Thứ tư, Tháng mười hai 4, 2024

Xăng dầu tiếp tục ‘đẩy’ chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 tăng

Bộ Tài chính dự báo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 tiếp tục tăng cao do tác động từ giá xăng dầu tăng.
Giá xăng đã tiệm cận ngưỡng 30.000 đồng một lít do chịu tác động từ xu hướng tăng giá dầu thô. Ảnh minh hoạ: Minh Hoàng

Thông tin này được Bộ Tài chính nêu tại cuộc họp giữa Phó thủ tướng Lê Minh Khái và một số bộ ngành, địa phương về công tác điều hành giá một số mặt hàng quan trọng, thiết yếu chiều 14-3.

Ông Tạ Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính, cho biết mặt bằng giá hiện vẫn được kiểm soát. Nhưng diễn biến giá cả hàng hóa, nguyên vật liệu trên thế giới tiếp tục gia tăng đang tạo áp lực rất lớn đến chi phí sản xuất, nguồn cung.

Cụ thể, giá dầu thế giới đã có dấu hiệu chững lại trong một vài ngày gần đây sau 2 tuần gia tăng đột biến. Nhưng căng thẳng chính trị tiếp tục biến động nhanh và khó lường khi các bên tiếp tục áp dụng các biện pháp trừng phạt.

Với bối cảnh này, nhiều tổ chức đã nhận định giá dầu tiếp tục dao động trong khoảng 110-130 đô la Mỹ một thùng trong giai đoạn tới, thậm chí tăng lên mức 150 đô la.

Theo Bộ Tài chính, xăng dầu tăng giá đã tạo áp lực lên các dịch vụ vận tải hành khách, hàng hóa đường bộ khiến các doanh nghiệp vận tải phải tính toán để điều chỉnh tăng giá cước.

Ngoài ra, giá thép xây dựng tại thị trường trong nước có thể tiếp tục tăng do chi phí nguyên vật liệu, nhu cầu tiêu thụ trong nước tăng khi các công trình trọng điểm được đẩy nhanh triển khai. Bên cạnh đó, giá nguyên liệu thức ăn công nghiệp chính tiếp tục tăng do hạn chế nguồn cung.

Với những diễn biến này, Bộ Tài chính dự báo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3-2022 có thể tiếp tục ở mức cao do chịu tác động chủ yếu từ giá xăng dầu tăng. Còn CPI bình quân 3 tháng đầu năm trong khoảng 2-2,1%, vẫn nằm trong kịch bản điều hành giá đã đề ra từ đầu năm.

Cơ quan này cũng giả định CPI các tháng còn lại tăng đều một tỷ lệ như nhau so với tháng trước thì trong 9 tháng còn lại, CPI mỗi tháng còn dư địa tăng 0,5% để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát khoảng 4%.

Để ứng phó với thách thức từ xu hướng tăng giá hàng hóa, nguyên liệu, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục triển khai các biện pháp điều hành để ổn định nguồn cung xăng dầu trong nước. Ngoài ra, cần dự báo diễn biến giá xăng dầu thế giới để có phương án điều hành phù hợp. Bên cạnh đó, sử dụng Quỹ bình ổn giá hợp lý, linh hoạt để hạn chế mức tăng giá xăng dầu trong nước.

Đồng thời, tổ chức thực hiện và chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường. Xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng, lợi dụng diễn biến giá xăng dầu để tăng giá hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý…

Bộ Tài chính đề nghị Bộ Giao thông vận tải có hướng dẫn, chỉ đạo cụ thể Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố tham mưu cho UBND theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu. Đây là cơ sở để tổ chức rà soát kê khai giá của doanh nghiệp nhằm đánh giá việc tăng giá có phù hợp với biến động của các yếu tố đầu vào hay không.

Cơ quan này cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện quản lý nhà nước các mặt hàng theo thẩm quyền, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện các biện pháp, gồm kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin về giá, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá.

Theo đó, các địa phương cần xử lý nghiêm với trường hợp đầu cơ, găm hàng và tăng giá bất hợp lý. Đồng thời, chủ động kiểm tra yếu tố hình thành giá theo quy định tại Luật Giá và theo thẩm quyền khi hàng hóa có biến động bất thường.

Bên cạnh các giải pháp trên, Bộ Tài chính cũng đưa ra một số kiến nghị đối với công tác điều hành giá một số mặt hàng thiết yếu, gồm LPG, xi măng, thịt heo, phân bón u rê, gạo, giá dịch vụ xét nghiệm virus SARS-CoV-2, giá vật tư, trang thiết bị y tế.

Vân Phong

Theo Kinh tế Sài Gòn Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối