Thứ Sáu, Tháng Tư 19, 2024

Yên Tử, hành trình từ Tây sang Đông

HẢI DƯƠNG –

Hơn bảy thế kỷ trước, Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông đã tới am Ngọa Vân (xã Bình Khê, Đông Triều) để tu hành và nhập cõi Niết Bàn. Ngày nay, cung đường từ Trại Lốc, xã An Sinh lên am Ngọa Vân rồi sang chùa Hồ Thiên được ví như cung đường thiền Phật thứ hai ở Quảng Ninh của Phật tử, du khách. Còn cung đường thứ nhất là hành trình lên chùa Đồng ở xã Thượng Công Yên, thành phố Uông Bí.

KỲ 5:

TRÊN CON ĐƯỜNG THIỀN PHẬT

Hiện nay con đường từ ngã tư Đông Triều chạy qua Trại Lốc và đến tận Cửa Phủ đã được trải nhựa. Anh Nguyễn Văn Hải, một người dân địa phương, cho biết để khám phá “cung đường thiền Phật” thì có nhiều lối đi khác nhau. Nhưng thông thường du khách vẫn chọn đi từ Trại Lốc lên chùa Ngọa Vân, tháp Phật Hoàng, đến am Ngọa Vân, rồi vòng sang bãi đá Chồng, chùa Hồ Thiên.

Cảnh sắc Yên Tử.
Cảnh sắc Yên Tử.

Đi qua những cánh rừng già, chốc chốc chúng tôi lại bắt gặp một con suối nhỏ chảy ngang qua đường. Có nhiều đoạn suối nước trong vắt nhìn thấy cả rêu, sỏi dưới đáy. Đi chừng 7-8 km chúng tôi tới được địa điểm đầu tiên gọi là Cửa Phủ. Cửa Phủ là một ngôi miếu nhỏ nằm trước cửa rừng. Khách qua đây dừng lại để cầu có chuyến đi rừng an toàn, không bị lạc lối.

Từ Cửa Phủ, con đường bắt đầu xuất hiện những đoạn đèo dốc. Đầu tiên là con dốc Đỗ Kiệu. Chuyện kể rằng ngày xưa khi Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông đến đây tu hành cũng từng leo con dốc này. Dốc tuy chỉ dài hơn 200 m, nhưng dựng đứng, ngựa và kiệu của vua, quan nhà Trần tới chân dốc đều phải đỗ lại để leo bộ. Chính vì vậy con dốc mới có tên là Đỗ Kiệu.

Suối nước trong mát trở thành điểm dừng chân lý tưởng.
Suối nước trong mát trở thành điểm dừng chân lý tưởng.

Chị Mai, người bán hàng nước gần đó, cho biết trước đây qua dốc Đỗ Kiệu rất khó khăn. Ở một số đoạn, người ta phải làm chiếc thang bằng cách chặt hai cây to cỡ bắp đùi người lớn, rồi đóng các thanh gỗ bắc ngang hai cây cho khách thập phương leo lên. Ngày nay dốc Đỗ Kiệu đã được xây bậc gạch để lên dễ dàng hơn. Trải qua hơn 200 m dốc dựng đứng, nhiều du khách thở hổn hển, nói không thành tiếng, tìm vội vào quán nước nghỉ chân.

Từ dốc Đỗ Kiệu, con đường bắt đầu nhỏ dần, luồn lách qua những tán cây rừng. Tuy đã được đổ bê tông và một số chỗ tạo thành bậc nhưng hành trình xuyên rừng men theo suối này vẫn rất mất sức. Khi đã mệt mỏi, mồ hôi ướt áo, mọi người nghỉ chân bên con suối nhỏ trong vắt, mát lạnh.

Con đường đá dẫn lên chùa-am Ngọa Vân.
Con đường đá dẫn lên chùa-am Ngọa Vân.

Lên đến khu mộ tháp Thông Đàn, trời đất rộng mở. Hiện nay, nền mộ tháp đã được xây dựng lại trên một khu đất trống. Tương truyền ngày xưa nơi đây là những cánh rừng thông bạt ngàn, loại thông từ Ấn Độ xuất hiện ở đây hơn bảy thế kỷ trước. Cho đến nay, đây là nơi duy nhất ở Việt Nam có loại thông này. Những nền đá cũ làm chúng tôi và nhiều du khách quan tâm hơn là khu tháp được xây mới hoàn toàn. Bởi từ nền đá còn sót lại ấy đã minh chứng rằng xưa kia nơi đây có cả một khu mộ tháp cổ rộng lớn giữa rừng thông.

