Thứ Tư, Tháng Năm 1, 2024

Thị trường cho thuê mặt bằng bán lẻ ‘ấm dần’

Thị trường mặt bằng thương mại cho thuê nay đang “ấm” lên sau hai năm bị đóng băng vì đại dịch Covid-19 và được cho là sẽ sôi động hơn vào cuối năm nay.
Nhà bán lẻ thời trang Uniqlo của Nhật Bản khai trương cửa hàng rộng 3.000m2 tại Saigon Centre, quận 1, TPHCM gần đây. Ảnh: Quốc Hùng

Thị trường cả nước trong hai tháng vừa qua đã chứng kiến sự ra mắt của nhiều cửa hàng bán lẻ mới. Hai cửa hàng vài ngàn mét vuông mới được Uniqlo Việt Nam khai trương ở Hải Phòng và Saigon Centre, TPHCM. Thương hiệu hàng gia dụng Muji đã mở cửa hàng thứ 3 với diện tích 1.700m2 tại Hà Nội. Desino chuyên về túi xách cũng quay trở lại TTTM Takashimaya (TPHCM) và thương hiệu trang sức Pandora gần đây ra mắt cửa hàng mới tại Hà Nội. Và năm nay có thể còn đón nhận sự xuất hiện của nhiều nhãn hiệu nước ngoài vào Việt Nam, theo một báo cáo của Savills Việt Nam.

Nhu cầu thuê mặt bằng tăng

Sự hiện diện của ngày càng nhiều các cửa hàng bán lẻ tại khu đô thị sầm uất, hay trong trung tâm thương mại đã góp phần phục hồi thị trường cho thuê mặt bằng bán lẻ.

Bà Trần Phạm Phương Quyên, người đứng đầu bộ phận cho thuê mặt bằng bán lẻ của Savills Việt Nam, khẳng định nhu cầu thuê mặt bằng đã gia tăng, nhiều doanh nghiệp dự kiến mở rộng kinh doanh. Đó là chưa kể tới hàng loạt mô hình kinh doanh mới ra đời như bếp trung tâm, cửa hàng phân phối vệ tinh, hay cửa hàng tích hợp đa thương hiệu… cũng góp phần làm thị trường cho thuê sôi động hơn.

Cũng theo bà Quyên, hoạt động thương mại điện tử tiếp tục sôi động nhờ đáp ứng được thói quen mua hàng trực tuyến nơi người tiêu dùng sau hai năm dịch bệnh vẫn được duy trì.

Một số nhà bán lẻ hàng trực tuyến đang ăn nên làm ra còn gia tăng sức hút thị trường đối với mặt hàng đang kinh doanh bằng cách mở thêm các điểm trưng bày và bán hàng nhằm tăng sự trải nghiệm của khách hàng – những người tìm hàng và giá tốt qua kênh trực tuyến (online), xem hàng trực tiếp ở cửa hàng (offline) và “chốt” hàng tùy phương thức nào thuận tiện nhất cho họ.

Nói một cách khác, mô típ hoạt động kết hợp online và offline nơi nhiều nhà bán lẻ nổi bật cũng góp phần vào sự nóng lên của thị trường cho thuê mặt bằng bán lẻ.

Những tín hiệu phục hồi thị trường bán lẻ kéo theo nhu cầu thuê mặt bằng mở cửa hàng kinh doanh dự kiến gia tăng trong thời gian tới và giá cho thuê được cho là sẽ thay đổi theo hướng tăng nhẹ.

Những tín hiệu phục hồi thị trường bán lẻ kéo theo nhu cầu thuê mặt bằng mở cửa hàng kinh doanh dự kiến gia tăng trong thời gian tới.

Giá và chính sách cho thuê thay đổi

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, trong quí 1-2022, thị trường mặt bằng thương mại, mặt bằng bán lẻ đã có những dấu hiệu hồi phục tích cực sau thời gian ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19.

Nhiều nhà bán lẻ lớn trong và ngoài nước, như MM Mega Market, AEON Mall, Central Retail, Saigon Co.op, Winmart, Thế Giới Di Động… đang thực hiện kế hoạch mở rộng thị trường, tăng quy mô cửa hàng so với thời điểm cuối năm 2021, khiến nhu cầu thuê mặt bằng kinh doanh đang tăng lên.

Theo đó, tỷ lệ lấp đầy mặt bằng kinh doanh tại các trung tâm thương mại và siêu thị lớn trong quí vừa qua tăng nhẹ so với quí 4-2021 và tiếp tục giữ ở mức cao khoảng 90-95% khi nhiều chính sách ưu đãi được chủ đầu tư đưa ra nhằm thu hút các đơn vị kinh doanh thuê mặt bằng. Đối với mặt bằng bán lẻ nhà phố, các cửa hàng kinh doanh đã dần mở cửa hoạt động trở lại, tình trạng dừng kinh doanh, sang nhượng cửa hàng không còn xuất hiện phổ biến như các quí trước.

Theo thông tin thu thập được của Bộ Xây dựng, giá chào thuê trung bình tại tầng trệt và tầng một khu vực ngoài trung tâm Hà Nội là khoảng 550.000 đồng/m2/tháng; khu vực trung tâm khoảng 2,5 triệu đồng/m2/tháng. Tại TPHCM, giá chào thuê hai khu vực trên lần lượt là 850.000 đồng/m2/tháng và khoảng 3,1 triệu đồng/m2/tháng.

