Thứ Sáu, Tháng Năm 3, 2024

Bỏ phố về rừng: Bờ kia bờ này Nam Cát Tiên?

Du lịchHành trình - Điểm đếnBỏ phố về rừng: Bờ kia bờ này Nam Cát Tiên?

(SGTT) – Gởi xe tại nhà một người quen, bọn tôi phóng xuống ghe len vào rừng ngay.

Sông Đồng Nai chảy qua Nam Cát Tiên.

Cách TPHCM hơn 150 cây số, Nam Cát Tiên đâu xa xôi gì cho cam! Thế mà tính từ đợt đầu tiên kể từ ngày vào trọ học cách nay gần 55 năm, bây giờ mới biết khu rừng vùng Đông Nam Bộ này. Duyên lành chắc nhờ Covid-19?

Cảm giác thân thiện với vùng cây cối âm u này có lẽ là nhờ một đoạn chạy vòng của dòng sông Đồng Nai ôm hết thảm thực vật xanh um giữa ban ngày. Không một tiếng động của con người. Chỉ có tiếng nước chảy rào rào qua các khe đá kia, còn lại là thiên nhiên. Nam Cát Tiên giao cho khách thăm trọn một không gian tĩnh mịch.

Ghé tảng đá, ngồi thả lỏng bên dòng nước, tiếng lòng thanh trong như người đi tìm chân đạo được nhà văn Đức Hermann Hesse tả trong “Câu chuyện của dòng sông”. Cái sướng của người thành phố khi đến Nam Cát Tiên là chỉ sau bốn tiếng đồng hồ đi xe, thiên nhiên đền bù ngay cho người muốn tìm chút yên tĩnh cuối tuần, để lại ngay đàng sau những ồn ào, bôn ba mới đây nơi phố thị.

Ghe cặp bờ ven sông, ven rừng.

Giang, người dẫn đường, đưa chúng tôi len lỏi qua những lối mòn khoét vừa đủ cho người đi theo hàng một, không thể sánh đôi. Bỗng một chú gà rừng phát hiện tiếng người, giật mình, kêu oang oác, liếng thoắng bay trốn vào lùm cây, mất dạng. Không biết “xã hội” gà có ồn ào lắm không, nhưng sao lại kỵ tiếng người?

Về lại trong thôn, băng qua một cánh rừng trồng toàn cây gáo, thăm một vài gia đình. Hầu hết họ là dân di cư tự do từ Hưng Yên vào đây sống cả mấy chục năm nay.

Rừng cây gáo.

Những vườn dâu xanh um trong nắng, chỉ còn tiếng rào rào của tằm ăn dâu. Đây cũng là lần đầu tiên tôi được biết nghề trồng dâu nuôi tằm. Không khí của nhà vườn chậm rãi và yên ắng đến độ thấy được sự tương phản của các chú “tằm ăn rỗi” kia với cuộc sống nhà nông nuôi chúng. Dưới từng luống lá dâu xanh, phải đến hàng ngàn hàng ngàn con tằm trắng nõn đang ăn từ dưới lên, không một giây ngơi nghỉ. Hèn chi ta hay nói “ăn như tằm ăn lên” mà!

Cuộc sống người dân nơi đây hầu hết gắn liền với tiếng rào rào êm ái của đám tằm ăn dâu. Không mơ bon chen, chỉ cứ mười bảy mười tám ngày là nuôi thêm một đợt tằm mới. Con tằm nhả tơ, dân tình đây cũng lao động bền bỉ như thế để nhả tơ cho đời.

“Tằm ăn rỗi” ven rừng Nam Cát Tiên.

Chị Nguyệt, một nhà vườn ở trong vùng, đưa tay vén đám lá dâu cho tôi thấy đám tằm đang ăn. Con trai và con dâu chị ở thành phố, nhưng chị lại không muốn xa đám dâu và những con tằm đang êm ái ru cả một làng bằng những âm thanh quen thuộc.

Những chiếc ghe neo bên bờ, trống vắng. Nhớ đến câu “bên kia là bờ”, nhưng ở Nam Cát Tiên, bên này cũng là bờ!

Nguyễn Quang Bình

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Lưu giữ nghề yến truyền thống 150 năm trên Cù Lao Chàm

0
(SGTT) – Với lịch sử hơn 150 năm, nghề yến trên đảo Cù Lao Chàm, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, đã thu hút đông đảo du khách tìm đến khám phá trong thời gian gần đây. Qua đó, tạo thêm nguồn thu nhập cho người dân địa...

Trekking khám phá hang động núi lửa Chư B’luk

0
(SGTT) - Ẩn mình trong núi rừng Tây Nguyên, hang động núi lửa Chư Bluk là một trong những địa điểm trekking yêu thích của nhiều du khách trong những năm gần đây. Trải nghiệm trekking, cắm trại trên đồi cỏ Phước Bình Trekking thảo nguyên Pal Sol xanh...

Vượt 600 bậc thang chiêm bái tượng Phật khổng lồ ở Bình Định

0
(SGTT) - Chùa Ông Núi hay Linh Phong Sơn tự là địa điểm văn hóa, tâm linh ở huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, cách thành phố Quy Nhơn khoảng 30km. Để chiêm bái tượng Phật ngồi khổng lồ nổi tiếng tại chùa, du khách cần vượt qua "thử...