Là nơi du khách có thể tìm hiểu lịch sử trên 500 triệu năm của Trái Đất, ngắm nhìn cảnh sắc thiên nhiên ấn tượng, khám phá nét văn hóa độc đáo, Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng được kỳ vọng sẽ mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm thú vị.
- Đông sang, đến Cao Bằng ngắm rừng cây thay lá đẹp ngỡ ngàng
- Những tuyệt tác thiên nhiên ở Cao Bằng được đề cử ‘Top 7 Ấn tượng Việt Nam 2022’
Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng đã đưa vào khai thác du lịch ba tuyến trải nghiệm là tuyến phía Đông – trải nghiệm văn hóa bản địa “Xứ sở thần tiên” (huyện Quảng Hòa, Trùng Khánh); tuyến phía Bắc “Hành trình về nguồn cội” (huyện Hòa An, Hà Quảng); tuyến phía Tây “Khám phá Phia Oắc – Vùng núi của những đổi thay” (huyện Nguyên Bình) và dự kiến trong năm nay sẽ đưa vào khai thác tuyến trải nghiệm thứ tư, kết nối thành phố Cao Bằng với huyện Thạc An và Phục Hòa.
Hành trình về nguồn cội tại Hòa An và Hà Quảng
Theo chủ đề “Hành trình về nguồn cội”, tuyến du lịch cụm phía Bắc tập trung ở huyện Hòa An và Hà Quảng đưa du khách tìm hiểu về miền đất có nhiều giá trị di sản văn hóa – lịch sử tiêu biểu cho truyền thống đấu tranh giữ nước, bảo vệ nền độc lập tự do của dân tộc như đền vua Lê, đền Dẻ Đoóng, khu di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó cùng các dấu ấn quá trình hoạt động cách mạng 1941 – 1944 của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Hành trình về nguồn cội cũng đưa du khách khám phá tiến trình lịch sử phát triển địa chất trên 500 triệu năm của trái đất qua các giá trị di sản địa chất mang giá trị quốc tế tại Cao Bằng. Tại huyện Hà Quảng, các nhà khoa học đã tìm thấy hóa thạch cúc đá (nhóm các loài sinh vật biển thân mềm tiến hóa cao nhất, cách đây 66 triệu năm), có giá trị định tuổi các tầng lớp đá chứa chúng và xác định đứt gãy địa tầng.
Khám phá Phia Oắc – vùng núi của những đổi thay ở Nguyên Bình
Đây là chủ đề của tuyến du lịch cụm phía Tây, tập trung ở huyện Nguyên Bình với 16 điểm tham quan. Điểm nhấn của tuyến này là Khu du lịch sinh thái Phia Oắc – Phia Đén, trong đó đỉnh Phia Oắc cao hơn 1.900m được coi là nóc nhà của Cao Bằng.
Về địa chất, nơi đây có sự đan xen giữa các loại đá lục nguyên, đá vôi và đá xâm nhập granit, tạo nên các dãy núi đất xen với núi đá. Xưa kia người Pháp đã chọn Phia Oắc – Phia Đén làm nơi nghỉ mát, hiện vẫn còn các dấu tích của các biệt thự, nhà nghỉ của các công chức thời Pháp. Tham quan tuyến này, du khách còn có thể ghé điểm di sản hóa thạch tại xã Lang Môn, di tích đồn Phai Khắt, làng dệt thổ cẩm in sáp ong của dân tộc Dao Tiền, mỏ thiếc Tĩnh Túc, đồi chè Kolia, trang trại cá hồi…
Trải nghiệm văn hóa bản địa tại Trà Lĩnh, Quảng Uyên, Trùng Khánh và Hạ Lang
Tuyến phía Đông tập trung vào bốn huyện Trà Lĩnh, Quảng Uyên, Trùng Khánh và Hạ Lang, mang đến những trải nghiệm văn hóa bản địa độc đáo của các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao, Sán Chay… qua các làng nghề truyền thống, lễ hội dân gian; cũng như những món ăn đậm đà hương vị núi rừng Việt Bắc như xôi trám, thịt nướng 7 vị, phở chua, hạt dẻ Trùng Khánh, bánh cuốn Cao Bằng…
Với diện lộ đá vôi hơn 1.800m2 trải rộng, Công viên Địa chất Non nước Cao Bằng là xứ sở của hang động, lên tới 200 hang động, trong đó tầm 50 hang động có thể khai thác du lịch. Đến với “xứ sở thần tiên” này là đến với những hang động lớn có thạch nhũ đẹp thuộc loại nhất nhì Việt Nam như động Ngườm Ngao (Trùng Khánh), hang Dơi (Hạ Lang)… hay quần thể hồ – sông hang ngầm Thang Hen (Trà Lĩnh) thuộc loại kỳ thú chưa thấy nơi nào khác ở Việt Nam.
Đặc biệt, hành trình này đưa du khách khám phá thác Bản Giốc (huyện Trùng Khánh), được mệnh danh là thác lớn và đẹp thứ tư thế giới, trong số các thác nước ở biên giới giữa các quốc gia. Cảnh quan quanh thác là địa hình karst dạng cụm đỉnh – lũng trên bề mặt san bằng 400 – 600m với thảm phủ thực vật dày. Trên tuyến này, du khách cũng sẽ được ngắm các cảnh quan karst trưởng thành và già, đặc trưng của công viên địa chất toàn cầu như núi Mắt Thần, hồ Nặm Trá (huyện Trà Lĩnh)…
Tuyến kết nối thành phố Cao Bằng với huyện Thạch An và Phục Hòa
Theo TTXVN, nhằm góp phần phát triển thêm nhiều sản phẩm du lịch theo hướng bền vững, tăng tính hấp dẫn cho Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng, tỉnh dự kiến mở thêm tuyến trải nghiệm thứ 4 trong vùng công viên địa chất Toàn cầu này trong năm nay.
Tuyến trải nghiệm thứ 4 sẽ kết nối các điểm du lịch của thành phố Cao Bằng (gồm Trung tâm thông tin Công viên Địa chất, nhà lưu niệm đồng chí Hoàng Đình Giong, hồ hóa thạch phường Sông Hiến, mỏ sắt gabro Chu Trinh) với các điểm du lịch của huyện Thạch An (gồm núi lửa dưới Đại dương cổ – Bazan cầu gối đèo Khau Khoang xã Thái Cường; rừng cây di sản xã Vân Trình; cơ sở thạch đen truyền thống xã Lê Lai; Di tích đồn Đông Khê, đỉnh núi Báo Đông, Đại dương cổ Bản Né xã Thụy Hùng; cơ sở sản xuất tinh dầu Cao Bằng xã Lê Lợi; địa điểm vùng nguyên liệu phát triển nông thôn miền núi với cây lê, cây dược liệu và cây ăn quả ở xã Thụy Hùng) và huyện Phục Hòa (gồm làng sản xuất đường mía Bó Tờ, thị trấn Hòa Thuận, chùa Trúc Lâm Tà Lùng, Điểm hữu nghị Việt – Trung).
Tuyến trải nghiệm thứ 4 có di sản địa chất phong phú với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, có những làng nghề, bản làng của đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống với nhiều sản phẩm hấp dẫn như thạch đen, lạp sườn, chanh leo, vườn lê, bí thơm… mang giá trị nhân văn, đa dạng sinh học cao.
Đăng Huy