Báo cáo mặt bằng bán lẻ thương mại trên của Bộ Xây dựng cũng được các công ty dịch vụ quản lý bất động sản thương mại chia sẻ.

Theo Savills Việt Nam, trong ba tháng đầu năm, công suất cho thuê trung bình ở TPHCM được ghi nhận lên đến 92%. Giá trung bình chào thuê đồng thời tăng 3% theo quí và theo năm, đạt 1,2 triệu đồng/m2/tháng. Riêng với các dự án khu trung tâm, con số này gần chạm mốc 3 triệu đồng/m2/tháng. Đáng chú ý là các chủ đầu tư đã nâng thời gian thuê tối thiểu và áp dụng chính sách tăng giá hàng năm lên đến 10%.

Tương tự, theo nhận định của các chuyên gia từ JLL, giá thuê thực tế trong quí 1-2022 tại các trung tâm thương mại trọng điểm tăng 1,3% so với quí trước đó, đạt mức 41,5 đô la/m2/tháng (chưa bao gồm thuế VAT và phí quản lý), hồi phục về mức giá cho thuê của thị trường trước đại dịch. Theo công ty tư vấn này, dù các chủ nhà đã dỡ bỏ chính sách hỗ trợ khách thuê nhưng họ vẫn sẵn sàng thương lượng để đưa ra các chính sách hỗ trợ tùy từng trường hợp cụ thể.

Còn theo dữ liệu của Collier Việt Nam, giá thuê trung bình tại khu vực trung tâm ở mức 102 đô la Mỹ/m2/tháng, và giá thuê khu vực ngoài trung tâm từ khoảng 28 đô la/m2/tháng. Tại Hà Nội, giá thuê trung bình tại khu vực trung tâm từ 92 đô la/m2/tháng và tại khu vực ngoài trung tâm là khoảng 21 đô la/m2/tháng.

Nhu cầu mở rộng chuỗi cửa hàng của các thương hiệu đang âm thầm diễn ra, kéo theo thị trường thuê bất động sản thương mại sôi động hơn, nhất là trên địa bàn TPHCM nhưng có điểm khác trước là giá cho thuê đang tăng ở các khu vực ngoài trung tâm.

Savills TPHCM dẫn lời của các chuyên gia và công ty tư vấn bất động sản cho hay các nhà bán lẻ đặt các cửa hàng mới khắp các quận huyện và khu vực thay vì chỉ tập trung ở quận 1, quận 3 đông khách du lịch như trước đây. Đây là lý do xu hướng tăng giá thuê chủ yếu đến từ các dự án ngoài trung tâm, theo Savills.

Tin hay là các trung tâm thương mại vốn phải dời lịch khai trương do dính dịch Covid -19 nay sẽ tái khởi động dự án. Nếu những nơi này sớm được khai trương thì nguồn cung mặt bằng bán lẻ sẽ phong phú hơn.

Theo Công ty Tư vấn BĐS Toàn cầu Jones Lang Lasalle (JLL), nguồn cung mới ở các vị trí tốt và có chiến lược cho thuê hợp lý sẽ giúp tăng giá thuê trung bình trên cơ sở kinh tế hồi phục sau đại dịch. Bên cạnh đó, giá thuê ở các TTTM hiện hữu có thể tăng nhẹ, đi cùng với nhu cầu mở rộng mặt bằng của các chuỗi bán lẻ mới nổi. Ngành hàng ăn uống, của hàng tiện lợi và nhà thuốc dự báo sẽ dẫn dắt nhu cầu trong những tháng còn lại của năm 2022.

Quốc Hùng

Theo Kinh tế Sài Gòn Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Hợp tác chiến lược ‘song kiếm hợp bích’: KDI Holdings và...

0
Ngày 22-4-2024, thành phố Nha Trang sôi động hơn bao giờ hết khi chứng kiến sự kiện ký kết hợp tác phân phối chiến...

Bộ Xây dựng đề nghị xử lý hành vi ‘thổi giá’...

0
(SGTT) - Bộ Xây dựng đề nghị TP Hà Nội có biện pháp chấn chỉnh, xử lý hành vi đầu cơ, thổi giá và...

Gamuda Land hợp tác với hơn 10 thương hiệu bán lẻ...

0
(SGTT) - Ngày 28-3 vừa qua, Gamuda Land vừa hoàn tất thỏa thuận ghi nhớ hợp tác chiến lược với hơn 10 thương hiệu...

Những dự án tỉ đô trên ‘đất vàng’ ở TPHCM của...

0
(SGTT) - TAND TPHCM đang xét xử sơ thẩm vụ án tại ngân hàng SCB và tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Trả lời tại...

Gamuda Land công bố chính sách bán dự án Eaton Park

0
(SGTT) - Ngày 15-3, Gamuda Land đã tổ chức buổi "kick-off" (ra quân) và công bố chính sách bán dự án Eaton Park tại...

Doanh nghiệp địa ốc ‘căng mình’ thu xếp vốn

0
(SGTT) - Giải quyết bài toán nguồn thu và đáo hạn trái phiếu vẫn là nhiệm vụ khó với doanh nghiệp bất động sản...

Kết nối