻ nhỏ được khuyến cáo không nên dùng.

Quỳnh Châu tổng hợp

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Món ăn “thời thượng” từ các loại đọt cây

0
(SGTTO) - Các món ăn từ đọt của những loại cây mọc hoang vốn là món dân dã ở quê nhưng nay lại được...

Kết nối