Thứ Năm, Tháng Tư 18, 2024

Ám ảnh bởi bạo lực học đường kiểu mới

Bảo Uyên –

Không chỉ đấm đá, gây thương tích cơ thể, bạo lực học đường giờ đây còn xảy ra phổ biến ở hình thức xúc phạm, lăng mạ bằng ngôn từ trên mạng xã hội.

Học sinh lo lắng với bạo lực tinh thần

Học sinh trường THPT Nguyễn Du trong một buổi sinh hoạt ngoại khIMG_8295Học sinh trường THPT Nguyễn Du trong một buổi sinh hoạt ngoại khóa.

Tại buổi gặp gỡ giữa lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TPHCM với học sinh thành phố diễn ra vào tuần qua, nhiều học sinh đã đề cập đến tình trạng bị bắt nạt về mặt tinh thần. Các em cho rằng nhà trường đã có nhiều biện pháp chống bạo lực học đường nhưng giờ đây bạo lực “ẩn náu” dưới nhiều hình thức khác, tinh vi hơn trên mạng xã hội Facebook.

Câu chuyện của một nữ sinh 15 tuổi bị lộ clip nhạy cảm và đã tự tử khi không chịu được “búa rìu” dư luận xảy ra cách đây không lâu đã được nhiều em đề cập đến trong buổi gặp này, như là nạn nhân điển hình của tình trạng bắt nạt trên mạng xã hội và bạo lực tinh thần đang diễn ra hiện nay.

Nhiều “cư dân mạng” ở độ tuổi học sinh đã chia sẻ clip, hình ảnh bạn nữ đó và bình luận, chỉ trích bằng những từ rất vô cảm, ác ý, khiến bạn nữ kia tìm đến con đường tiêu cực là tự kết liễu đời mình. Lẽ ra bạn nữ kia phải nhận được sự cảm thông chứ không phải là lời chỉ trích hay lên án, một nữ sinh trăn trở.

Bạn M.U., học sinh một trường THPT, kể rằng cách đây mấy tháng, một học sinh ở quận Gò Vấp bị bạn giết hại và bỏ vào thùng xốp phi tang. Sau sự việc này, nhiều học sinh đã dùng hình ảnh thùng xốp để hù dọa người khác. Thậm chí, có học sinh còn đưa ảnh thùng xốp và nói với bạn mình rằng “có muốn bị bỏ vào thùng xốp không?”.

“Trên Facebook, em thấy nhiều bạn rất vô cảm, phát ngôn đùa giỡn thái quá. Dù điều đó có cố ý đe dọa hay chỉ nói đùa, em và bạn bè đều thấy ức chế và lo lắng”, M.U. nói.

Một số em cho rằng, những hành vi trên là bạo lực tinh thần, hậu quả để lại rất lớn cho nạn nhân, trong khi nguyên nhân khiến học sinh bị bạn bè “ném đá” nhiều lúc lại đến từ những chuyện rất nhỏ.

K.T., một học sinh lớp 11, kể rằng một bạn nữ cùng lớp với em do hoàn cảnh gia đình không khá giả nên mang giày hàng nhái, trong khi đa số các bạn trong lớp mang giày hàng hiệu chính hãng. Nhiều học sinh khác biết chuyện đã bình luận trên Facebook châm chọc, mỉa mai nữ sinh kia.

“Bạn ấy đã không chịu được chuyện này, phải xin chuyển trường. Lẽ ra phải yêu thương, cảm thông cho nhau, sao những bạn kia lại đi soi xét, xúc phạm bạn bè như vậy?”, T. bức xúc.

Cấm Facebook có hết bạo lực?

Tại buổi đối thoại, sau khi nghe ý kiến, chia sẻ của các học sinh, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM, cho rằng mạng xã hội là vấn đề nóng hiện nay ở học đường khi nó chứa đựng nhiều nội dung tốt, xấu lẫn lộn. Theo ông Sơn, thầy cô giáo phải quan tâm nội dung này, chủ động tác động đến học sinh, phát hiện những chia sẻ tiêu cực của các em để giải thích kịp thời.

“Từ phòng giáo dục tới các trường phải tổ chức tập huấn các chuyên đề như cách vào các trang mạng xã hội. Song, bản thân học sinh cũng phải biết chọn lọc thông tin, hình ảnh và có tư duy phản bác những điều tiêu cực, sai trái”, ông Sơn nói.

