Thứ Năm, Tháng Tư 25, 2024

Yên Tử, hành trình từ Tây sang Đông

HẢI DƯƠNG –

Quần thể di tích và thắng cảnh Yên Tử trải dài trên một vùng đất rộng lớn thuộc bốn huyện (Yên Dũng, Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động) của tỉnh Bắc Giang và hai huyện, thành phố (Đông Triều, Uông Bí) của tỉnh Quảng Ninh. Chúng tôi đã thực hiện nhiều cuộc hành trình dài ngày về những vùng đất đã in đậm dấu ấn của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, cùng vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vĩ mà thiên nhiên đã ban tặng.

KỲ 1:

DẠO CHƠI SÔNG LỤC NÚI HUYỀN

Tìm về chốn Tổ

Trong tâm thức của những người Việt tìm về hành hương bái Phật hẳn đã thuộc câu ca xưa:

“Ai qua Yên Tử, Quỳnh Lâm

Vĩnh Nghiêm chưa tới, thiền tâm chưa đành”

Câu ca đã nhắc đến ba ngôi chùa nổi tiếng nhất của thiền phái Trúc Lâm là Yên Tử, Quỳnh Lâm và Vĩnh Nghiêm.

Chùa Vĩnh Nghiêm cổ kính.
Chùa Vĩnh Nghiêm cổ kính.

Nằm cách Hà Nội hơn 70 km về phía Đông Bắc, chùa Vĩnh Nghiêm thuộc thôn Đức La, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, Bắc Giang. Người dân vùng Kinh Bắc vẫn gọi chùa Vĩnh Nghiêm là chùa La. Cứ nghe đến chùa La là nghĩ ngay đến một ngôi chùa lớn nhất của tỉnh Bắc Giang.

Chùa tọa lạc ở nơi hợp lưu của sông Lục Nam và sông Thương. Xưa kia khu vực này có tên là ngã ba Phượng Nhãn. Nhìn về phía xa xa chính là Lục Đầu Giang cùng ngôi đền Kiếp Bạc, nơi thờ Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Một phía khác của chùa chính là vùng Cẩm Lý, cửa ngõ vào khu rừng Tây Yên Tử hùng vĩ.

Chùa Vĩnh Nghiêm được xây dựng vào thời Lý. Đến thời Trần vào thế kỷ XIII, chùa được trùng tu, mở rộng và trở thành một trung tâm Phật giáo lớn. Thiền phái Trúc Lâm do Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông sáng lập và ngài chính là Tổ đệ nhất. Thiền sư Pháp Loa Đồng Kiên Cường là Tổ đệ nhị và thiền sư Huyền Quang Lý Đạo Tái là Tổ đệ tam. Cả ba vị Tổ của Trúc Lâm thiền phái đều trụ trì và mở trường thuyết pháp tại chùa này.

Chùa Vĩnh Nghiêm trở thành trường đại học Phật giáo đầu tiên ở Việt Nam và phát triển cực thịnh vào thời Trần. Cũng vì lẽ đó Vĩnh Nghiêm được coi là chốn Tổ của Thiền phái Trúc Lâm. Tại chùa hiện vẫn lưu giữ kho kinh khắc trên gỗ thị, một tài sản quý giá về mặt lịch sử, nghiên cứu, nghệ thuật. Nhà chùa hiện nay chỉ trưng bày vài tấm ván kinh phục dựng trong tủ kính cho du khách xem. Còn lại toàn bộ hơn 3.000 bản ván kinh đã được bảo quản kỹ càng, nghiêm ngặt.

Băng rừng, vượt thác, lên núi Phật

Suối Mỡ chảy róc rách qua những mỏm đá.
Suối Mỡ chảy róc rách qua những mỏm đá.

Rời chùa Vĩnh Nghiêm, chúng tôi lên đường khám phá những thắng cảnh Tây Yên Tử. Đầu tiên là vùng đất Lục Nam mà nhiều người gọi bằng cái tên vùng đất “Lục-Huyền”, nơi có dòng sông Lục Nam uốn lượn dưới dãy Huyền Đinh xanh thăm thẳm.

Chúng tôi dừng chân bên đường để ăn sáng. Chị chủ quán đang mở bài hát quen quen có tên Gửi về sông Lục núi Huyền do ca sĩ Hồng Liên trình bày rất ngọt ngào.

“Quanh co, quanh co con đường lên dốc

Đền Trung, Đền Thượng hương khói vu vi

Róc rách suối reo, hoa lá thầm thì…”

Câu hát mời gọi mọi người về với vùng đất Lục Nam cổ tích. Nó còn gợi nhắc đến thắng cảnh suối Mỡ nổi tiếng của vùng Tây Yên Tử thuộc xã Nghĩa Phương, Lục Nam. Chúng tôi quyết định chọn suối Mỡ là điểm đến đầu tiên trong ngày.

Thác Thùm Thùm bốn tầng với những dòng nước từ trên cao đổ xuống tạo thành những bãi tắm.
Thác Thùm Thùm bốn tầng với những dòng nước từ trên cao đổ xuống tạo thành những bãi tắm.

Những ngày hè nắng nóng, đường xa mà gặp con suối trong rừng thì cảm giác chưa cần lội, cần tắm cũng đã thấy thích lắm rồi. Con suối nằm nép mình dưới chân núi Huyền Đinh, chảy uốn lượn từ cao xuống thấp. Dòng nước cứ luồn lách chảy qua những khe đá, rồi đổ xuống những vũng trũng, tung bọt trắng xóa. Bà Mai, người bán nước gần suối, khuyến cáo: “Suối này rất trơn, trơn như đổ mỡ nên đi lại phải rất cẩn thận. Cũng vì trơn như mỡ nên nó mới có tên là vậy”.

Không chỉ có phong cảnh đẹp, nơi đây còn có thể xem là một khu du lịch tâm linh. Dọc theo suối Mỡ, có đền Hạ, đền Trung, đền Thượng, đền Trần, đền Quan. Đền ở suối Mỡ thờ Công chúa Quế Mỵ Nương thời Hùng Vương, người có công mở dòng suối Mỡ, dạy dân chúng trong vùng cách làm ruộng, phát nương. Cùng với đó người ta lập đền Trần để thờ các vị vua anh minh của vương triều này. Ở phía sân sau đền Hạ có một cây lan cổ thụ rất lớn mà người địa phương cho rằng đã hơn 200 tuổi. Vào mùa nở hoa cả một vùng sẽ ngửi thấy hương thơm ngào ngạt.

Đã đi suối Mỡ thì không thể bỏ qua thác Thùm Thùm, nơi thượng nguồn của dòng suối. Để lên thác, du khách phải vượt qua 7 km đường đèo dốc, khá nguy hiểm dù đã được trải nhựa. Dọc tuyến đường có những biển cảnh báo sạt lở vào mùa mưa bão.

Con đường mòn xuyên rừng càng đi càng hẻo lánh, khó khăn. Mãi đến gần trưa, cả nhóm mới tới thác. Nằm ở đỉnh núi Huyền Đinh, thác Thùm Thùm được tạo bởi những dòng nước đổ từ trên cao xuống các vũng. Những vũng nước do thác đổ xuống vô tình tạo ra các bãi tắm thiên nhiên tuyệt đẹp. Nhiều chàng trai, cô gái cứ để nguyên quần áo mà nhào xuống bãi tắm. Dòng nước xối xả, mát rượi đã cuốn phăng đi mồ hôi, bụi đường, cùng bao mệt mỏi.

Từ tầng một lên tầng hai của thác có vẻ đơn giản. Nhưng từ tầng hai lên tầng ba cao hơn 10 m khá nguy hiểm. Khu vực này được mệnh danh là “thác Trơn” và để trợ giúp cho du khách, người dân bản địa đã làm một chiếc thang dây. Du khách có sức khỏe sẽ đu thang dây lên tầng trên.

Ở tầng thứ ba có những vũng nước trong vắt, nhìn rõ cả viên sỏi nhỏ dưới đáy. Với nhiều bóng cây xanh mát, ở đây trở thành điểm nghỉ chân thư giãn và ngắm cảnh lý tưởng. Từ đây ai muốn chinh phục tiếp tầng bốn sẽ phải bám đu người qua một phiến đá khổng lồ chắn ngang dòng nước, cao 3-4 m. Đây là con đường duy nhất, vì không thể đi vòng sang đường rừng ở hai bên.

Sau một đêm ngủ lại suối Mỡ, sáng hôm sau chúng tôi lên đường tiến sâu hơn vào vùng Tây Yên Tử. Vùng đất cuối cùng của huyện Lục Nam là xã Lục Sơn, nơi giáp ranh với xã Bình Khê, Quảng Ninh. Ranh giới của hai xã cũng là ranh giới của hai huyện, hai tỉnh. Điểm khám phá là đỉnh Phật Sơn cao gần 1.000 m so với mực nước biển.

Đến xã Lục Sơn, một tấm biển to bên đường ghi “Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử – thắng cảnh suối Nước Vàng”. Từ đây đường đi mỗi lúc một nhỏ và đèo dốc. Chúng tôi tình cờ quen được Đặng Văn Thịnh, một người bản địa. Anh tình nguyện dẫn cả nhóm đi. Đi bộ khoảng 2 km từ điểm gửi xe, chúng tôi và Thịnh bắt gặp con suối có nước màu vàng óng như mật ong rừng. Truyền thuyết kể rằng: “Dòng suối này là dòng suối của Phật Hoàng nên mới có màu vàng như vậy. Người Cao Lao ở đây thường lấy nước suối về uống, hoặc cho trẻ sơ sinh tắm để mong khi con lớn lên có sức khỏe và trí tuệ…”.

Sau một buổi sáng trèo đèo, lội suối hơn 10 km trong rừng, cả nhóm mệt nhoài. Đến trưa, Thịnh dẫn chúng tôi dừng lại dưới chân thác Giót. Đây là con thác thượng nguồn của suối Nước Vàng. Thác Giót hoang sơ với những dòng nước đổ xuống từ trên vách đá. Mọi người vào đứng dưới thác để dòng nước đổ xuống người cho tươi tỉnh. Cả nhóm ăn ít bánh, sữa và trái cây mang theo rồi ngồi nghỉ lấy lại sức. Đoạn đường phía trước đòi hỏi nhiều sức khỏe và kỹ năng đi rừng vì con đường mòn rậm rạp và rất dốc.

Cuối cùng chúng tôi cũng đã đặt chân lên đỉnh Phật Sơn. Trên đỉnh núi có một khu vực bằng phẳng, khá rộng, gọi là “Sân Trời”. Những phiến đá lớn với nhiều hình thù kỳ quái, ngộ nghĩnh. Trên Phật Sơn bát ngát mây trời, mọi người cảm giác chốn thiền đang lan tỏa quanh mình. Từ đây sang chùa Hồ Thiên của đất Bình Khê, Đông Triều chẳng còn bao xa. Nhưng chúng tôi quyết định quay lại phía Bắc Giang trước khi trời tối.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Lên chốn thiền Yên Tử

0
Nguyễn Thế Lượng Xa nơi ồn ã, náo nhiệt, một chuyến hành trình về núi thiêng Yên Tử hẳn sẽ làm du khách quên đi...

Kết nối