Từ Thông Đàn chỉ đi một đoạn là tới khu chùa Ngọa Vân cũ. Hiện nay, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng đang cho phục dựng lại chùa. Chùa Ngọa Vân cũ đã hoang phế gồm phần nền móng và một bức tường đổ nát bên sườn núi. Đặc biệt, bức tường đá ong với những nét họa tiết còn sót lại cho thấy khi xưa đây là một công trình kiến trúc khá cầu kỳ, được xây dựng công phu.

Tháp đá bảy tầng, một công trình kiến trúc ở chùa Hồ Thiên.
Tháp đá bảy tầng, một công trình kiến trúc ở chùa Hồ Thiên.

Từ chùa Ngọa Vân lên am Ngọa Vân, du khách có thể rẽ sang một mỏm núi để thăm tháp Phật Hoàng. Tương truyền đây chính là nơi nhà vua đã viên tịch. Ở đây có tượng Đức Phật Hoàng màu đen ngự trên đài sen trong tư thế nằm, mặt ngẩng tay chống sau gáy. Bên cạnh có tượng Bảo Sái quỳ hầu.

Hiện nay am Ngọa Vân vẫn chờ được trùng tu. Đến đây du khách còn bắt gặp một mộ tháp nữa của Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Mộ tháp cổ này nằm ngay trước gian Tam Bảo, được xây dựng hoàn toàn bằng đá, phía trước tháp có dựng bia. Ngoài kiến trúc cổ của mộ tháp, dấu tích cửa thiền nơi đây còn in vào những bậc đá, tường bao rêu phong, cổ kính. Chúng tôi xin nghỉ lại tại am Ngọa Vân khi trời đã xế chiều, cũng là để lấy sức cho hôm sau tiếp tục tìm về chùa Hồ Thiên.

Từ am Ngọa Vân sang chùa Hồ Thiên, chúng tôi đi men qua nhiều mỏm núi, với những cánh rừng mới trồng, thậm chí có chỗ đồi trọc. Đoạn đường tuy xa nhưng dễ đi, chỉ tốn sức ở một số chỗ leo dốc. Trên cung đường này, du khách sẽ ngắm khoảng không bao la, hùng vĩ của núi Yên Tử. Những đám mây trắng bồng bềnh, lững lờ càng làm cho cảnh sắc nên thơ. Đi được khoảng 2 km, từ xa xa chúng tôi đã nhìn thấy một bãi đá ngổn ngang trên mỏm núi. Có phiến đá lớn bằng một gian nhà xếp chồng lên nhau cao vút hướng tới trời xanh. Chính vì thế khu này được người ta đặt cho cái tên bãi đá Chồng. Đây cũng là điểm vọng cảnh không thể tuyệt vời hơn cho những ai một lần đi qua.

Sau gần một ngày đi bộ rời rã, cuối cùng chúng tôi tới được chùa Hồ Thiên. Ngôi chùa này nằm ở sườn núi Phật Sơn. Chùa Hồ Thiên cũng chung tình trạng như chùa-am Ngọa Vân, chùa Quỳnh Lâm, đó là đã xuống cấp, hoang phế. Chỉ còn tháp đá bảy tầng và mộ tháp gạch cổ còn tương đối nguyên vẹn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Học nấu món miền Tây bên dòng sông Tiền

0
(SGTT) - Nằm êm đềm bên dòng sông Tiền, du khách đến Mekong Riverside Boutique Resort & Spa (thành viên Sáng kiến Điểm đến...

Ngắm tulip nở rộ tại vườn hoa lớn nhất thế giới

0
(SGTT) – Vườn hoa tulip lớn nhất thế giới Keukenhof (Hà Lan) đang thu hút đông đảo du khách ghé thăm nhờ hàng triệu...

Trưa nay ăn gì: Đổi vị bữa trưa với món há...

0
(SGTT) – Bên cạnh sushi, sashimi hay các loại mì soba, udon, ramen… ẩm thực Nhật Bản còn có món há cảo với hương...

Về Quảng Nam xem lễ rước sắc phong và chánh tế...

0
(SGTT) - Nằm trong khuôn khổ lễ hội Kỳ Yên năm 2024, sáng 18-4 (nhằm mùng 10-3 Âm lịch), tại xã Tiên Châu, huyện...

TPHCM: sẽ đốn hạ hơn 400 cây xanh để làm metro...

0
(SGTT) - Theo Ban Quản lý Đường sắt đô thị TPHCM, để dọn mặt bằng làm tuyến metro số 2, hơn 400 cây xanh...

Chuyển một phần chi phí quản lý quỹ BHYT cho quỹ...

0
(SGTT) - Dự thảo Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi có đề xuất giảm chi phí của hoạt động quản lý quỹ bảo...

Kết nối