Dưới góc nhìn của một chuyên gia nghiên cứu tâm lý, trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, TS. Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (tiến sĩ tâm lý, giảng viên Đại học Sư phạm TPHCM) cho rằng mạng xã hội hoàn toàn không xấu, nhưng vì nó mới mẻ, chưa có ai hướng dẫn các em ứng xử thế nào trên thế giới mạng ấy, cho nên sẽ có lúc nó trở thành “con dao vô hình” mang tính sát thương cao. Do đó, cách tốt nhất vẫn là phải hướng dẫn các em văn hoá ứng xử trên mạng xã hội để các em biết tự kiểm soát phát ngôn và hành vi của mình trên đấy.

“Quản lý hết Facebook của học sinh hoàn toàn không phải là cách hay và cũng không hề khả thi. Ngược lại, nếu quản lý Facebook cá nhân của các em, phụ huynh và nhà trường còn vô tình xâm phạm quyền cá nhân và đẩy học sinh về phía bên kia “chiến tuyến” với mình”, ông Hiếu nhận định.

Theo ông Hiếu, “Tiên học lễ – hậu học văn”, xã hội cần có “lễ”, Facebook là mạng xã hội chắc chắn cũng cần có “lễ”. Tuy nhiên, chúng ta chỉ quan tâm đến dạy cư xử trong đời sống trực tiếp hàng ngày mà quên dạy cái lễ trên thế giới ảo, dù hiệu quả hay hậu quả xảy ra trên đó đôi khi còn gấp cả chục lần.

“Sự việc học sinh yêu cầu người lớn phải dạy cho mình văn hóa sử dụng Facebook trong nhiều diễn đàn gần đây cho thấy một sự lỗi nhịp trầm trọng của người lớn. Chúng ta đang chạy theo sau sự phát triển của các em chứ không hề đi trước đón đầu đúng với vị thế mà chúng ta đáng lẽ ra phải có”, ông Hiếu nói.

Cũng theo ông Hiếu, môn Giáo dục công dân là một trong những môn “xương sống” để hình thành đạo đức cho các em. Tuy nhiên, nhắc đến nội dung chương trình môn học này, bao nhiêu em học sinh cảm thấy hứng thú? Điều này hoàn toàn không phải lỗi ở giáo viên, họ chỉ là những người phải dạy theo chương trình. Muốn thay đổi, phải lột xác môn Giáo dục công dân, thổi hơi thở của cuộc sống vào nó. Đưa những vấn đề nóng hổi của thời đại vào chương trình sẽ giúp giáo viên được “cởi trói”, dạy say mê hơn, môn học trở nên thú vị hơn và thật sự hình thành được cho học sinh không chỉ những giá trị sống mà còn là kỹ năng ứng xử.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Người dân đổ về trung tâm TPHCM vui chơi dịp giỗ...

0
(SGTT) - Dịp giỗ Tổ Hùng Vương, nhiều người TPHCM đã tìm về các địa điểm ở trung tâm thành phố để vui chơi,...

Còn khoảng 32.000 tỉ đồng vốn đầu tư công chưa được...

0
(SGTT) -  Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối tháng 3-2024, cả nước còn khoảng 32.000 tỉ đồng...

Đang lắp đặt trạm dừng chân tạm trên tuyến cao tốc...

0
(SGTT) - Theo ghi nhận Kinh tế Sài Gòn Online, trên tuyến cao tốc từ TPHCM ra Nha Trang đang có nhiều điểm thi...

Bộ Xây dựng đề nghị xử lý hành vi ‘thổi giá’...

0
(SGTT) - Bộ Xây dựng đề nghị TP Hà Nội có biện pháp chấn chỉnh, xử lý hành vi đầu cơ, thổi giá và...

Ngắm cầu gỗ dài nhất Việt Nam từ trên cao

0
(SGTT) – Với độ dài khoảng 800m, cầu gỗ ông Cọp là điểm check-in được nhiều du khách tìm đến khi ghé thăm xứ...

Trưa nay ăn gì: Bữa trưa đơn giản với bún thịt...

0
(SGTT) – Bún tươi ăn cùng thịt heo quay giòn rụm là món ăn trưa đơn giản, được nhiều người lựa chọn. Khi thưởng...

Kết nối